Khoai lùn – Trồng chơi nhưng ăn thiệt
Những ngày gần đây, nhiều nông dân trồng khoai lùn (củ lùn) ở các xã Trường Long A, Nhơn Nghĩa A, Tân Hòa, huyện Châu Thành A, rất vui khi bước vào vụ thu hoạch khoai lùn bán được giá cao, cho lợi nhuận khá.
Nhiều hộ dân trồng khoai lùn ở huyện Châu Thành A vào vụ thu hoạch.
Nhổ xong bụi khoai lùn tua tủa củ, anh Tám Sê, ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long A, khệ nệ đưa lên chiếc xe rùa đẩy vào sân giao cho vợ rồi quay sang tôi anh nói: “Khoai lùn là loại củ trồng coi như để ăn chơi của người nông dân, nhưng giá trị kinh tế của giống khoai này cũng không nhỏ. Khoai lùn mỗi năm chỉ trồng được một vụ, bên ngoài vỏ khoai có lớp da màu vàng nhạt, thịt bên trong màu trắng, luộc chín ăn vừa bùi, vừa dẻo và béo nên được nhiều người ưa thích”. Hiện tại, thương lái vào tận rẫy mua khoai lùn tươi tùy theo củ lớn hay nhỏ với giá dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, còn nếu qua tay người bán lẻ luộc chín bán ra cho khách hàng thì giá khoai lên đến 40.000-50.000 đồng/kg. Tính ra mỗi công khoai nếu đạt năng suất từ 2-2,5 tấn/công thì sau khi trừ chi phí, người trồng còn lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/công. Do là loại cây thuộc họ củ nên thời gian từ trồng đến thu hoạch thường kéo dài ít nhất cũng phải mất từ 6-7 tháng và đặc điểm của khoai lùn là không phải loại đất nào cũng trồng được, chúng chỉ thích nghi ở những nhóm đất có pha cát hay đất gò cao.
Anh Út Lời, ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, cũng cho biết thêm là khoai lùn rất dễ trồng, ít tốn chi phí đầu tư cũng như công chăm sóc nên được nhiều bà con trong xã tận dụng phần đất quanh nhà, đất vườn tạp kém hiệu quả để trồng vừa hạn chế được phần cỏ dại, vừa có thêm thu nhập. Cho dù gọi củ hay khoai thì cũng không thoát được chữ “lùn” nghe có vẻ ngồ ngộ, nhưng đó lại là tên từ lâu mà không ai biết vì sao lại gọi là củ lùn. Có lẽ là so với nhiều giống khoai khác như khoai lang, khoai mì, khoai tây… thì khoai lùn thấp bé, nhẹ cân hơn hẳn, bởi củ lùn còn có người gọi là “năng tàu”, đôi khi người miền Tây mình cũng hay gọi tắt là củ năng, người gọi củ lùn. Củ lùn được trồng nhiều nhất là ở các tỉnh miền Tây như Long An, Sóc Trăng… Những năm gần đây ở tỉnh Hậu Giang cũng có khá nhiều bà con trồng giống khoai này, do củ lùn rất dễ ăn thường được luộc hoặc hấp. Đặc biệt, củ lùn không chẳng sợ bị mềm như các loại khoai khác, phải luộc lâu mới hết sượng (cứng).
Trong những ngày này, là thời điểm bà con nông dân trồng khoai lùn tất bật thu hoạch vụ khoai. Ngoài việc bán trực tiếp tại rẫy để tăng thêm thu nhập, nhiều hộ dân còn tự nấu để bán cho khách vãng lai dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và ở các chợ trong tỉnh. Chị Út Huệ, ở ấp 1B, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Nhiều năm qua, vào khoảng tháng 11 âm lịch là bà con thu hoạch củ lùn, tôi thường tìm đến tận rẫy mua khoai tươi về nấu chín để bán lại cho khách đi đường, bình quân mỗi ngày cũng được từ 15-20kg khoai, tiền lời kiếm được hơn trăm ngàn đồng, đủ để chi tiêu trong nhà”.
Chị Dung, nhà ở huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, là khách vãng lai thường đi ngang tuyến đường này cũng là khách “mối” thân quen thường mua khoai và trái cây của chị Huệ cho hay: “Củ lùn có mùi thơm, bùi, có vị ngọt chẳng lẫn vào đâu được của loại củ có nhiều tinh bột không giống như khoai lang, khoai tây, củ lùn ăn bớt ngán hơn nhiều nhờ thịt giòn, sần sật chứ không bở. Củ lùn còn có thể bào chế thành bột để pha nước uống. Củ lùn rất hợp để ăn mùa nắng nóng, bởi bề ngoài trông bé nhỏ, nhưng củ lùn ngậm nước cực giỏi, luộc lên để nguội, cắn vào thì nước túa ra, mang theo vị ngọt bùi khó tả, ăn cũng như uống, giúp chống mất nước rất hiệu quả. Không ít người trong giới Đông y còn cho rằng củ lùn là thực phẩm nghèo calo nhưng lại giàu kali, đây là một thành phần quan trọng có thể giúp điều chỉnh nhịp tim, huyết áp và lợi tiểu, mát gan, mát phổi… có thể cải thiện được sức khỏe cho bản thân”.
Củ lùn có tên khoa học là Calathea allouia, đây là một loài thực vật có hoa trong họ Marantaceae, có nguồn gốc từ Nam Mỹ và một số nước khác. Cây củ lùn thường mọc thành bụi cao đến 1m, lá có bẹ và cuống đứng cao 40-50cm, phiến lá dài 20-30cm, rễ củ lùn có hình trứng (hoặc tròn) cuống dài kết thành từng chùm, vỏ mỏng màu vàng nhạt, tua tủa nhiều rễ phụ. Thịt củ lùn màu trắng trong, phần nhân có màu trắng đục, củ lùn có nhiều tinh bột, không có chất xơ, đặc biệt là nhiều nước. Vì thế, ăn củ lùn cũng được xem như một vị thuốc mát gan, trị kiết lỵ, lợi tiểu, mát da, sần sùi, mụn nhọt giảm nhanh chóng.
Bài, ảnh: QUANG HẢI