Khởi nghiệp với nghề nuôi ong lạ, thu nhập bạc tỉ trong năm dịch bệnh
Với hơn 400 đàn ong dú, năm 2021 này, anh Nguyễn Hữu Trực đã thu gần 100 lít mật. Không chỉ thế, anh còn thu về hơn 960 triệu đồng từ sản phẩm phấn ong, keo ong thô, thùng ong giống.
Đàn ong lạ trong nhà cổ trăm năm
Từ bé, anh Nguyễn Hữu Trực (29 tuổi, ngụ tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) đã thích ong. Những buổi trưa nắng, Trực lang thang từ bụi cây này đến hốc trụ điện khác để nhìn ngắm những tổ ong.
Để rồi đến khi trưởng thành, có tích lũy ít vốn liếng từ công việc nhân viên ngân hàng, Trực quyết định đầu tư nuôi ong mật. Nhưng lần khởi nghiệp đầu tiên này của Trực thất bại hoàn toàn, lỗ hơn 100 triệu đồng do điều kiện khí hậu vùng đất Ninh Thuận không phù hợp với ong mật.
Điều bất ngờ đã xảy ra khi những chiếc thùng nuôi ong mật bỏ phế ở góc vườn có một đàn ong mới vào làm tổ. Tìm hiểu thì Trực mới biết đó là đàn ong sống trong ngôi nhà cổ hàng trăm năm của gia đình tách đàn ra đây. Khi đàn ong này tạo mật, Trực ăn thử và thấy có vị ngọt thanh khá lạ miệng. Anh quyết tâm tìm hiểu và nhân giống đàn ong này.
Nhờ giỏi tiếng Anh, Trực tìm hiểu từ các tài liệu nước ngoài thì biết đàn ong này là giống ong dú, một loài ong nhỏ như con ruồi, rất hiền vì không có nọc độc. loài này không tấn công người nên rất an toàn với trẻ con và người già.
Ong dú chỉ lớn hơn con kiến chút xíu và rất hiền (Ảnh: Đức An).
Mật ong dú ăn khá ngon và bổ dưỡng vì loài ong này chỉ hút mật hoa, không ăn đường (Ảnh: Đức An).
Bất ngờ nữa là giống ong này rất dễ nuôi vì không cần cho ăn, chúng có thể tự bay đi rất xa để tìm kiếm hoa cỏ hút mật, đặc biệt là không ăn đường để tạo mật nên chất lượng mật rất tốt và người nuôi cũng không tốn kém chi phí mua đường.
Khi mới bắt đầu nhân giống ong dú, Trực phải trải qua một đợt phẫu thuật, nằm điều trị tại bệnh viện hơn 2 tháng trời. Trong thời gian nằm viện, Trực rất lo lắng cho bầy ong vì không có ai chăm sóc. Những tưởng lần khởi nghiệp này lại thất bại nhưng không ngờ khi Trực xuất viện thì đàn ong vẫn sống và phát triển tốt.
Từ đó, Trực biết rằng nuôi ong dú rất dễ, không cần chăm sóc gì cả. Anh cho biết, loài ong này rất dễ nuôi, dễ nhân đàn và không bao giờ bỏ tổ. Chỉ cần chú ý 2 điểm là bảo vệ nó khỏi các giống thiên địch như thằn lằn, nhện… và đừng khai thác mật trước mùa mưa, mùa rét vì dễ khiến đàn ong bị đói và chết hàng loạt.
Anh Trực giới thiệu với khách về trại ong dú của mình (Ảnh: Đức An).
Tổ ong dú được đặt dọc vách tường trong nhà, thông với bên ngoài bằng một ống nhựa nhỏ như đầu ngón tay để bảo vệ ong khỏi thằn lằn, nhện… (Ảnh: Đức An).
Mô hình kiếm tiền mới cho nông dân
Sau 3 năm nhân giống, đến năm 2021, Trực đã có hơn 400 đàn ong nuôi trong khuôn viên trang trại rộng 800m2. Mỗi năm một đàn ong dú cho thu hoạch mật hai lần với khoảng 1 lít mật, giá hiện tại là từ 1-1,5 triệu đồng/lít tùy mùa.
Trong năm 2021, do tập trung vào tách đàn nên 400 đàn ong dú của Trực chỉ thu về khoảng 100 lít mật. Nhưng bù lại, anh bán được nhiều phấn ong, keo ong thô và thùng giống ong. Tổng cộng năm nay anh thu về hơn 960 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 770 triệu đồng.
Trực chia sẻ: “Từ khi ong dú chúa đẻ trứng đến khi phát triển thành ong trưởng thành khoảng 50 ngày. Mỗi tổ ong 1 tháng có thể nhân đàn một lần, mỗi đàn sẽ “bầu” ra ong chúa mới và sinh sôi nảy nở rất nhanh, cho mật sau 3-6 tháng”.
Việc nhân giống đàn ong này cũng rất dễ dàng, đến trẻ con lên ba cũng làm được. Trực nghiên cứu chế ra tổ ong đa tầng gồm 2 hay 3 khung gỗ xếp chồng lên nhau. Khi quan sát thấy tổ ong đủ điều kiện tách đàn, người nuôi chỉ cần tách lấy 1 tầng có chứa tổ ong ghép với khung gỗ khác là có một đàn ong mới.
This video
Mô hình tổ ong dú cải tiến dễ tách đàn, dễ khai thác mật
Tổ ong đa tầng này còn có ưu điểm là tầng chứa mật rất dễ khai thác. Thậm chí, người nuôi có thể tách tầng chứa mật ra rồi đóng gói bán, để người mua tự tách mật, ăn keo ong thô ngay trong tổ.
Để chế tạo ra mô hình tổ ong với kích cỡ hợp lý là cả quá trình quan sát và đúc rút kinh nghiệm của Trực. Nếu như hộp lớn quá hoặc nhỏ quá thì bầy ong đều phát triển rất chậm, thời gian tách đàn lâu.
Người nuôi có thể tách đàn vào một tổ ong dạng hộp quà để tặng khách cả tổ ong, có thể dùng để chưng, ngắm và thỉnh thoảng thu mật, keo ong để dùng (Ảnh: Đức An).
Mô hình này đặc biệt thuận lợi khi kết hợp nuôi ở các trại hoa, farm, vườn cây trái cho khách du lịch tham quan, mua sắm tại vườn (Ảnh: Đức An).
Theo anh Nguyễn Hữu Trực, tất cả những kiến thức nuôi ong, lấy mật, làm tổ, tách đàn… đều được anh chia sẻ tận tình trên các diễn đàn và sẵn sàng tư vấn cho bà con về mô hình này.
Anh mong muốn mô hình nuôi ong dú sẽ được nhân rộng, trở thành một mô hình kinh tế tốt cho bà con nông thôn để tận dụng lợi thế hoa cỏ thiên nhiên và lao động nhàn rỗi, nhất là người già và trẻ em.
Từ năm 2019, mô hình nuôi ong dú kết hợp du lịch xanh của anh Nguyễn Hữu Trực đã nổi tiếng trong giới nuôi ong. Tháng 11/2021, mô hình này của Trực đã đạt giải nhất trong Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp Thanh niên Ninh Thuận lần thứ V – năm 2021”.
Từ ngôi nhà cổ trăm năm này, đàn ong dú đã được Trực nhân giống thành hàng trăm đàn (Ảnh: Đức An).
(Theo Dân trí)
Đưa ong mật từ đất liền ra đảo, 9X thắng lớn thu tiền tỷ
Nhận thấy khí hậu, điều kiện tự nhiên ở Phú Quốc hợp với việc nuôi ong mật, anh Lê Văn Ngọc (Phú Thọ) đã lập nghiệp trên đảo với mô hình nuôi ong lấy mật.