Khi văn phòng công chứng ‘chứng nhầm’ người giả, chữ ký giả gây hậu quả lớn
Ông Võ Văn Thiện tới nay vẫn chưa đòi được tiền đã bỏ ra để mua đất, tiền bồi thường thiệt hại mà nguyên nhân từ việc công chứng “ẩu” – Ảnh: Đ.C
Việc này xuất phát từ thực tế có việc công chứng viên làm không đúng theo quy định, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo và có hành vi gian dối.
Những “kẽ hở” này nếu không được khắc phục sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Kẽ hở
Mới đây, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện có vi phạm trong hoạt động công chứng tại một số phòng công chứng trên địa bàn TP Đà Nẵng và đã ban hành kiến nghị yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Theo hồ sơ thể hiện, Văn phòng công chứng T. (quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã soạn thảo hợp đồng đặt cọc giữa ông Đ.N.T., bà H.T.H. với bà Ph.T.L. (theo đề nghị của người yêu cầu công chứng) để chuyển nhượng nhà đất tại phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu, Đà Nẵng), đồng thời tiến hành công chứng.
Trước khi ghi lời chứng và ký vào từng trang của hợp đồng đặt cọc, công chứng viên không thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu bản chính giấy tờ tùy thân của những người yêu cầu công chứng với những người có mặt thực tế khi ký vào hợp đồng đặt cọc; cũng như yêu cầu họ ký, điểm chỉ trước mặt mình. Từ đó dẫn đến việc có người đã giả mạo bà H.T.H. lăn tay và ký giả chữ ký tại hợp đồng đặt cọc này.
Vi phạm về thủ tục công chứng của văn phòng công chứng này đã tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo và có hành vi gian dối khác dẫn đến hợp đồng đặt cọc bị tòa án tuyên vô hiệu.
Một trường hợp khác là Văn phòng công chứng H. (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã tiến hành công chứng hợp đồng mua bán xe giữa vợ chồng ông M.X.C., bà P.T.T. và bà H.T.D.. Hợp đồng thể hiện vợ chồng ông C., bà T. có bán cho bà D. một ô tô với giá 50 triệu đồng.
Hợp đồng mua bán xe được Văn phòng công chứng H. soạn thảo sẵn theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, có đầy đủ chữ ký của các bên tham gia ký kết, lời chứng của công chứng viên và được lập thành ba bản có giá trị pháp lý như nhau (một bản lưu văn phòng công chứng, hai bản còn lại giao cho bên mua, bên bán).
Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ và kết luận giám định chữ ký của bà T. và bà D. trong các hợp đồng thì có cơ sở xác định bà P.T.T. không có mặt tại văn phòng công chứng để tham gia giao dịch dân sự mua bán xe.
Quá trình thực hiện thủ tục công chứng, công chứng viên đã không thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục về công chứng hợp đồng, thiếu sự kiểm tra, đối chiếu bản chính của các giấy tờ liên quan. Đồng thời, không thực hiện việc yêu cầu những người yêu cầu công chứng ký vào hợp đồng trước mặt công chứng viên trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang. Việc này vi phạm quy định của Luật công chứng.
Viện KSND quận Liên Chiểu đã ban hành kiến nghị yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật.
Chấn chỉnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Tư pháp Đà Nẵng cho biết ngày 4-10 đã có văn bản gửi các tổ chức hành nghề công chứng về việc chấn chỉnh hoạt động công chứng.
Thời gian qua, Sở Tư pháp nhận được văn bản kiến nghị của các cơ quan tiến hành tố tụng về việc kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm pháp luật. Trong đó nội dung văn bản kiến nghị cho thấy trên địa bàn TP vẫn còn tình trạng công chứng viên không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch ký hoặc điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch;
Công chứng hợp đồng, giao dịch mà không có đầy đủ chữ ký của tất cả các chủ thể của hợp đồng, giao dịch hoặc công chứng khi chưa có chữ ký của chủ thể hợp đồng, giao dịch… tạo điều kiện cho người tham gia giao dịch lợi dụng thực hiện hành vi gian dối như giả chữ ký, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Sở Tư pháp đề nghị trưởng các tổ chức hành nghề công chứng quán triệt công chứng viên, nhân viên nghiêm túc thực hiện đúng quy định về thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch tại chương V, Luật công chứng.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vi phạm thủ tục công chứng dẫn đến tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch giả mạo người yêu cầu công chứng, giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch, giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng hoặc giả mạo giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng.
Việc ký, điểm chỉ của người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải được thực hiện trước mặt công chứng viên theo quy định.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhân viên lấy trước chữ ký, dấu điểm chỉ của người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch trước khi chuyển hồ sơ cho công chứng viên kiểm tra, thực hiện chứng nhận hợp đồng, giao dịch, dễ tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch và những người có liên quan lợi dụng để thực hiện hành vi gian dối hoặc làm căn cứ để khởi kiện yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng là vô hiệu.
Trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp khác đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng thì công chứng viên phải đối chiếu chữ ký mẫu với chữ ký trong hợp đồng trước khi thực hiện việc công chứng.
Công chứng viên phải yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng và thực hiện đối chiếu trước khi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch theo quy định.
“Chúng tôi đã có nhiều công văn đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng phải tuân thủ tuyệt đối các quy định, Luật công chứng nhằm phòng ngừa vi phạm pháp luật và những rủi ro có thể xảy ra” – đại diện Sở Tư pháp Đà Nẵng cho biết.
Ôm hận vì công chứng “ẩu”
Đó là trường hợp của ông Võ Văn Thiện (trú Đà Nẵng). Năm 2012, Công ty Chí Thành – chủ dự án ở khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam) chuyển nhượng 1 thửa đất giá 2,1 tỉ đồng cho ông Thiện.
Sau khi lập hợp đồng chuyển nhượng, ông Thiện đăng ký chỉnh lý biến động nhưng không được do công ty chưa nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước.
Công chứng viên Phòng công chứng số 1 Quảng Nam đã công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên. Nhưng việc công chứng có sai phạm, vì Công ty Chí Thành còn nợ tiền sử dụng đất thửa đất nêu trên nên không đủ điều kiện để thực hiện việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng.
Bản án số 79 năm 2019 TAND tỉnh Quảng Nam tuyên buộc Công ty Chí Thành phải hoàn trả cho ông Thiện số tiền mua đất là 2,1 tỉ đồng; buộc công ty và Phòng công chứng số 1 có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại cho ông Thiện hơn 8,7 tỉ đồng (mỗi bên 50%).
Tuy nhiên, đến nay ông Thiện vẫn chưa được thi hành án và phải cầu cứu khắp nơi.
Bắt công chứng viên liên quan vụ làm giả sổ đỏ chiếm đoạt tài sản