Khó ngủ vì chỗ lạ, làm sao để khắc phục?
Cơ thể chúng ta có nhịp sinh học với chu kỳ 24 giờ của ngủ và thức. Cơ thể sẽ hoạt động tốt nhất khi lịch trình thức ngủ phù hợp với nhịp sinh học, theo trang sức khỏe Livestrong (Mỹ).
Nhưng khi đến chỗ lạ, chúng ta vẫn có thể bị khó ngủ dù có đúng nhịp sinh học hay không. Nguyên nhân là do cơ chế tiến hóa của chúng ta. Ngủ là lúc con người và động vật dễ bị kẻ thù trong tự nhiên tấn công nhất.
Khi ở nhà, mọi người sẽ dễ ngủ vì đó là môi trường quen thuộc. Nhưng khi đến nơi lạ, bộ não chúng ta được đặt trong trạng thái cảnh giác với các mối nguy hiểm tiềm tàng nên sẽ khó chìm vào giấc ngủ, tiến sĩ Michael Breus, chuyên gia về giấc ngủ người Mỹ, giải thích.
SHUTTERSTOCK
May mắn là một số phương pháp có thể giúp bạn dễ ngủ hơn khi ở nơi lạ.
Ngủ đúng giờ như đang ở nhà
Khi đến nơi lạ, chẳng hạn du lịch hay công tác, thì lịch trình của chúng ta sẽ khác so với bình thường. Bạn có thể sẽ đi chơi nhiều hơn, ăn uống muộn hơn và nhiều vấn đề khác.
Để dễ ngủ, hãy cố gắng duy trì các thói quen ăn ngủ y hệt như còn ở nhà. Chẳng hạn, hãy ăn tối đúng giờ, tránh ăn trễ vì như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ. Mọi người cũng tranh thủ ngủ đúng giờ như khi ở nhà.
Mang theo đồ vật quen thuộc
Khi đến nơi lạ, bạn hãy mang theo một đồ vật gì đó quen thuộc mà mình thường ôm hay dùng khi ngủ. Đó có thể là một chiếc gối, mền, chiếc khăn, đôi tất hay bộ đồ ngủ.
Mang theo những thứ quen thuộc này lên giường sẽ giúp dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Vì những thứ này sẽ gửi tín hiệu đến não rằng bạn đang ở nơi quen và không nguy hiểm.
Tránh dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ
Để dễ ngủ, mọi người cần tránh dùng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng hoặc laptop gần giờ đi ngủ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tắt bớt đèn trong phòng, kéo rèm để ngăn ánh sáng đèn đường chiếu vào phòng. Những ánh sáng nhân tạo này không tốt cho giấc ngủ, theo Livestrong.