Khoa học (Science) là gì? Nội dung và phân loại

Khoa học (tiếng Anh: Science) được hiểu là hệ thống tri thức về mọi loại qui luật của vật chất và sự vận động của vật chất, những qui luật của tự nhiên, xã hội, tư duy.

1*Nvhe7mchQmJBgyVx-uOBrA

Hình minh họa. Nguồn: Medium

Khoa học (Science)

Định nghĩa

Khoa học trong tiếng Anh là ScienceTheo Luật Khoa học và Công nghệ (Quốc hội, 2013), khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, qui luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.

Khoa học là quá trình nghiên cứu nhằm khám phá ra những kiến thức mới, học thuyết mới… về tự nhiên và xã hội. Những kiến thức hay học thuyết mới này tốt hơn có thể thay thế dần những cái cũ không còn phù hợp.

Ví dụ: Quan niệm thực vật là vật thể không có cảm giác được thay thế bằng quan niệm thực vật có cảm nhận. 

Như vậy, khoa học bao gồm một hệ thống tri thức về qui luật của vật chất và sự vận động của vật chất, những qui luật của tự nhiên, xã hội, và tư duy.

(Theo Pierre Auger, 1961)

Nội dung

– Hệ thống tri thức của khoa học hình thành trong lịch sử và không ngừng phát triển trên cơ sở thực tiễn xã hội, bao gồm: tri thức kinh nghiệm và tri thức khoa học. 

– Tri thức kinh nghiệm: là những hiểu biết được tích lũy qua hoạt động sống hàng ngày trong mối quan hệ giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. 

Quá trình này giúp con người hiểu biết về sự vật, về cách quản lí thiên nhiên và hình thành mối quan hệ giữa những con người trong xã hội. 

Tri thức kinh nghiệm được con người không ngừng sử dụng và phát triển trong hoạt động thực tế. Tuy nhiên, tri thức kinh nghiệm chưa thật sự đi sâu vào bản chất, chưa thấy được hết các thuộc tính của sự vật và mối quan hệ bên trong giữa sự vật và con người. 

Vì vậy, tri thức kinh nghiệm chỉ phát triển đến một hiểu biết giới hạn nhất định, nhưng tri thức kinh nghiệm là cơ sở cho sự hình thành tri thức khoa học. 

– Tri thức khoa học: là những hiểu biết được tích lũy một cách có hệ thống nhờ hoạt động nghiên cứu khoa học, các họat động này có mục tiêu xác định và sử dụng phương pháp khoa học. 

Không giống như tri thức kinh nghiệm, tri thức khoa học dựa trên kết quả quan sát, thu thập được qua những thí nghiệm và qua các sự kiện xảy ra ngẫu nhiên trong hoạt động xã hội, trong tự nhiên.

Tri thức khoa học được tổ chức trong khuôn khổ các ngành và bộ môn khoa học như: triết học, sử học, kinh tế học, toán học, sinh học,…

Phân loại khoa học

– Người đầu tiên đưa ý tưởng phân loại khoa học theo đối tượng nghiên cứu là F.Engels. Sau này, B.Kedrov đã phát triển ýtưởng của F.Engels và trình bày mô hình hệ thống tri thức khoa học bằng một tam giác với ba đỉnh gồm:

(1) Khoa học tự nhiên

(2) Khoa học xã hội

(3) Triết học

– Để tiện sử dụng, mô hình này đã được tuyến tính hóa theo trình tự sau (UNESCO): 

– Khoa học tự nhiên và khoa học trừu tượng (hoặc khoa học chính xác). 

– Khoa học kĩ thuật và công nghệ, ví dụ: kĩ thuật điện tử, kĩ thuật di truyền. 

– Khoa học nông nghiệp: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. 

– Khoa học sức khỏe, ví dụ: dịch tễ học, bệnh học. 

– Khoa học xã hội và nhân văn, ví dụ: sử học, ngôn ngữ học. 

– Triết học, bao gồm cả các khoa học về tư duy như logic học.

(Tài liệu tham khảo: Khoa học và khái niệm nghiên cứu khoa học, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM; Phương pháp nghiên cứu khóa học, Tổ hợp giáo dục Topica)