Khó khăn muôn thuở ! – Hànộimới

1. Cái ngày thể thao Việt Nam trở lại đấu trường SEA Games 15 vào năm 1989, nhìn đi nhìn lại chỉ thấy “cửa” HCV của bắn súng là cao nhất. Bóng đá, điền kinh, bơi lội lúc đó hầu như không có cơ hội với tới HCV. Ít ra bắn súng cũng là môn thế mạnh truyền thống của thể thao Việt Nam, có một cái nền vững chắc bắt nguồn từ những ngày cả nước hừng hực lửa hướng đến mục tiêu thống nhất nước nhà. Ngay ở miền Bắc những năm chống Mỹ, phong trào bắn súng của dân quân tự vệ cũng từng cung cấp cho bắn súng Việt Nam không ít anh tài trong đó có Nghiêm Văn Sẩn (Hà Nội), sau này từng làm HLV đội tuyển quốc gia, Chủ nhiệm CLB bắn súng Hà Nội. Và không ai có thể quên cố xạ thủ Trần Oanh, từng vô địch thế giới tại Tiệp Khắc (cũ), vinh danh cho cả nền thể thao Việt Nam. Ngay ở Olympic 1980 ở Matxcơva, niềm hy vọng đoạt huy chương lớn nhất của đoàn thể thao Việt Nam cũng được đặt vào môn bắn súng dù sau đó xạ thủ kia không đáp ứng được sự kỳ vọng, thành tích sa sút hơn hẳn so với khi bắn tập. Còn ở SEA Games 15 ấy, đội tuyển bắn súng Việt Nam cũng làm được cái điều mà họ được trông đợi với những khẩu súng cũ kỹ được sản xuất tại các nước Đông Âu: giành 3 HCV, xếp hạng 5 sau Thái Lan, Malaixia, Philippin, Inđônêxia.

 

2. 19 năm sau lần trở lại SEA Games ấy, bắn súng Việt Nam không còn xếp hạng 5 Đông Nam Á. Cuộc đua tranh tới ngôi nhất Đông Nam Á giờ chỉ diễn ra giữa Việt Nam và Thái Lan. Ở tầm châu lục, đã có những xạ thủ như Nguyễn Mạnh Tường, Đặng Hồng Hà hay đội súng trường hơi di động biết đến những tấm HCB của Giải vô địch châu Á hay ASIAD. Thành tích ấy có lẽ sẽ còn được nâng lên nếu các xạ thủ nhận được sự đầu tư nhiều hơn, được dự nhiều giải quốc tế hơn để tích lũy kinh nghiệm, trui rèn bản lĩnh. Nhưng kinh phí vẫn là khó khăn muôn thuở. Ngân sách nhà nước cấp hàng năm chỉ đủ để đội dự những giải quốc tế chính thức cấp khu vực, châu lục, thế giới và lại dàn đều cho VĐV. Ngân quỹ của Liên đoàn bắn súng, với chức năng xã hội hóa, cũng không nhiều nhặn gì. Vài năm gần đây, năm nhiều nhất (2007), Liên đoàn cũng chỉ thu được gần 250 triệu đồng. Từng ấy tiền khó nói đến chuyện đầu tư cho VĐV để làm “chuyện lớn” ở tầm châu lục và thế giới.

 

3. ĐH Liên đoàn bắn súng Việt Nam khóa V (nhiệm kỳ 2008-2012) đã xác định mục tiêu vươn tới tầm châu Á và thế giới một cách ổn định, có VĐV dự Olympic bằng “cửa chính”, không phải bằng suất đặc cách như gần đây, và có thứ hạng cao. Việc chú trọng đào tạo bồi dưỡng một lực lượng “nhỏ, tinh” gồm những HLV, VĐV xuất sắc ở một số nội dung thi đấu sở trường đã được tính đến. Như vậy mới mong vươn tới tầm châu lục và thế giới chứ cứ đầu tư dàn trải như những năm trước e rằng khó làm nên chuyện lớn. Nhưng sức mạnh thu hút tài chính của Liên đoàn bắn súng phải được phát huy. Lần này trong danh sách BCH Liên đoàn có nhiều doanh nghiệp lớn, có máu mặt. Liệu Liên đoàn có phát huy hết sức mạnh của đội ngũ này để có tiền đầu tư cho VĐV mong có ngày mở mày mở mặt ở châu lục và thế giới?

 

Thùy An