Khoái Châu tổ chức Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung –
Khoái Châu tổ chức Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung
Sáng ngày 10 – 12.2 (âm lịch), Ngày 18.3.2016 đông đảo du khách thập phương lại nô nức kéo về huyện Khoái Châu để tham dự lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử – Tiên Dung tại đền Đa Hòa, xã Bình Minh và đền Hóa xã Dạ Trạch. Lễ hội gắn liền với truyền thuyết tình yêu bất tử và lãng mạn giữa chàng trai nghèo đánh cá ven sông với nàng công chúa Tiên Dung – con của vua Hùng thứ 18…
Page Content
Dự khai mạc lễ hội có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Quang; các đồng chí lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh, ở huyện có đ/c Đào Ngọc Huấn, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, đ/c Phạm Xuân Thắng, Phó Bí thư thường trực huyện ủy, đ/c Nguyễn Đức Sơn, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo huyện Văn Giang; lãnh đạo hai xã Bình Minh, Mễ Sở cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Các đại biểu về dự lễ khai mạc hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung
Theo truyền thuyết chuyện kể rằng, thời Hùng Vương đời thứ 18 ở làng Chử Xá, cạnh sông lớn có người đàn ông tên là Chử Cù Vân sinh hạ được Chử Đồng Tử. Nhà nghèo, hai cha con chỉ có một chiếc khố che thân nên hai cha con thay nhau mặc. Trước lúc người cha chết, dặn con rằng: “Bố chết, con cứ táng trần cho bố, còn cái khố con giữ lấy mà dùng”. Không nỡ để cha chết trần, Chử Đồng Tử lấy khố đóng cho cha rồi mới chôn, từ đấy chàng thường sống ở các bụi lau dọc bờ sông, xa các nơi có cư dân để câu cá kiếm sống qua ngày. Vua Hùng có người con gái tên là Tiên Dung. Dù đã đến tuổi cập kê mà Tiên Dung vẫn thích ngao du sơn thủy, không chịu lấy chồng. Một hôm thuyền rồng của công chúa đi qua vùng đó. Nghe tiếng trống, đàn sáo, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi thấy cảnh đẹp với bãi sông rộng lớn bèn sai người quây màn tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử trú ẩn. Nước xối dần để lộ thân hình Chử Đồng Tử trên cát. Tiên Dung hoảng sợ rồi hỏi han sự tình, thấy rằng đó là duyên trời đã định nên xin được kết duyên vợ chồng. Họ đã ở lại nơi gặp gỡ “thiên định” đó cùng những người dân nghèo khai hoang, mở mang đồng ruộng, mở bến, chợ buôn bán. Một lần Chử Đồng Tử gặp Tiên ông truyền cho đạo phật và các phép tiên rồi còn cho chiếc gậy thần và chiếc nón lá. Chàng về quê truyền lại phép thuật cho Tiên Dung, cả hai vợ chồng cùng đắc đạo, họ cùng nhau đi khắp vùng, dùng gậy thần để giúp đỡ dân lành… Một hôm tối trời mà không có chỗ nghỉ, hai vợ chồng dừng lại cắm gậy úp nón lên trên rồi cùng nghỉ. Bỗng nửa đêm chỗ đó nổi dậy thành quách, cung điện với đầy đủ người hầu kẻ hạ… Tin Chử Đồng Tử – Tiên Dung có cung điện, vua ngờ rằng hai người làm loạn nên sai quân đến đánh, nhưng Tiên Dung không kháng cự cha mình. Đêm hôm ấy cả lâu đài và họ đã được đưa về trời bằng trận cuồng phong, bão lớn để lại vùng đất ấy một cái đầm, sau này gọi là đầm Nhất Dạ… Từ đấy cứ vào ngày 10 – 12.2 âm lịch, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công ơn của họ. Lễ hội mang đậm nét đặc trưng vùng nông nghiệp lúa nước. Hiện nay trên địa bàn huyện Khoái Châu có hai địa phương cùng có di tích thờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung đó là đền Hóa xã Dạ Trạch và đền Đa Hòa xã Bình Minh cùng tổ chức lễ hội vào ngày 10 – 12.2 âm lịch.
Một số nghi thức rước diễn ra trong lễ hội
Là lễ hội truyền thống, dù trải qua thời gian dài nhưng tại các khu di tích, trong những ngày đến hội vẫn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, lưu giữ nhiều giá trị đặc sắc. Để lễ hội được tổ chức chu đáo, năm nay công tác chuẩn bị được Ban tổ chức các xã tiến hành từ mấy tháng trước, từ việc lên chương trình, chọn người đến tập rượt, rồi mua sắm, trang hoàng các di tích. Nhân dân trong xã cùng có ý thức giữ gìn vệ sinh, cảnh quan làng xóm, thanh niên trai tráng thì đăng ký tham gia rước kiệu, múa rồng, phụ nữ thì múa hát, các cụ ông, cụ bà thì tham gia tế lễ… Năm nay là hội tổng, UBND 2 xã Bình Minh và xã Mễ Sở xác định đây là ngày hội lớn của 8 làng, cả xã nên nhân dân địa phương ai làm được gì cũng đều tự giác hăng hái tham gia với tâm niệm gửi lòng thành kính tới Thánh cầu ước mọi điều an lành. Với đặc trưng của một lễ hội vùng nông nghiệp lúa nước, các nghi thức tế lễ trong lễ hội như rước nước, múa rồng, các trò diễn xướng… đều với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống vui tươi no ấm.
Theo ban tổ chức lễ hội đền Hóa Bình Minh, vào sáng ngày 11.2 âm lịch, sau khai hội một hôm, ngay từ sáng sớm các cụ phụ lão trong làng khăn áo chỉnh tề ra đền thắp hương làm lễ. Đúng giờ quy định thì đoàn rước kiệu khởi hành ra bến sông Hồng lấy nước. Theo sau là đoàn “rước du” đưa kiệu thờ các đức Thánh lên thuyền rồng dạo trên sông với nhiều nghi thức tế lễ, múa hát trên thuyền. Dọc bờ sông có các đội múa hát, chiêng trống, cờ quạt, võng lọng theo hầu. Sau khi nghi lễ rước nước, rước du kết thúc, chóe nước thiêng và kiệu Thánh được rước trở lại đền thì tổ chức lễ dâng hương và cúng hội. Theo tục lệ , nước được dùng để cúng phải là nước ở giữa sông Hồng. Người đại diện cho dân làng lấy nước là cụ già có đức độ trong làng. Dâng nước là hình thức tâm linh cầu nguyện một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. Cũng theo ban tổ chức, ngoài các nghi lễ mang đậm bản sắc truyền thống, năm nay lễ hội ở Bình Minh có nét mới tổ chức quy mô lớn hơn, rộng rãi hơn với lễ hội hàng tổng. Như thông lệ, 3 năm lễ hội tổng Mễ diễn ra một lần 8 làng thuộc tổng Mễ đồng loạt tiến hành lễ rước kiệu về đền Đa Hòa. Khi vào đền, ở mỗi đám kiệu lại diễn ra các trò khác nhau như múa rồng, múa phượng, múa sinh tiền… các đoàn rước khi gặp nhau còn có nghi thức chào hỏi độc đáo. Khi đã rước đủ 8 kiệu về đền thì tổ chức đại lễ dâng hương và khai hội. Sau khai hội, diễn ra rất nhiều trò chơi dân gian, nhiều tiết mục biểu diễn văn nghệ truyền thống đặc sắc như: hát ca trù, hát quan họ, hát trống quân, chơi đi cầu kiều, bắt vịt, đánh đu… Đây là một dịp để đông đảo nhân dân tỏ lòng thành kính tới vị Thánh đã có công khai hoang lập làng, khổ độ dân chúng và là dịp để người dân vui chơi giải trí lành mạnh, hướng về cội nguồn.
Các làng biểu diễn múa rồng trong lễ hội
Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung năm 2016 được Ban tổ chức lễ hội các cấp, trực tiếp là Ban tổ chức Tổng Mễ chuẩn bị công phu với nhiều nội dung phong phú. Do được chỉ đạo thực hiện từ rất sớm, tập trung vào nhiều nội dung như các làng phối hợp tổ chức hợp lý, hài hòa; thành lập các ban chuyên trách từng phần việc; thực hành tiết kiệm; không thuốc lá, bia rượu; thành lập ban ATVSTP; lập tổ vệ sinh môi trường, giữ vệ sinh trước- trong và sau lễ hội. Ban tổ chức đã huy động được sự tham gia của đông đảo nhân dân trong xã, hội phụ nữ, người cao tuổi, đoàn thanh niên chuẩn bị trang hoàng lộng lẫy, trên khắp các nẻo đường của lễ hội những biển hiệu, cổng chào căng rực rỡ hòa cùng không khí ngày xuân ấm áp như mời gọi bước chân du khách đến hẹn lại về. Chiều ngày 12.2 (âm lịch), ngày 20.3.2016 lễ hội tổng Mễ đã tổ chức lễ bế mạc hội…/.