Khi người trẻ cùng nhau chấp bút, tìm lại những giai điệu xưa
Đi tìm lại lời ca dân tộc
Bằng tình yêu cháy bỏng, lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, nhiều bạn trẻ vẫn đang miệt mài gìn giữ, đem những giai điệu cổ truyền mộc mạc đến gần hơn với đời. Trong số đó, không thể không nhắc tới Lê Hà Thu – một cô gái trẻ thuộc thế hệ gen Z. Chỉ vì tình yêu nồng cháy với cây đàn bầu từ nhỏ, Thu Hà đã đã ấp ủ và quyết tâm cho ra đời vùng đất mang tên Cầm Ca ngay khi còn là học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Cầm Ca – cái tên đơn thuần được bóc tách thành hai tiếng mộc mạc “Cầm” – đàn và “Ca” – tiếng hát. Tên gọi ấy còn được hiểu là nơi lưu giữ những âm thanh, giai điệu để chúng không bay đi theo thời gian. Theo thủ lĩnh trẻ Hà Thu, Cầm Ca là nơi những người trẻ yêu âm nhạc truyền thống tụ hợp, nhằm truyền lửa tới cộng đồng về nhạc cụ dân tộc cũng như bảo tồn văn hóa dân tộc. Điển hình với dự án “Bình dân học nhạc” miễn phí, Cầm Ca đã giúp khai mở, đưa nhiều người đến gần hơn với các loại nhạc cụ truyền thống.
Cầm Ca là nơi những người trẻ yêu âm nhạc truyền thống tụ hợp.
Hay với câu lạc bộ Nhạc Cụ Truyền Thống – FTIC, nơi quy tụ các sinh viên trường Đại học FPT. Được sinh ra từ những trải nghiệm, hoà cùng đam mê và mong muốn đưa những bản nhạc cổ lên sân khấu, FTIC cứ thế lớn dần. Qua 7 năm phát triển, câu lạc bộ đã thu hút hơn 300 thành viên tham gia.
Theo chia sẻ từ bạn Nguyễn Thị Vân – chủ nhiệm câu lạc bộ, khi đến với FTIC, từ những bỡ ngỡ đầu tiên, người tham gia sẽ được các thành viên trong nhóm “cầm tay chỉ việc” cho đến khi chơi thành thạo nhạc cụ yêu thích, từ đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu, sáo,… Tại đây, các thành viên trong nhóm cũng sẽ thường xuyên ngồi lại với nhau, cùng nhau trau dồi hiểu biết về lịch sử âm nhạc Việt Nam, cách duy trì nét đẹp văn hoá truyền thống dân tộc.
“Cổ” nhưng không “cũ”
Trong suốt 3 năm hoạt động, Cầm Ca luôn mong muốn tháo gỡ định kiến khiến khán giả về khái niệm nhạc cụ truyền thống là cũ kỹ, lỗi thời. Chính vì vậy, Cầm Ca đã không ngừng sản xuất hàng trăm bản hòa tấu, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa nhạc cụ dân tộc và phương Tây. Có thể kể đến các sản phẩm âm nhạc trẻ như “Có không giữ mất đừng tìm”, “Chạy về khóc với anh”,… được nhóm làm mới bằng thanh âm đàn bầu, sáo trúc. Hay ca khúc quen thuộc “Trống cơm”, nhóm đã thể hiện bằng cách kết hợp giữa đàn bầu với tiết tấu beatbox.
Tiêu biểu hơn với tiết mục cover nhạc phim “Mắt biếc”, Cầm Ca đã nhận về gần 4.000 lượt yêu thích, hơn 1.000 bình luận và hàng trăm lượt chia sẻ trên fanpage chính thức của bộ phim. Với một tác phẩm viết về tình yêu mộc mạc gắn với làng quê Việt Nam, còn gì có thể tuyệt với hơn được thể hiện trên chính chất liệu dân gian với tiếng sáo trúc, tiếng đàn bầu,… Tuy chưa thật sự chuyên nghiệp, nhuần nhuyễn nhưng xuyên suốt quá trình, từ khâu phối hòa thanh, chia câu, bè đến chuyển giọng đều được Cầm Ca đặt trọn tâm huyết.
Cầm Ca đã có hàng trăm bản hòa tấu, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa nhạc cụ dân tộc và phương Tây.
Cùng chung hướng đi với câu lạc bộ Cầm Ca, câu lạc bộ Nhạc Cụ Truyền Thống – FTIC cũng đã thành công trong việc kết duyên giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Bằng việc tận dụng mạng xã hội Tiktok để tìm kiếm những bài hát bắt Trend, sau đó biến tấu chúng cùng các loại nhạc cụ dân tộc nhằm cho ra đời một bản cover đầy màu sắc. Phải kể đến những tiết mục cover các ca khúc đình đám nhất hiện nay: “Waiting For You”, “Bên trên tầng lầu”,.. đã nhận về sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả.
“Việc thực hiện những bản cover mới lạ, ban đầu đối với nhóm không hề đơn giản. Tuy nhiên được sự giúp đỡ của thầy cô tổ bộ môn Âm nhạc truyền thống tại trường Đại học FPT, nhóm dần tiếp cận và thành công trong việc đưa thêm nhạc cụ hiện đại, sáng tạo các giai điệu mới nhưng vẫn giữ được chất liệu truyền thống vốn có. Quan trọng hơn cả, chúng em muốn mang tới một làn gió mới cho âm nhạc truyền thống, giúp công chúng gần gũi hơn với nhạc cụ dân tộc” – Chủ nhiệm câu lạc bộ Nhạc Cụ Truyền Thống chia sẻ.
Câu lạc bộ Nhạc Cụ Truyền Thống – FTIC cũng đã thành công trong việc kết duyên giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại.
Trân trọng và phát huy những sáng tạo
Nhạc cụ truyền thống hay âm nhạc dân tộc cũng như bao dòng nhạc khác, có người hợp, người không. Nhưng đã là văn hóa, là nguồn cội thì mỗi người nên chung tay nâng cao ý thức bảo vệ, phát triển, giữ gìn di sản của đất nước một cách trọn vẹn. Nhìn nhận một cách khách quan, PGS – Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cho rằng lớp trẻ đang đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, duy trì di sản trong đời sống hiện đại.
PGS – Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc.
Theo PGS – Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, cách tiếp cận âm nhạc truyền thống của người trẻ như trên thực chất là sự sáng tạo. Ông cho rằng không có thời đại nào mà không có sáng tạo văn hoá ở thời đại đó. Đời sống vận động, nghệ thuật cũng vận động theo. Những sáng tạo của lớp trẻ ngày nay thực sự rất đáng trân trọng:
“Tôi đánh giá cao những sáng tạo của thế hệ trẻ ngày nay bởi không có con người nào, không có dân tộc nào là không có sáng tạo. Tuy nhiên, dù là người trẻ hay bất kỳ ai cũng cần phân định rõ ranh giới giữa việc bảo tồn cổ truyền và sáng tạo cái mới.
Lớp trẻ hiện nay đang thực hiện sứ mệnh của mình là sáng tạo. Việc sáng tạo này nên được trân trọng và phát huy. Để làm được điều đó, chúng ta cần đến những cuộc tổ chức trình diễn, nhằm nhân rộng các sáng tạo vào cuộc sống. Khi ấy, chính khán giả sẽ là những người đánh giá, cho họ biết kết quả sáng tạo của họ đến đâu” – PGS – Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan bày tỏ.
Một bộ phận giới trẻ ngày nay đã thực sự ý thức được sứ mệnh trong việc tiếp tục bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị tinh hoa của âm nhạc truyền thống. Mong rằng thời gian tới, sẽ còn nhiều hơn nữa các câu lạc bộ, hội nhóm và các bạn trẻ cùng nhau hoà chung niềm đam mê. Để tình yêu âm nhạc truyền thống được lan toả, để cho những tiếng đàn không bay đi vô nghĩa và để những thanh âm còn vang mãi ngàn năm.