Khí tiết người cộng sản nơi nhà giam đế quốc
(PLVN) – Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam – Phú Quốc (Kiên Giang) đã nhuộm thắm máu đào của hơn 4.000 chiến sĩ cách mạng ngã xuống; và hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ cộng sản đã vượt qua cái chết, tiếp tục chiến đấu đến ngày chiến thắng 30/4/1975.
Nửa thế kỷ qua, nơi đây ghi dấu những giá trị cao đẹp của những người con trung kiên của dân tộc, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ.
Địa ngục trần gian
Nhà tù Phú Quốc (sau được đổi tên thành Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam – Phú Quốc) bắt đầu hoạt động vào ngày 6/7/1967 và giải thể tháng 3/1973, khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, tù binh được trao trả.
Trại giam nằm trên địa bàn thị trấn An Thới, diện tích 400ha, gần 500 ngôi nhà, chia thành 12 khu (mỗi khu có 2 phân khu) và 10 khu (mỗi khu có 4 phân khu gọi tên theo thứ tự A, B, C, D…). Mỗi khu trại có thể chứa khoảng 3.000 tù nhân. Xung quanh mỗi phân khu là 4 vọng gác canh giữ 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động. Trại được bao bọc bởi gần 10 lớp kẽm gai chằng chịt.
Đây là trại giam lớn nhất của Mỹ – Ngụy ở miền Nam Việt Nam, giam giữ hơn 40.000 tù binh. Giữa năm 1968 phong trào đấu tranh của tù binh lên cao, Mỹ – Nguỵ cho xây dựng các biệt giam 2, 4, 5, 6, trong đó biệt giam B2 khủng khiếp tàn ác nhất.
Nơi đây giam giữ các chiến sĩ cách mạng thuộc lực lượng vũ trang: quân chủ lực, quân địa phương hoặc dân quân du kích và một số người có tình cảm cách mạng…
Với gần 7 năm hoạt động, cai ngục của trại đã áp dụng khoảng 45 hình thức tra tấn dã man, tàn bạo đối với các tù binh từ thời trung cổ đến hiện đại, làm hơn 4.000 tù binh chết. Số người còn sống trở về hầu hết bị thương tật, tuy bên ngoài lành lặn nhưng trong người mang đầy bệnh tật, đau yếu thường xuyên do di chứng của những đòn roi tra tấn dã man, tàn bạo trong trại giam. Do đó, Trại giam Phú Quốc được mệnh danh là “địa ngục trần gian” của những chiến sĩ cách mạng.
Theo Ban Liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, việc khai quật hài cốt tù binh tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam – Phú Quốc được tiến hành nhiều năm qua, trong đó có rất nhiều tù binh bị chôn sống tập thể. Tổng số tù binh bị địch sát hại ở Trại giam Phú Quốc đã tìm kiếm, phát hiện và khai quật được 3.833 hài cốt. Khi bốc mộ cho các liệt sĩ tù binh Phú Quốc, đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ đã gom được 238 chiếc đinh từ 130 hài cốt được tìm thấy. Trước đó, cai ngục đã đóng đinh 10cm lên bất cứ phần nào của cơ thể người tù.
Dù bị tra tấn dã man nhưng những tù binh luôn thể hiện khí phách hiên ngang. Họ đã đoàn kết, giữ vững khí tiết của người cách mạng, quyết bảo vệ các bí mật của Đảng, của cách mạng; đấu tranh yêu cầu địch phải công bố Hiệp định Paris, trao trả tù binh cho cách mạng; hiệp đồng với lực lượng nổi dậy giải phóng và ổn định tình hình trên các đảo Phú Quốc, Côn Đảo…
Mỗi câu chuyện, mỗi hình ảnh, mỗi cái tên cựu tử tù (nay người còn, người mất) đều neo trong lòng mỗi người bao cung bậc tình cảm khi đến thăm Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam – Phú Quốc. Như câu chuyện người chiến sĩ cộng sản 18 tuổi quê Cà Mau bị giết chết trên dàn hỏa; chuyện tù binh rạch bụng đấu tranh đòi được trả tự do theo Hiệp định Paris; những chuyến đào hầm vượt ngục huyền thoại…
Nửa thế kỷ đã trôi qua, thế hệ hôm nay và mai sau không bao giờ quên công lao của những người đi trước, bởi hòa bình hôm nay là xương máu của cha ông. Những người trở về từ “địa ngục trần gian”, tiếp tục sống, chiến đấu cho chiến thắng 30/4/1975 và cống hiến cho công cuộc đổi mới đất nước.
Những cuộc vượt ngục huyền thoại
Từ 1967 – 1972, ở nhà tù Phú Quốc đã có tất cả 41 cuộc vượt ngục với khoảng 300 tù nhân trốn thoát. Cuộc vượt ngục “huyền thoại” bằng hầm đầu tiên ở Phú Quốc xảy ra ngày 21/1/1969.
Thực hiện chỉ đạo của Chi bộ đảng trong nhà tù, tại trại giam số 13, phân khu B2 – nơi đường hầm đầu tiên ở Nhà tù Phú Quốc được thực hiện, vào tháng 6/1968, kế hoạch đào hầm vượt ngục được triển khai, thực hiện. Để có thể thành công là cả một sự kỳ công của biết bao công đoạn, dò hướng, tìm kiếm dụng cụ đào, khoét, nghĩ cách phân tán số đất được moi lên, cắt cử các nhóm tham gia và nhất là đánh lừa, che mắt kẻ địch…
Tại phòng giam này, hiện một đường hầm được phục dựng, mô tả lại đường hầm đầu tiên các chiến sĩ bị giam cầm nơi đây đào để tẩu thoát. Đường hầm có chiều dài khoảng 120m, miệng hầm rộng 45cm, được đào ngay dưới tấm phản gỗ, cách mặt đất chừng 30cm. Dụng cụ đào hầm được tù nhân làm từ nắp cặp lồng, muỗng ăn cơm, cọng kẽm gai.
Họ thay phiên nhau đào theo kiểu “sâu đo”, cứ 7-10m thì đào thêm một hàm ếch và lỗ thông hơi. Những ngày mưa, đất moi lên được đổ ra vách lán và nước mưa xối sạch. Còn ngày nắng, tù nhân cho đất vào túi quần và mỗi lần được ra ngoài thì mang theo đổ. Sau 6 tháng ròng rã, cuối cùng đường hầm dài 120m đã hình thành. Đường hầm này đã giúp 21 chiến sĩ cách mạng thoát ngục vào sáng 21/1/1969.
Ông Nguyễn Đức Hòe (ngụ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) là một trong những người vượt ngục năm 1971 nhớ lại, được sự đồng ý của đảng ủy phân khu, đêm 18/7/1971, anh em bắt đầu “khởi công” đào hầm. Nguyễn Đức Hòe là người đào đầu tiên. Sau khi đường hầm được khoét ra một hố vừa lọt đủ thân người, đầu ông còn trên mặt đất thì quân cảnh đột ngột vào kiểm tra. Đồng đội vội đè đầu ông xuống và đậy nắp hầm lên. Ông Hòe cố nén người cho lọt vào trong. Khi quân cảnh rút đi, đồng đội vội kéo lên thì ông đã ngất xỉu do thiếu không khí, anh em phải hô hấp nhân tạo hồi lâu ông mới tỉnh lại. Ông nói, nếu thêm 5 phút nữa chắc chết.
Thời điểm thuận lợi nhất khui cửa hầm để thoát ra được chọn vào đêm 23/12/1971 vì đêm đó cai tù thường ăn chơi, nhậu nhẹt nhân dịp lễ Noel. Lúc đầu, chi bộ quyết định chỉ thoát ra 30 người gồm 23 người thay nhau đào hầm và 7 cán bộ chủ chốt. Nhưng đêm đó thấy tình hình thuận lợi, ta thoát ra 41 người. Tổ 3 chiến sĩ đặc công ra đầu tiên lúc 9h30 có nhiệm vụ đi trước gỡ mìn và giăng dây nilon định hướng. Người cuối cùng ra lúc 4h sáng. Đó cũng là lúc bị quân cảnh phát hiện, nhưng phần lớn tù binh đã đi xa trại. Anh em đi theo từng tốp 3 – 4 người hướng về khu rừng phía Bắc, nơi quân giải phóng đang chiếm giữ. Kết quả, 26 người về đến đích, 9 người bị bắt trở lại, 6 người hy sinh trên đường đi.
Đây là cuộc vượt ngục bằng đường hầm thành công nhất trong lịch sử Trại giam Tù binh Phú Quốc. Ngay sau đó, một nhà báo phương Tây dự đoán: trong số những tù binh vượt ngục chắc phải có người đã từng đào hầm ở… Điện Biên Phủ.
Kết nạp Đảng trong Trại giam Phú Quốc
Kể từ khi bị bắt đến lúc được trao trả, ông Vũ Văn Kim (sinh năm 1946, ở xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh) đã hơn 7 năm sống và chiến đấu trong các nhà lao đế quốc: Phù Cát, Pleiku, Phú Quốc, Côn Đảo, Chí Hòa… Ông đã phải nếm đủ mọi cực hình tra tấn, đày đoạ, làm kiệt quệ về thể xác, mòn mỏi về tinh thần như: Nhốt chuồng cọp, bằng roi cá đuối, đục răng, bẻ răng, đun xà phòng sôi đổ vào miệng, đi tàu ngầm, chôn sống…
Ông Đinh Duy Điệp, Trưởng ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Ninh Bình nhớ lại: “Ngày 15/10/1967, tôi và đồng chí Vũ Văn Kim bị địch chuyển ra Trại giam Phú Quốc. Khi ấy, đồng chí Kim là một đoàn viên hăng hái, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ do tổ chức Đảng phân công, nhất là nhiệm vụ đào hầm vượt ngục”.
“Đồng chí Vũ Văn Kim tình nguyện tham gia và liên tục được biên chế vào đội đào hầm bí mật. Có lần bị cai ngục phát hiện, khi đang ở dưới hầm, đồng chí Kim và đồng đội bị tra tấn dã man, nhưng không hề nao núng. Với những hành động tiên phong trong các cuộc đấu tranh trực diện với quân thù, ngày 26/4/1971, đồng chí Vũ Văn Kim được Đảng bộ nhà lao C3 Phú Quốc kết nạp vào Đảng. Đây là vinh dự lớn, niềm tự hào để đồng chí Vũ Văn Kim mài giũa ý chí đấu tranh, trưởng thành nơi giam cầm ngục tối”.
Ông Kim còn là một trong người đầu tiên vạch ra và trực tiếp thực hiện phương án vượt ngục theo con đường chuyển rác thải. Ông nhớ lại: “Năm 1970, tôi cùng một số đồng chí tổ chức đào 4 đường hầm bí mật ở 4 phân khu đưa hàng chục tù binh ở Trại giam Phú Quốc vượt ngục trở về cứ điểm an toàn. Năm 1971, tôi và một số đồng chí đã tích cực đào hầm để vượt ngục thì phát hiện và bị địch tra tấn dã man nhằm mục đích triệt hạ khí tiết cách mạng. Không khuất phục, tôi phải nín thở giả chết, mới thoát nạn”.
Cùng với việc đào hầm vượt ngục, ông Kim còn tham gia Tổ diệt ác, có nhiệm vụ tiêu diệt những phần tử giảm sút ý chí chiến đấu, hồi, phản bội đồng đội… Ông Ung Thanh Đức, Hội tù yêu nước tỉnh Bình Định, cho biết, năm 1974, tại khu biệt giam nhà tù Cần Thơ, ông Vũ Văn Kim đã đấu tranh phản đối, yêu cầu trao trả tù binh theo Hiệp định Paris và cầm dao rạch vào bụng mình. Ông đã ngất đi trong vòng tay đồng đội, nhưng đã khiến quân thù run sợ, nhượng bộ.