Kho bạc Nhà nước hoàn thành kết nối 100% đơn vị qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
Thực chiện chủ trương của Chính phủ, triển khai đề án Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã cung cấp 9 thủ tục DVCTT mức độ 3, 4. Tính đến nay, hệ thống KBNN đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc đối tượng giao dịch qua Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ lượng giao dịch chi NSNN tháng 11/2020 đi qua DVCTT đạt 98%.
Đây là một thông tin được trao đổi tại cuộc họp báo chuyên đề “Kết quả công tác trọng tâm năm 2020 của hệ thống KBNN” ngày 23/12 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc KBNN cho biết, Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN và có hiệu lực từ ngày 16/3/2020. Nghị định này đã tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để điều chỉnh tất cả các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN theo hướng cải cách, đơn giản hóa và phù hợp với cơ chế, chính sách mới được ban hành nhằm tạo ra một cơ chế quản lý có hiệu quả, tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình giao dịch thu, chi với KBNN.
Lãnh đạo KBNN trao đổi thông tin tại buổi họp báo. Ảnh:VGP/Huy Thắng.
KBNN đã cắt giảm được 41 thành phần hồ sơ, bãi bỏ một số chỉ tiêu của 43 mẫu tờ khai TTHC; giảm thời hạn giải quyết của tất cả TTHC; bổ sung thêm quy định việc gửi, nhận và trả kết quả kiểm soát chi NSNN qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN; quy định cụ thể lộ trình thực hiện TTHC qua dịch vụ công mức độ 4. Đối với lĩnh vực thu NSNN, thủ tục nộp tiền vào NSNN quy định rõ thời hạn giải quyết là không quá 5 phút theo phương thức điện tử; bổ sung việc nộp tiền vào NSNN qua Cổng dịch vụ công quốc gia, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán… qua đó tăng không gian và thời gian thu nộp NSNN (24 giờ/7 ngày).
Đối với lĩnh vực kiểm soát chi NSNN qua KBNN, quy trình, thủ tục được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian kiểm soát và phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong chu trình kiểm soát chi; đối với kiểm soát chi đầu tư, thời gian kiểm soát chi đã được rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc.
KBNN áp dụng nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần, rút ngắn tối đa thời gian thanh toán xuống còn 1 ngày làm việc kể từ khi nhận được đủ hồ sơ, chứng từ hợp pháp hợp lệ của đơn vị…
Đề án DVCTT, KBNN đã cung cấp 9 thủ tục DVCTT mức độ 3, 4; hoàn thành tích hợp 7 thủ tục hành chính KBNN lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, vượt 47.8% kế hoạch Chính phủ và Bộ Tài chính giao. Tính đến nay Hệ thống KBNN đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc đối tượng giao dịch qua DVCTT mức độ 4; tỉ lệ lượng giao dịch chi NSNN tháng 11/2020 đi qua DVCTT đạt 98%. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 giao dịch, ngày cao điểm 200.000 giao dịch qua DVCTT.
Về thu ngân sách, Phó Tổng Giám đốc KBNN Nguyễn Quang Vinh cho biết, tính đến ngày 21/12, lũy kế thu ngân sách Nhà nước năm đã đạt 1.378.307 tỷ đồng, bằng 91,14% dự toán.
Theo đó, thu nội địa (không kể dầu thô) đạt 1.166.669 tỷ đồng, bằng 92,29% dự toán năm. Số thu từ dầu thô đạt 33.974 tỷ đồng, bằng 96,52% dự toán năm, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 176.726 tỷ đồng, tương đương 84,96% so với dự toán. Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, trong kiểm soát chi ngân sách, lũy kế vốn thanh toán từ đầu năm đến 15/12, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát 993.729 tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán chi thường xuyên năm của ngân sách Nhà nước qua Kho bạc (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).
Đáng chú ý, thông qua công tác kiểm soát chi thường xuyên ngân sách Nhà nước, các đơn vị Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 62.196 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định và đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết, từ chối thực hiện thanh toán 39,6 tỷ đồng.
Còn theo ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) thì trong năm 2020 số tiền tiết kiệm chi đối với các khoản chi lễ hội, khánh tiết, công tác nước ngoài với các bộ, ngành trung ương là khoảng 700 tỷ đồng. Trong hoạt động chi đầu tư, đến giữa tháng 12 năm nay, số giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 đạt 356.809 tỷ trên 471.789 tỷ đồng, tương đương 75,6% kế hoạch năm và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Số giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019 kéo dài sang năm 2020 là 64.941 tỷ trên tổng số 94.972 tỷ đồng, tương đương 68,4%. Cũng thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán 51,9 tỷ đồng tiền chủ đầu tư đề nghị thanh toán khối lượng phát sinh nhưng chưa được phê duyệt, một số khoản chi chưa đủ hồ sơ theo quy định…
Đối với hoạt động chi phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn, đến ngày 17/12, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tổng số chi theo Nghị quyết 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về chế độ đặc thù trong phòng chống dịch COVID-19 đã đạt 1.220 tỷ và số chi theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là 12.820 tỷ đồng.
Về huy động vốn cho ngân sách, lãnh đạo KBNN cho biết, đến ngày 22/12, Kho bạc Nhà nước đã huy động tổng cộng 320.929 tỷ đồng, tương đương 94,6% kế hoạch năm (bao gồm cả kế hoạch được Bộ Tài chính giao đầu năm và kế hoạch giao bổ sung).
Trái phiếu Chính phủ phát hành mới có kỳ hạn bình quân là 13,93 năm, thấp hơn năm trước 0,49 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,87%/năm, thấp hơn 1,64 điểm % và kỳ hạn còn lại của doanh mục trái phiếu là 8,37 năm. Theo đó, hiện lãi suất phát hành trái phiếu của Việt Nam đối với kỳ hạn 10 năm đang ở mức thấp thứ 3 khu vực Đông Nam Á.
“Theo tiến độ hiện nay, dự kiến đến 31/12, Kho bạc Nhà nước sẽ cơ bản hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn được Bộ Tài chính giao”, ông Nguyễn Quang Vinh nói.
Lãnh đạo KBNN khẳng định luôn bám sát chủ trương điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, KBNN đã nắm chắc diễn biến tình hình thu, chi NSNN, xây dựng phương án điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN) hàng quý và tổ chức điều hành ngân quỹ nhà nước linh hoạt, chặt chẽ, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị có giao dịch với KBNN.
Trong năm 2020 đã tiến hành triển khai quy trình đấu thầu gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại theo phương thức điện tử và ký kết phụ lục hợp đồng gửi tiền điện tử. Từ đó, góp phần thực hiện quản lý ngân quỹ nhà nước hiệu quả, công khai và minh bạch.
“Trên cơ sở công tác quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả. Năm 2020 là năm thứ 2, do quản lý tồn ngân quỹ hiệu quả nên KBNN đã nộp vào ngân sách Trung ương đến 3.000 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Vinh nói.