Khiếu nại hành chính; Quy trình khiếu nại quyết định hành chính và hành vi hành chính

Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của khách hàng, cụ thể câu hỏi của khách hàng sau: “Thưa Luật sư Minh Khuê. Luật sư cho tôi hỏi về quy trình khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính…”

Khách hàng: Thưa Luật sư Minh Khuê. Luật sư cho tôi hỏi về quy trình khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Tôi xin cảm ơn!

Trả lời:

1. Sự khác biệt giữa khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính

Khiếu nại hành chính chính là việc các công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hay của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính đó. Thông thường, cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại là đơn vị hành chính nhà nước.

Trong khi đó khởi kiện hành chính – đây là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại, danh sách cử tri ra tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài ra phạm vi xử lý của khởi kiện hành chính cũng rộng hơn khiếu nại hành chính, bao gồm cả các quyết định giải quyết khiếu nại trong trường hợp các cá nhân, tổ chức cảm thấy quyết định giải quyết khiếu nại là không thỏa đáng thì có thể khởi kiện vụ án ra tòa.

2. Đối tượng, chủ thể của khiếu nại hành chính

– Đối tượng của khiếu nại hành chính

Cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại các đối tượng sau đây khi có căn cứ cho rằng các đối tượng đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình, bao gồm: quyết định hành chính, hành vi hành chính và quyết định kỷ luật cán bộ công chức.

Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

Quyết định kỷ luật là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định.

– Chủ thể của khiếu nại hành chính

Cá nhân bao gồm người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Tổ chức bao gồm các cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại.

3. Hình thức, thủ tục khiếu nại hành chính

Hình thức khiếu nại hành chính có thể được thực hiện theo hai cách là viết đơn hoặc khiếu nại trực tiếp.

– Khiếu nại hành chính bằng hình thức văn bản

– Khiếu nại hành chính trực tiếp

Người khiếu nại trực tiếp đến trụ sở tiếp công dân, các cơ quan có thẩm quyền, tại đó các cán bộ, công chức sẽ tiếp nhận, hướng dẫn người khiếu nại làm đơn hoặc ghi lại lời trình bày khiếu nại của người khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận.

– Có nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung

Nếu lựa chọn khiếu nại hành chính trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp nhận và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi nhận nội dung khiếu nại.

Nếu lựa chọn khiếu nại hành chính bằng đơn thì đơn phải có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại.

4. Trình tự giải quyết khiếu nại hành chính

Kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền phải thụ lý giải quyết và thông báo về việc thụ lý giải quyết trong thời hạn 10 ngày làm việc. Sau khi thụ lý, trong thời hạn 30 ngày (đối với vụ việc phức tạp không quá 45 ngày) kể từ ngày thụ lý, người có thẩm quyền phải giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu thì người khiếu nại có quyền khiếu nại lần hai đến cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày (60 ngày đối với vùng sau, vùng xa và 70 ngày đối với những vụ việc phức tạp) kể từ ngày thụ lý.

Lưu ý: Không có khiếu nại hành chính lần ba.

5. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính

Khiếu nại lần đầu

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính lần đầu là những chủ thể trực tiếp ban hành ra các quyết định hành chính, hành vi hành chính lần đầu đó

Khiếu nại lần hai

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

6. Thời hiệu khiếu nại hành chính

Thời hiệu khiếu nại hành chính việc giải quyết bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, dịch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà có giấy tờ hợp lệ làm căn cứ để chứng minh, thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

7. Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại hành chính

Việc quy định thi hành quyết định giải quyết khiếu nại hành chính là nhằm đảm bảo các quyết định giải quyết khiếu nại được thực hiện nghiêm chỉnh

Trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại hành chính trong việc thi hành quyết định

Người giải quyết khiếu nại hành chính trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật

Trường hợp cần thiết, yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp để bảo đảm việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; tổ chức thi hành hoặc chủ trì, phối hợp với tổ chức, cơ quan thực hiện biện pháp khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại; kiến nghị cơ quan, tổ chức khác giải quyết những vấn đề liên quan đến việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại hành chính.

Trách nhiệm của người khiếu nại hành chính, người có quyền, nghĩa vụ liên quan

Cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của mình đã bị quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật xâm phạm;

Chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết công

Chấp hành quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền để thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền để thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người dân có quyền khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan đó xem xét lại.

8. Quy trình khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính

Hiện nay, quy trình khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính được quy định tại Điều 7 Luật Khiếu nại 2011.

– Khiếu nại lần đầu đến một trong những đối tượng sau:

+ Người đã ra quyết định hành chính;

+ Cơ quan có người có hành vi hành chính;

+ Khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai.

– Khiếu nại lần hai đến một trong những đối tượng sau:

+ Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu;

+ Khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp đặc biệt:

– Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là Bộ trưởng) thì khiếu nại đến Bộ trưởng hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án.

– Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần hai của Bộ trưởng hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án.

9. Thời hiệu khiếu nại quyết định hành chính

Hiện nay, thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính (thời hiệu khiếu nại tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày thứ 7, chủ nhật).

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê sưu tầm và biên soạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và Biên soạn).