Khoa học về vi sinh vật đang định nghĩa lại triết học: Con người là gì?
Từ trước đến nay, mọi người vẫn nghĩ rằng mình là một cá thể độc nhất. Ý tưởng về sự cá biệt hóa của con người đã tồn tại qua hàng thế kỷ, cho đến nay, là điều mà một số nhà sinh vật học không còn đồng ý.
Họ cho rằng cơ thể của chúng ta không chỉ gồm con người. Tới một nửa trong số hơn 70 nghìn tỷ tế bào trên cơ thể của chúng ta không phải của chúng ta, mà là của vi sinh vật. Hệ vi sinh vật trên cơ thể chúng ta tác động sâu rộng vào cơ thể, từ hoạt động của não bộ, hệ miễn dịch cho đến biểu hiện gen.
Một bài báo khoa học xuất bản vào đầu tháng 2 trên tạp chí PLOS cho rằng, các vi sinh vật nhỏ bé sống trong miệng, dạ dày và da của bạn đang thách thức khái niệm của chúng ta về đâu là bản thân và cái tôi của mình.
Con người không chỉ là con người, mỗi chúng ta là một siêu tổ chức, siêu cơ thể?
Năm 1695, nhà triết học Gottfried Wilhelm Leibniz đang đi dạo trong vườn với một vị công chúa của Vương quốc Phổ. Trong cuộc trò chuyện, công chúa nói rằng nàng không nghĩ Leibniz có thể tìm thấy 2 chiếc lá giống hệt nhau.
“Vậy là họ bắt đầu ngắt những chiếc lá. Và dĩ nhiên, mỗi chiếc lá đều khác biệt”, nhà nhân chủng học Tobias Rees, tác giả nghiên cứu mới trên tạp chí PLOS, đồng thời là giáo sư triết học tại Đại học McGill kể lại. Đó là lần đầu tiên Leibniz có ý niệm về thứ được gọi là cá thể. Ông cho rằng mỗi chiếc lá đều là một cá thể độc nhất.
Trước đó, triết học quan niệm rằng con người chỉ là một phần của tự nhiên. Tự nhiên ấy là toàn bộ vũ trụ được tạo ra bởi Đấng sáng thế. Chúng ta không thực sự tách biệt khỏi vũ trụ, giáo sư Rees nói. “Ngay cả những hoạt động kỹ thuật, nhân tạo của con người cũng chỉ để hoàn thiện những gì mà tự nhiên còn bỏ ngỏ”.
Tuy nhiên, khi khoa học tự nhiên phát triển, chúng ta bắt đầu nghĩ giống như Leibniz nghĩ về những chiếc lá: Não, hệ thống miễn dịch và bộ gen đều làm cho mỗi người chúng ta trở thành một cá thể.
Franz Gall, bác sĩ và nhà sinh lý học người Đức, từng nói với Immanuel Kant rằng: Hình dạng của bộ não và hộp sọ của ông là thứ khiến cho ông trở thành một triết gia. Sau này, hầu hết các nhà triết học đều trích dẫn câu nói này, để chuyển tiếp khi họ bắt đầu suy nghĩ về bộ não là thứ cá thể hóa con người.
Hàng ngàn nghiên cứu về não bộ đã được thực hiện sau đó, và thật khó để nghĩ về bản thân bạn như một cá thể mà không có não bộ của bạn.
Năm 1960, một nhà nghiên cứu miễn dịch người Australia tên là Sir Frank MacFarlan Burnet đã giành giải Nobel. Công trình của ông chứng minh rằng hệ thống miễn dịch đã giúp tách biệt bạn với những gì không phải bạn. Chẳng hạn như hệ miễn dịch ngăn cách chúng ta khỏi các mầm bệnh, virus và vi khuẩn gây bệnh.
Các nghiên cứu về di truyền học và sự khám phá ra DNA của Watson và Crick cũng đã ủng hộ cho ý tưởng về tính cá thể.
Nhà triết học Gottfried Wilhelm Leibniz đã suy nghĩ về tính cá thể từ thế kỷ 17
Nhưng khi các nhà khoa học tìm hiểu sâu hơn về vi sinh vật, quan niệm cho rằng con người là một sinh vật đơn lẻ đang được xem xét lại. Hiện nay có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự sống của con người phụ thuộc cả vào quần thể vi sinh vật đang cư trú trên cơ thể chúng ta.
Các vi sinh vật này chiếm đến 1 nửa số lượng tế bào trên cơ thể bạn, một nửa của 70 nghìn tỷ tế bào. Chúng có ảnh hưởng đến não, hệ thống miễn dịch và cả sự biểu hiện gen.
Các vi sinh vật cũng có thể sản sinh ra các chất dẫn truyền thần kinh như dopamin, nguồn gốc của cảm giác hạnh phúc của chúng ta, Thomas Bosch, giáo sư động vật học tại Đại học Kiel, Đức giải thích.
Đã có những nghiên cứu bước đầu chỉ ra sự mất cân bằng trong hệ vi khuẩn đường ruột có liên quan đến các hành vi và bệnh tật nhất định, bao gồm chứng tự kỷ, trầm cảm, bệnh Parkinson, Alzheimer’s, phản ứng dị ứng và một số bệnh tự miễn dịch.
Mặc dù vậy, những bằng chứng kể trên không có nghĩa rằng con người bây giờ không còn là cá thể duy nhất – chúng ta rõ ràng là khác nhau – nhưng tính cá thể của chúng ta không chỉ được xác định từ di truyền học hoặc bộ não, mà còn từ các sinh vật khác sống trong và trên cơ thể.
“Những gì từng được xem như là một phần của bản thân con người, hóa ra lại có nguồn gốc từ vi khuẩn, thứ từng bị coi là không phải bản thân chúng ta”, giáo sư Bosch nói.
Những khám phá mới trong nghiên cứu về hệ sinh sinh vật người, theo giáo sư Rees, là “một lời thỉnh cầu triết học và nghệ thuật hãy suy nghĩ lại về con người chúng ta”.
Đối với khoa học, những công nghệ tiên tiến nhất như chỉnh sửa gen với CRISPR-Cas9 cũng cần được đánh giá lại trong bối cảnh có sự tham gia của các vi sinh vật.
“Những bộ gen đan xen vào những bộ gen”, như giáo sư Bosch nói. Cơ thể chúng ta không chỉ tồn tại bộ gen của con người, mà còn của các vi sinh vật sống trên đó.
Khi chúng ta nhìn vào thực tế rằng hệ vi sinh vật trên cơ thể ảnh hưởng đến não bộ, hệ miễn dịch và bộ gen của chúng ta, đột nhiên, thật khó để định nghĩa được một cá thể người tách biệt. “Người ta đã từng nghĩ về bản thân mình là con người, với tư cách là một cá thể, rời rạc và bị giới hạn, nhưng bây giờ thì không”, giáo sư Rees nói.
Ông và các đồng tác giả bài báo khoa học mới cho rằng định nghĩa về một cá thể con người phải linh hoạt hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ ban đầu. Theo đó, mỗi con người chúng ta là cả một cộng đồng sinh vật sôi động chứa 1 con người và hàng nghìn tỷ vi sinh vật. Các tác giả gọi “con người” đó là “megaorganism”, một siêu tổ chức, siêu cơ thể.
Hệ vi sinh vật trên cơ thể biến con người là một một siêu tổ chức, siêu cơ thể
Mặc dù vậy, không phải tất cả các nhà vi sinh học hay triết học đều bị thuyết phục bởi nghiên cứu mới của giáo sư Rees và đồng nghiệp. Ellen Clarke, giảng viên triết học tại Đại học Leeds ở Anh, nhà nghiên cứu chuyên về triết học sinh học, cho biết: Sự đóng góp của vi khuẩn đối với cơ thể con người không thay đổi bản chất về việc chúng ta là ai.
“Chúng ta có rất nhiều tính trạng phụ thuộc vào các gen bên ngoài chúng ta- ví dụ tôi không thể sinh sản mà không có bạn tình”, giáo sư Clarke nói. So sánh như vậy, ảnh hưởng của vi khuẩn liệu có quan trọng đến vậy?
Tương tự, nhà vi sinh vật học Jonathan Eisen, giáo sư tại Đại học UC Davis, cảm thấy rằng các tác giả đã phóng đại ảnh hưởng của các vi khuẩn lên hành vi của chúng ta.
“Chắc chắn, vi sinh vật ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của hành vi ở động vật có vú và có thể cả ở người“, giáo sư Eisen cho biết. “Nhưng các loại thuốc cũng gây ảnh hưởng. Và cả việc xem TV cũng vậy. Giáo dục nữa. Vậy thì bây giờ khái niệm về bản thân của chúng ta nên bao gồm cả những loại thuốc chúng ta dùng?”.
Giáo sư Eisen cũng chỉ ra rằng những ý tưởng được nêu ra trong nghiên cứu của giáo sư Rees không hoàn toàn mới. Đã có những nghiên cứu trước đây xem xét để suy rộng định nghĩa về con người. Chẳng hạn như lý thuyết hologenome phát triển vào những năm 90, trong đó, một bộ gen được định nghĩa là tổng của tất cả các gen, của tất cả các tế bào (cả con người hoặc những sinh vật khác) trong cơ thể.
Bởi vậy, giáo sư Eisen không cho rằng nghiên cứu này đạt đến độ thay đổi định nghĩa của chúng ta về bản thân mình. Ông cho biết hệ vi sinh vật trên cơ thể người là một cơ hội tốt cho các nhà khoa học, triết học, và nghệ sĩ thảo luận về sự giao thoa giữa công việc của họ.
Dù thế nào đi chăng nữa, có lẽ chúng ta sẽ cần nhiều cuộc thảo luận giữa các nhà nghiên cứu thuộc mọi lĩnh vực: để xác định chính xác đâu cách chúng ta nên suy nghĩ về chính mình. Và ngay cả khi các cuộc tranh luận đang đối lập nhau trên nhiều khía cạnh, vẫn rất khó để con người phủ nhận sự ảnh hưởng của vi sinh vật đối với chính mình.
Như các tác giả viết trong bài báo, “con người không chỉ là con người”.
Tham khảo Motherboard
Theo
Theo Trí Thức Trẻ
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!