Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến – Báo Cao Bằng điện tử
Thực hiện Thông tư 133/2017/TT-BTC ngày 15/12/2017 của Bộ Tài chính quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ kho bạc Nhà nước (KBNN), đến nay, 100% đơn vị thụ hưởng ngân sách Nhà nước (NSNN) đăng ký tham gia thực hiện giao dịch điện tử trực tuyến. Qua đó, tiết kiệm thời gian, đảm bảo nhanh chóng, an toàn và chính xác hơn trong việc xử lý chứng từ chi qua hệ thống KBNN.
Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến tại Kho bạc Nhà nước giúp các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước giao dịch thuận lợi.
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng KBNN điện tử, Đảng bộ, Ban Giám đốc KBNN tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), tăng cường mức độ, phạm vi triển khai DVCTT đến các đơn vị trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh tổ chức tập huấn kỹ năng thực hiện DVCTT cho 100% cán bộ chủ chốt và kế toán các đơn vị hạch toán cấp tỉnh, huyện; hướng dẫn chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động kết nối giao dịch điện tử.
Năm 2018, cùng với KBNN các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, KBNN tỉnh thực hiện cung cấp DVCTT tại Văn phòng KBNN tỉnh. Những ngày đầu triển khai, nhiều đơn vị chưa quen với hình thức giao dịch trực tiếp qua cổng DVCTT, còn bỡ ngỡ trong khâu lập chứng từ và gửi hồ sơ thanh toán đến KBNN, việc trao đổi những vướng mắc với cán bộ giao dịch trong quá trình hoàn thiện hồ sơ cũng khó khăn nên nhiều đơn vị sử dụng ngân sách vẫn sử dụng chứng từ giấy.
Trước thực tiễn đó, KBNN tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị có liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện DVCTT giao dịch với KBNN. Đồng thời, nâng cấp các chương trình ứng dụng tổng hợp báo cáo nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tổ chức các hội nghị khách hàng; tuyên truyền, chỉ đạo, thông báo, hướng dẫn, vận động các đơn vị sử dụng ngân sách đăng ký tham gia sử dụng để việc triển khai DVCTT được kịp thời, hiệu quả.
Với những giải pháp đồng bộ, đến năm 2019, toàn tỉnh có 886/886 đơn vị đăng ký tham gia DVCTT với KBNN tỉnh, đạt 100%; số lượng chứng từ giao dịch được thực hiện trên DVCTT mức độ 4 (hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra). Đến năm 2020, tất cả các đơn vị đồng bộ sử dụng DVCTT. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, nhờ DVCTT, toàn bộ các hoạt động giao dịch giữa KBNN với các đơn vị diễn ra bình thường, đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm chi phí hành chính cho các đơn vị.
Các đơn vị ứng dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.
Trưởng Phòng Kế toán, KBNN tỉnh Đặng Kim Dung cho biết: Từ đầu năm 2021 đến nay, có 122.808/123.957 chứng từ giao dịch qua DVCTT, đạt 99,07%; số lượng chứng từ giao dịch bình quân 1 tháng là 12.000 – 13.000 chứng từ. Thông qua DVCTT, các đơn vị có giao dịch không mất thời gian đưa hồ sơ, chứng từ đến KBNN; mức độ an toàn, bảo mật cao và minh bạch trong quá trình kiểm soát hồ sơ; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn NSNN. Đến nay, toàn bộ hồ sơ thanh toán gửi đến KBNN tỉnh được giải quyết kịp thời, thanh toán đúng quy định. KBNN tỉnh thực hiện triệt để quy định và nguyên tắc “Thanh toán trước, kiểm soát sau”, kiểm soát thanh toán trong một ngày làm việc theo quy định. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả DVCTT, KBNN tỉnh vừa ban hành văn bản hướng dẫn triển khai diện rộng dịch vụ công cam kết chi, đối chiếu số dư tài khoản; quy trình nghiệp vụ liên thông DVCTT – TAMIS – Thanh toán song phương điện tử đến tất cả các đơn vị sử dụng NSNN.
Đồng chí Hà Thu Trang, Kế toán Cục Quản lý thị trường cho biết: Trước đây, định kỳ hằng tháng tôi phải tuần tự làm các thủ tục thanh toán theo mẫu biểu quy định để chi lương và các hoạt động tại đơn vị, sau đó in ra giấy, trình lãnh đạo phê duyệt, trực tiếp đến KBNN tỉnh. Trường hợp có sai sót, thay đổi lại mang về chỉnh sửa, trình ký rồi tiếp tục đem nộp, mất thời gian, công sức. Từ khi ứng dụng DVCTT, thời gian giảm nhiều so với thanh toán thủ công, đảm bảo chính xác, an toàn và nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại một số đơn vị cấp xã còn hạn chế; việc cập nhật chưa đầy đủ thông tin, dẫn đến chứng từ bị từ chối hoặc trả đi trả lại nhiều lần. Bên cạnh đó, việc xử lý chứng từ trên hệ thống còn chậm, đường truyền viễn thông nhiều khi chưa thông suốt…
Giám đốc KBNN tỉnh Nguyễn Thị Hương cho biết: DVCTT phát huy vai trò là một kênh giao dịch điện tử hiện đại. Ngoài việc giúp đơn vị không phải mất thời gian đi lại, DVCTT còn giúp hồ sơ, chứng từ được giải quyết nhanh chóng, đúng quy định theo phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ” theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua các thông báo trạng thái trên hệ thống, DVCTT góp phần tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ, thanh toán của KBNN, qua đó, các đơn vị nắm bắt được tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ thanh toán của đơn vị.