Khoai lang Dinh Điền có gì ngon mà chưa đến vụ thu hoạch đã có thương lái xuống tận ruộng đặt hàng?
Anh Võ Phụng (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng) bên ruộng khoai lang Dinh Điền
Đến Tân Hồng lần này, chúng tôi được anh Hồ Văn Lý – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn, giới thiệu về khoai lang Dinh Điền, một thời được xem là đặc sản của người dân Tân Hồng. Theo anh Lý, khoai lang Dinh Điền vốn không phải là giống khoai bản địa ở Tân Hồng mà là loại nông sản được bà con di dân ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi mang vào trồng khoảng những năm 60 – 70 của thế kỉ trước. Giống khoai này có ruột màu trắng, da màu hồng cánh sen. Đặc biệt, khi luộc chín, khoai có rất nhiều bột, ăn vào có cảm giác phao phao và ngọt thanh nên thời đó, khoai lang Dinh Điền là thức quà được các bà nội trợ rất yêu thích, thường mua trữ trong gia đình.
Với người tiêu dùng thì khoai lang Dinh Điền là một loại khoai ngon được ưa chuộng, nhưng với người dân Tân Hồng, đặc biệt là trẻ con từng một thời đủng đỉnh trên lưng trâu như thế hệ của anh Lý thì khoai lang Dinh Điền chính là món quà vặt ngọt lành, còn mãi trong ký ức.
Chỉ tay về phía những ruộng khoai lang xanh mơn mởn, anh Lý kể: “Khoảng những năm 1980, thời mà tôi và các bạn trong xóm còn mặc quần xà lỏn long nhong chăn trâu trên đồng, thấy khoai lang trồng khắp các cánh đồng thuộc khu vực Dinh Điền (nay thuộc khu vực thị trấn Sa Rài và xã Bình Phú của huyện Tân Hồng). Thuở đó, nhiều gia đình ở đây vẫn còn thiếu thốn, trẻ con đâu có quà bánh nhiều như bây giờ, chỉ có những củ khoai lang nướng cháy khét lẹt lớp da, nhưng bên trong rất thơm, ngọt, hấp dẫn. Sau này lớn lên một chút, sau mỗi vụ thu hoạch khoai, tôi theo ba mẹ mang khoai ra chợ Hồng Ngự bán, được khách hàng khen ngợi rồi hỏi xuất xứ. Ba mẹ giới thiệu khoai lang trồng ở khu Dinh Điền, tôi mới biết loại khoai yêu thích của tuổi thơ mình có tên là Dinh Điền”.
Khoai lang Dinh Điền là loại cây dễ trồng, rất ưa thích loại đất phù sa pha cát của vùng Bình Phú và Tân Hộ Cơ nên từ đầu, loại cây trồng này đã được người dân địa phương trồng và nhân rộng rất nhiều. Thông thường, cứ đầu tháng ba, tháng tư âm lịch, khi có những cơn mưa đầu mùa, người dân Dinh Điền lại đem dây khoai ra trồng. Khoai rất dễ chăm sóc, chỉ cần được trồng trên các giồng cao rồi bón thêm phân trâu, bò khô được thu gom từ mấy tháng mùa khô, không cần thuốc, phân hóa học nhưng vụ mùa nào cũng đạt năng suất và chất lượng. Với người dân Dinh Điền khi đó, ngoài vụ lúa mùa thì vụ khoai lang cũng là nguồn thu nhập lớn của nhiều gia đình. Khoai lang loại nhất thì nông dân bán cho lái, khoai dạt, bị trầy xướt thì để dành ăn độn với cơm, còn khoai loại nhỏ như ngón tay thì để dành cho gia súc ăn. Với nhiều người dân Tân Hồng, khoai lang Dinh Điền chính là một phần kí ức rất đẹp, khó có thể nào quên.
Khoai lang Dinh Điền phát triển khá hưng thịnh một thời, đến khoảng những năm 1990, khi thủy lợi nội đồng phát triển mạnh, người dân ở Tân Hồng bắt đầu chuyển dịch sang trồng lúa thần nông. So với khoai lang thì trồng lúa thần nông thời điểm đó cho hiệu quả kinh tế cao hơn nên diện tích trồng khoai lang thu hẹp dần. Mãi đến những năm gần đây, khi cây lúa ở khu vực gò cao canh tác kém hiệu quả, người dân địa phương mới bắt đầu chuyển dịch sang một số loại cây trồng khác như: khoai, đậu phộng, mè… Trong đó, phát triển mạnh nhất vẫn là khoai lang Dinh Điền.
Chưa đến vụ thu hoạch đã có thương lái xuống tận ruộng thu hoạch khoai lang Dinh Điền
Chúng tôi đến ruộng khoai lang của anh Võ Phụng, một nông dân có thâm niên hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng khoai ở vùng đất Tân Hồng. Chào chúng tôi bằng nụ cười hiền lành và giọng nói rôm rả đặc trưng của người dân xứ Quảng, anh chia sẻ: “Vụ này, nhờ khoai lang có giá nên dù chưa đến ngày thu hoạch nhưng thương lái đã đến tận ruộng đặt hàng. Với mức giá thương lái thu mua tại ruộng từ 7.000 – 8000 đồng/kg như năm nay thì trung bình 1ha khoai lang Dinh Điền, nông dân chúng tôi có thể lãi khoảng 50 triệu – 70 triệu đồng. Đây cũng là lý do mà nhiều nông dân ở Tân Hồng chuyển đổi sang trồng cây khoai lang Dinh Điền trong những năm gần đây”.
Hiện toàn huyện Tân Hồng có trên 80ha khoai lang Dinh Điền, tập trung chủ yếu ở 2 xã Thông Bình và Tân Hộ Cơ. Khoai lang chủ yếu được thương lái ở các tỉnh khác đến thu mua như: Vĩnh Long, Đắk Lắc, Gia Lai… tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ban đầu, chuyển đổi sang trồng khoai lang Dinh Điền cho hiệu quả kinh tế cao nhưng những năm gần đây, nông dân chuyển đổi nhiều hơn, có những thời điểm giá khoai lang tụt xuống thấp và khó khăn trong việc tìm đầu ra.
Xuất phát từ thực tế đó, ngành nông nghiệp huyện Tân Hồng định hướng nông dân trồng khoai lang thành lập tổ hợp tác để có thể phát triển cây khoai lang theo hướng chuyên nghiệp và bền vững hơn. Bên cạnh đó, để có thể mở rộng thị trường tiêu thụ trong vụ đông xuân sắp tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng định hướng hỗ trợ nông dân trồng khoai xây dựng mã số vùng trồng nhằm phục vụ thị trường xuất khẩu. Thông qua các kênh quảng bá, xúc tiến thương mại, địa phương cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông tuyên truyền để người tiêu dùng nội địa biết đến đặc sản khoai lang Dinh Điền của Tân Hồng nhiều hơn.
Bằng tình yêu và sự nỗ lực của chính quyền địa phương, người nông dân dành cho cây khoai lang Dinh Điền, tin rằng, khoai lang Dinh Điền sẽ được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, sản xuất và tiêu thụ ổn định hơn.