Khoa học là gì? Đặc điểm, vai trò và Phân loại khoa học – LyTuong.net
(Last Updated On: 02/04/2023 by Lytuong.net)
Khoa học là một hoạt động mang tính nghề nghiệp xã hội đặc thù, là hoạt động sản xuất tinh thần mà sản phẩm của nó ngày càng tham gia mạnh mẽ và đầy đủ vào mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là sản xuất vật chất thông qua sự đổi mới hình thức, nội dung trình độ kĩ thuật, công nghệ và làm thay đổi chính cả bản thân con người trong sản xuất. Xuất phát từ đó xã hội yêu cầu tạo ra cho khoa học một đội ngũ những người hoạt động chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn nhất định, có phương pháp và làm việc theo yêu cầu của từng lĩnh vực khoa học.
1. Khoa học là gì?
Theo từ nguyên, “khoa học” có nguồn gốc từ chữ Latin “scientia” có nghĩa là tri thức.
Khoa học là hệ thống tri thức, được tổ chức theo các lĩnh vực và đòi hỏi sử dụng “phương pháp khoa học” . Khoa học có thể được phân thành hai nhóm lớn: khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Khoa học được hiểu là một hệ thống tri thức về tự nhiên, xã hội và tư duy về những quy luật phát triển khách quan của tự nhiên, xã hội và tư duy. Nó giải thích một cách đúng đắn nguồn gốc của những sự kiện ấy, phát hiện ra những mối liên hệ của các hiện tượng, trang bị cho con người những tri thức về quy luật khách quan của thế giới hiện thực để con người áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
Khoa học còn được hiểu là một hoạt động xã hội nhằm tìm tòi, phát hiện quy luật, hiện tượng và vận dụng các quy luật ấy để sáng tạo ra nguyên lý các các giải pháp tác động vào các sự vật, hiện tượng, nhằm biến đổi trạng thái của chúng.
“Khoa học là hệ thống tri thức về mọi quy luật của vật chất và sự vận động của vật chất, những quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy”
Hệ thống tri thức này hình thành trong lịch sử và không ngừng phát triển trên cơ sở thực tiễn xã hội. Phân biệt ra 2 hệ thống tri thức: tri thức kinh nghiệm và tri thức khoa học.
Tri thức khoa học và tri thức kinh nghiệm
Khoa học có nguồn gốc từ thực tiễn lao động sản xuất, những hiểu biết ban đầu được tồn tại dưới dạng kinh nghiệm.
– Tri thức kinh nghiệm là những hiểu biết được tích luỹ một cách ngẫu nhiên trong đời sống hàng ngày nhờ đó con người hình dung được sự vật, biết phản ứng trước tự nhiên, biết ứng dụng trong quan hệ xã hội. Tuy chưa đi sau vào bản chất sự vật, song những tri thức kinh nghiệm làm cơ sở cho sự hình thành các tri thức khoa học.
Ví dụ: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”
– Tri thức khoa học là những hiểu biết được tích luỹ một cách hệ thống và được khái quát hoá nhờ hoạt động nghiên cứu khoa học. Nó không phải là kế tục đơn giản của tri thức kinh nghiệm mà là sự khái quát hoá thực tiễn sự kiện ngẫu nhiên, rời rạc thành hệ thống kiến thức bản chất về các sự vật hiện tượng. Các tri thức khoa học được tổ chức trong khuôn khổ các bộ môn khoa học. Khoa học ra đời từ thực tiễn và vận động, phát triển cùng với sự vận động, phát triển của thực tiễn.
Ví dụ: Ba định luật của Newton.
Ngày nay, khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thậm chí nó còn vượt lên cả thực tiễn hiện có. Vai trò của khoa học ngày càng gia tăng và trở thành động lực trực tiếp của sự phát triển kinh tế xã hội.
Tri thức khoa học là một quá trình nhận thức, tìm tòi, phát hiện các quy luật của sự vật, hiện tượng và vận dụng các quy luật đó để tạo nên nguyên lý các giải pháp tác động vào các sự vật hoặc hiện tượng nhằm biến đổi trạng thái của chúng. Khoa học chỉ tìm thấy chân lý khi áp dung được các lý thuyết của mình vào thực tiễn một cách có hiệu quả.
Khoa học là một hình thái ý thức xã hội – một bộ phận hợp thành của ý thức xã hội. Nó tồn tại mang tính chất độc lập tương đối và phân biệt với các hình thái ý thức xã hội khác ở đối tượng, hình thức phản ánh và mang một chức năng xã hội riêng biệt. Nhưng nó có mối quan hệ xã hội đa dạng và phức tạp với các hình thái ý thức xã hội khác, tác động mạnh mẽ đến chúng. Ngược lại các hình thái ý thức xã hội khác ảnh hưởng đến sự phát triển của khoa học, đặc biệt đối với sự truyền bá, ứng dụng của tiến bộ khoa học vào sản xuất và đời sống.
Khoa học là một hoạt động mang tính nghề nghiệp xã hội đặc thù, là hoạt động sản xuất tinh thần mà sản phẩm của nó ngày càng tham gia mạnh mẽ và đầy đủ vào mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là sản xuất vật chất thông qua sự đổi mới hình thức, nội dung trình độ kĩ thuật, công nghệ và làm thay đổi chính cả bản thân con người trong sản xuất. Xuất phát từ đó xã hội yêu cầu tạo ra cho khoa học một đội ngũ những người hoạt động chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn nhất định, có phương pháp và làm việc theo yêu cầu của từng lĩnh vực khoa học.
2. Ý nghĩa của khoa học
Người ta vẫn nói rằng khoa học là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội, làm cho con người ngày càng văn minh hơn, nhân ái hơn, sống tốt hơn và vững tin hơn vào chính bản thân mình trong cuộc sống. Cụ thể những nội dung đó là:
- Con người hiểu được tự nhiên, nắm được các quy luật biến đổi, chuyển hóa của vật chất, chinh phục tự nhiên theo quy luật của nó.
- Con người nắm được các quy luật vận động của chính xã hội mình đang sống và vận dụng chúng để thúc đẩy xã hội ấy phát triển nhanh chóng hơn.
- Con người ngày càng có ý thức, càng thận trọng hơn trong việc nhận thức khoa học: không vội vã, không ngộ nhận, không chủ quan, tiến vững chắc đến chân lí của tự nhiên.
- Khoa học chân chính chống lại những quan điểm sai trái (mê tín dị đoan, phân biệt chủng tộc…).
- Khoa học làm giảm nhẹ lao động của con người, cải thiện chất lượng cuộc sống.
3. Lịch sử phát triển của khoa học
Thời cổ đại, công cụ lao động sản xuất còn đơn giản, xã hội loài người còn sơ khai, những tri thức tích luỹ được chủ yếu là tri thức kinh nghiệm. Thời kỳ này triết học là khoa học duy nhất chứa đựng tích hợp những tri thức của khoa học khác nhau như: cơ học, tĩnh học, thiên văn học. Quá trình phát triển của khoa học diễn ra theo 2 xu hướng, xu hướng thứ nhất là sự tích hợp những tri thức khoa học thành hệ thống chung, xu hướng thứ hai là sự phân lập các tri thức khoa học thành những ngành khoa học khác nhau. Trong từng giai đoạn phát triển của lịch sử, tuỳ theo những yêu cầu phát triển của xã hội mà xu hướng này hay khác nổi lên chiếm ưu thế.
Thời trung cổ, Chủ nghĩa duy tâm thống trị xã hội, khoa học ở thời kì này bị giáo hội bóp nghẹt, nên khoa học chậm phát triển, vai trò của khoa học đối với xã hôi rất hạn chế, khoa học trở thành tôi tớ của thần học.
Thời kỳ tiền tư bản chủ nghĩa, khoảng thế kỷ XV – XVIII, thời kỳ Phục Hưng, là thời kỳ tan rã của quan hệ sản xuất phong kiến, giai cấp tư sản bước vào việc xác lập địa vị của mình trên vũ đài lịch sử. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã thúc đẩy sự phát triển của khoa học. Sự phát triển đã phá vỡ tư duy siêu hình thay vào đó là tư duy biện chứng; khoa họ có sự thâm nhập vào nhau để tạo thành môn học khoa học mới như: Toán – lý, hoá – sinh, sinh – địa, hoá lý, toán kinh tế,…
Thời kỳ cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại (từ đầu thế kỹ XX đến nay). Thời kỳ này cách mạng khoa học và kỹ thuật phát triển theo hai hướng: Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao nhận thức của con người trong nghiên cứu và kết cấu khác nhau của vật chất, khoa học đi sâu vào tìm hiểu thế giới vi mô và hoàn thiện các lý thuyết về nguyên tử, về điện, sóng, trường,… và nghiên cứu sự tiến hoá của vũ trụ. Chuyển kết quả nghiên cứ vào sản xuất một cách nhanh chóng đồng thời ứng dụng của chúng một cách có hiệu quả vào đời sống xã hội.
Đặc điểm nổi bật của thời kỳ này là khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, trở thành tiền đề, điểm xuất phát cho nhiều ngành sản xuất vật chất mới. Song sự phát triển nhanh chóng của khoa học cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề như môi sinh, môi trường, bảo vệ và khai thác tài nguyên,….Vì vậy cần quan tâm đầy đủ đế mối quan hệ giữa khai thác và tái tạo tài nguyên làm cho sự phát triển của khoa học gắn bó hài hoà với sự phát triển của môi trường sống của con người.
4. Phân biệt khoa học, kỹ thuật và công nghệ
a/ Khoa học là hệ thống kiến thức về mọi quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy, về biện pháp tác động vào thế giới xung quanh, đến sự nhận thức và làm biến đổi thế giới đó là phục vụ cho lợi ích của xã hội.
Một khoa học được thừa nhận khi đáp ứng được các tiêu chí:
Tiêu chí 1. Có đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là bản thân sự vật hoặc hiên tượng được đặt trong phạm vi quan tâm của bộ môn khoa học. Một sự vật hay hiện tượng cũng có thể là đối tượng nghiên cứu của nhiều bộ môn khác nhau. Nhưng mỗi khoa học nghiên cứu trên một khía cạnh khác nhau. Ví dụ con người là đối tượng nghiên cứu của tâm lý học, y học, xã hội học…
Tiêu chí 2. Có một hệ thống lý thuyết
Có hệ thống lý thuyết gồm những khái niệm, phạm trù, quy luật định luật, định lý, nguyên tắc… Hệ thống lý thuyết của một môn khoa học thường có hai bộ phận: Bộ phận riêng đặc trưng cho môn khoa học đó và bộ phận kế thừa từ các khoa học khác.
Tiêu chí 3. Có một hệ thống phương pháp luận nghiên cứu
Một bộ môn khoa học được đặc trưng bởi một hệ thống phương pháp luận: phương pháp luận riêng của khoa học đó và phương pháp luận thâm nhập từ các bộ môn khoa học khác.
Tiêu chí 4. có mục đích ứng dụng
Mỗi khoa học đều có những ứng dụng thực tiễn hay phục vụ cho sự hiểu biết nào đó.
b/ Kỹ thuật:
“Kỹ thuật là bất kì kiến thức kinh nghiệm hoặc kĩ năng có tính chất hệ thống hoặc thực tiễn được sử dụng cho việc chế tạo sản phẩm hoặc để áp dụng vào quá trình sản xuất, quản lý hoặc thương mại, công nghiệp hoặc các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội”.
Ngày nay, thuật ngữ kỹ thuật mang ý nghĩa hẹp hơn, nó chỉ những yếu tố vật chất và vật thể chẳng hạn như máy móc thiết bị và sự tác nghiệp, vận hành của con người.
c/ Công nghệ
Công nghệ có một ý nghĩa tổng hợp và bao hàm một trong những hiện tượng mang đặc trưng xã hội: tri thức, tổ chức, phân công lao động, quản lý,… Vì vậy nói đến công nghệ là nói đến phạm trù xã hội, một phạm trù phi vật chất. Công nghệ gồm bốn bộ phận: kỹ thuật, thông tin, con người, tổ chức. Các nhà xã hội học xem xét công nghệ như một thiết chế xã hội quy định sự phân công lao động xã hội, cơ cấu công nghệ và công nghiệp.
Có thể so sánh về mặt ý nghĩa khoa học và công nghệ (công nghệ đã được xác nhận qua thử nghiệm đã được kiểm chứng là không còn rủi ro về mặt kỹ thuật thực hiện – nghĩa là qua giai đoạn nghiên cứu để bước vào giai đoạn vận hành ổn định, đủ điều kiện khả thi về mặt kỹ thuật để chuyển giao cho con người sử dụng. So sánh các đặc điểm khoa học và trình bày trong cuốn “ phương pháp luận nghiên cứu khoa học” của Vũ Cao Đàm.
Bảng 1. So sánh các điểm của khoa học và công nghệ
STT
Khoa học
Công nghệ
1
Lao động linh hoạt và sáng tạo cao
Lao động bị định khuôn theo quy định
2
Hoạt động khoa học luôn đổi mới, không lặp lại
Hoạt động công nghệ được lặp lại theo chu kì
3
Nghiên cứu khoa học mang tính xác suất
Điều hành công nghệ mang tính xác định
4
Có thể mang mục đích bản thân
Có thể không mang tính tự thân
5
Phát minh khoa học tồn tại mãi mãi với thời gian
Sáng chế công nghệ tồn tại nhất thời và bị diệt vong theo lịch sử tiến bộ kỹ thuật
6
Sản phẩm khó được định hình trước
Sản phẩm được định hình theo thiết kế
7
Sản phẩm mang đặc trưng thông tin
Đặc trưng sản phẩm tuỳ thuộc vào đầo vào
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng:
- Khoa học luôn hướng tới tìm tòi tri thức mới.
- Công nghệ luôn tìm tòi quy trình tối ưu.
5. Phân loại khoa học
Phân loại khoa học là chỉ ra những quan hệ tương trưng hỗ trợ giữa các ngành khoa học trên cơ sở những nguyên tắc xác định: là sự phân chia các bộ môn khoa học thành những nhóm bộ khoa học theo cùng một tiêu thức nào đó để nhận dạng cấu trúc của hệ thống tri thức, xác định vị trí của mỗi bộ môn khoa học trong hệ thống tri thức, đồng thời lấy đó làm cơ sở xác định con đường đi đến khoa học: là ngôn ngữ quan trọng cho cuộc đối thoại về nghiên cứu khoa học, thông tin, tư liệu, phân ngành đào tạo, tổ chức và quản lý khoa học, hoạch định chính sách khoa học…
– Phân loại khoa học cần tuân theo các nguyên tắc:
+ Nguyên tắc khách quan quy định việc phân loại khoa học dựa vào các đặc điểm của đối tượng nghiên cứu của từng bộ môn khoa học và quá trình vận động, phát triển theo từng bộ môn khoa học đó gắn với yêu cầu của thực tiên, không được tách rời khoa học với đời sống.
+ Nguyên tắc phân loại đòi hỏi phân loại khoa học phải theo tiến trình phát triển của đối tượng nhận thức của khoa học và mối liện hệ biện chứng, chuyển tiếp lẫn nhau giữa chúng.
– Tuỳ theo mức đích nhận thức hoặc mục đích sử dụng mà có nhiều cách phân loại khoa học. Một cách phân loại dựa trên một tiêu thức có ý nghĩa ứng dụng nhất định.
Trong lịch sử phát triển của khoa học có nhiều cách phân loại khác nhau:
Cách phân loại của Aristốt (384 – 322 thời Hi Lạp cổ đại) theo mục đích ứng dụng khoa học: có 3 loại: Khoa học lý thuyết gồm: Siêu hình, vật lý học, toàn học,…với mục đích tìm hiểu thực tại. Khoa học sáng tạo gồm tu từ, thư pháp, biện chứng pháp với mục đích sáng tạo sản phẩm. Khoa học thực hành gồm: đạo đức học, kinh tế học, chính trị học, sử học,…với mục đích hướng dẫn đời sống.
Cách phân loại của Các Mác: Có 2 loại
+ Khoa học tự nhiên: Có đối tượng là các dạng vật chất và các hình thức vận động của các dạng vật chất đó được thể hiện trong giới tự nhiên cùng những mối liên hệ và quy luật giữa chúng như: Cơ học, toán học, sinh vật học,…
+ Khoa học xã hội hay khoa học về con người: có đối tượng là những sinh hoạt của con người, những quan hệ xã hội của con người cũng như những quy luật, những động lực phát triển của xã hội như: sử học, kinh tế học, triết học,…..
Cách phân loại của B.M Kêdrôv trong “triết học bách khoa toàn thư” NXB bách khoa toàn thư Liên Xô Matxitcơva 1964, có các loại:
+ Khoa học triết học: Biện chứng phát, lôgíc học….
+ Khoa học toán học: Logíc toán học và toán học thực hành ( Toán học bao gồm cả điều kiển học)
+ Khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật: Cơ học và cơ thực nghiệm; Thiên văn học và du hành vũ trụ;;Vật lý thiên văn; Vật lý học; Hoá lý; Lý hoá và lý kỹ thuật; Hoá học và khoa học quy trình hóa kỹ thuật với luyện kim. Hoá địa chấ; Địa chất hoc và công nghiệp mỏ; Địa lý học; Hoá sinh học; Sinh học và khoa học nông nghiệp; Sinh lý học người và y học; Nhân loại học
+ Khoa học xã hội: Lịch sử, khảo cổ học, nhân chứng học, địa lý kinh tế, thống kê kinh tế xã hội…
+ Khoa học về hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc: Kinh tế chính trị học; Khoa học về nhà nước pháp quyền; Lịch sử nghệ thuật và giảng dạy nghệ thuật; Ngôn ngữ học; Tâm lý học và khoa học sư phạm; Các khoa học khác.
UNESCO: phân loại theo đối tượng nghiên cứu của khoa học, có năm nhóm
- Nhóm khoa học tự nhiên và khoa học chính xác
- Nhóm các khoa học kỹ thuật và công nghệ
- Nhóm các khoa học về sức khoẻ (Y học)
- Nhóm các khoa học nông nghiệp
- Nhóm các khoa học xã hội và nhân văn.
Phân loại theo cơ cấu của hệ thống kiến thức hoặc chương trình đào tạo có:
- Khoa học cơ bản.
- Khoa học cơ sở của chuyên ngành.
- Khoa học chuyên ngành (Chuyên môn)
Phân loại dựa trên mục đích nghiên cứu:
- Khoa học cơ bản (basic sciences) còn gọi là khoa học thuần tuý, là khoa học giải thích bản chất sự vật, các mối quan hệ tương tác và quy luật phổ biến của sự vật. Ví dụ như vật lý học, toán học và sinh học.
- Khoa học ứng dụng (applied sciences) còn được gọi là khoa học thực hành, là khoa học áp dụng tri thức từ khoa học cơ bản vào thực tế. Ví dụ, kỹ thuật là một khoa học ứng dụng các định luật vật lý và hóa học vào thực tiễn như xây dựng các cây cầu chịu được tải trọng lớn hơn hoặc chế tạo động cơ sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn; hoặc như y học là một khoa học ứng dụng các quy luật sinh học để chữa bệnh.
Cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng đều là cần thiết cho sự phát triển của nhân loại. Tuy nhiên, khoa học ứng dụng không thể đứng riêng rẽ mà phải dựa vào khoa học cơ bản trong mỗi bước phát triển. Tất nhiên, các tập đoàn công nghiệp và doanh nghiệp tư nhân thường thiên về khoa học ứng dụng nhằm mang lại giá trị thực tế cho họ, trong khi đó, các trường đại học coi trọng cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng.
Ngoài các cách phân loại kể trên, còn có những cách tiếp cận phân loại khoa học khác như: phân loại theo nguồn gốc hình thành khoa học; phân loại theo mức độ khái quát của khoa học; phân loại theo tính tương liên giữa các khoa học…
Mỗi cách phân loại khoa học dựa trên một tiêu thức riêng có ý nghĩa ứng dụng nhất định, những điều chỉ ra được mối liên hệ giữa các khoa học, là cơ sở để nhận dạng cấu trúc của hệ thống tri thức khoa học, sự phát triển của khoa học luôn dẫn đến sự phá vỡ ranh giới cứng nhắc trong phân loại khoa học, do đó mọi cách phân loại (bảng phân loại) cần được xem như hệ thống mở, phải luôn luôn được bổ sung và phát triển.
6. Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội
Khoa học tự nhiên
Khoa học tự nhiên là khoa học nghiên cứu các đối tượng hoặc hiện tượng tự nhiên, chẳng hạn như ánh sáng, vật chất, trái đất, các thiên thể hoặc cơ thể con người.
Khoa học tự nhiên lại có thể được phân loại tiếp thành các khoa học vật chất, khoa học trái đất, khoa học sự sống và các khoa học khác.
+ Khoa học vật chất bao gồm các bộ môn khoa học như vật lý (khoa học của các đối tượng vật lý), hóa học (khoa học vật chất) và thiên văn học (khoa học của các đối tượng thiên thể).
+ Khoa học trái đất bao gồm các bộ môn khoa học như địa chất học (khoa học của trái đất).
+ Khoa học sự sống bao gồm các bộ môn như sinh học (khoa học của cơ thể con người) và thực vật học (khoa học của thực vật).
Khoa học xã hội
Khoa học xã hội là khoa học nghiên cứu con người hoặc cộng đồng người, chẳng hạn như các nhóm xã hội, doanh nghiệp, hiệp hội hoặc kinh tế và hành vi cá nhân, tập thể.
Khoa học xã hội có thể được phân loại thành các bộ môn khoa học như tâm lý học (khoa học về hành vi con người), xã hội học (khoa học về các nhóm xã hội) và kinh tế học (khoa học của các doanh nghiệp, thị trường và kinh tế).
Sự khác biệt
Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có sự khác biệt trên một vài phương diện.
Khoa học tự nhiên đòi hỏi sự chính xác nghiêm ngặt, rõ ràng và không phụ thuộc vào người tiến hành các nghiên cứu khoa học. Ví dụ như trong vật lý học, thí nghiệm đo tốc độ lan truyền âm thanh qua một môi trường truyền dẫn hoặc đo chỉ số khúc xạ của nước, thì kết quả thí nghiệm thu được luôn giống nhau, không phân biệt thời gian hoặc địa điểm thí nghiệm hoặc người tiến hành thí nghiệm. Nếu hai sinh viên cùng làm một thí nghiệm vật lý mà nhận được hai giá trị có đặc tính vật lý khác nhau, thì có nghĩa là một hoặc cả hai sinh viên đó mắc lỗi.
Tuy nhiên, đối với khoa học xã hội thì không thể kết luận như vậy, bởi lẽ khoa học xã hội yêu cầu ít hơn về sự chính xác, cụ thể và rõ ràng. Ví dụ, nếu bạn đo lường mức độ hạnh phúc của một người bằng cách sử dụng công cụ giả thuyết, bạn có thể nhận ra rằng người đó cảm thấy hạnh phúc hay bất hạnh, buồn chán ở những ngày khác nhau và đôi khi ở những thời điểm khác nhau trong cùng ngày. Hạnh phúc của một người tùy thuộc vào thông tin người đó nhận được trong ngày hoặc các sự kiện diễn ra hôm trước. Hơn nữa, không có một công cụ hoặc chỉ số nào có thể đo lường chính xác hạnh phúc của một người. Vì thế trong cùng thời điểm, một công cụ này có thể xác định người này là “hạnh phúc hơn” thì một công cụ đo thứ hai có thể cho ra kết quả ngược lại rằng người đó “kém hạnh phúc”.
Nói cách khác, tồn tại mức độ khác biệt lớn về đo lường trong khoa học xã hội cũng như sự thiếu tin cậy và ít sự đồng thuận về các kết luận trong khoa học xã hội. Trong khi bạn sẽ không tìm thấy sự bất đồng giữa các nhà khoa học tự nhiên về tốc độ của ánh sáng hay tốc độ của trái đất quay xung quanh mặt trời, nhưng bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt rất lớn giữa các nhà khoa học xã hội về cách giải quyết một vấn đề xã hội, như ngăn ngừa khủng bố quốc tế, vực dậy nền kinh tế khỏi sự suy thoái. Bất kỳ sinh viên nghiên cứu khoa học xã hội cũng phải nhận thức đầy đủ về sự lý giải còn mơ hồ, thiếu chắc chắn lẫn sai sót trong khoa học, phản ánh sự biến thiên cao của các khách thể nghiên cứu xã hội.
(Tổng hợp)
5/5 – (1 bình chọn)