Khi nào trẻ mầm non, lớp 1 đến 6 ở Hà Nội được trở lại trường?
Hà Nội đã qua đỉnh dịch, thuận lợi đón học sinh trở lại trường
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến 18h ngày 1/4, trên địa bàn thành phố ghi nhận 7.734 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.076 ca cộng đồng và 5.658 ca đã cách ly. Sau khi đạt đỉnh với mức 32.650 F0/ngày, số ca mắc mới của Hà Nội đã liên tục giảm và qua đỉnh dịch. Thành phố hiện có 193.879 bệnh nhân đang điều trị, cách ly tại nhà; 199 ca ở mức nặng, nguy kịch.
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu hạ nhiệt và được kiểm soát. Nếu như đầu tháng 3/2022, số ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh, thậm chí có ngày ghi nhận số mắc kỷ lục (hơn 32.600 ca trong ngày 8/3) thì nay đã hạ nhiệt còn khoảng 9.000 ca/ngày. Cùng với đó, người bệnh được sử dụng thuốc kháng virus sớm, giảm tỉ lệ nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19.
Trong khi đó, ngày 1/4, theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 31/3, Hà Nội hiện có 193.879 bệnh nhân đang điều trị, cách ly tại nhà. 156 F0 được điều trị tại khu cách ly; 1.254 bệnh nhân tại các bệnh viện. Thành phố có 159 bệnh nhân COVID-19 ở mức độ nhẹ và không triệu chứng; 896 ca ở mức độ trung bình; 199 ca ở mức nặng, nguy kịch.
Trong số các ca nặng nguy kịch có 169 ca phải thở mặt nạ oxy, gọng kính; 3 ca phải thở oxy dòng cao HFNC; 12 ca thở máy không xâm lấn; 15 ca phải thở máy xâm lấn. Số F0 phải nhập viện và F0 nặng, nguy kịch tại Hà Nội đang giảm dần trong thời gian gần đây. Hiện tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội chỉ khoảng 0,1% tổng số ca đang theo dõi, điều trị.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đã qua đỉnh dịch. Ảnh minh họa.
Ngày 30/3 là ngày thứ ba liên tiếp Hà Nội không ghi nhận ca mắc COVID-19 tử vong trong nhiều tháng gần đây. Đến nay, tổng số người tử vong do COVID-19 (từ 27/4/2021 cho đến nay) tại Hà Nội là 1.320 người.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, trong quý II/2022, thành phố tiếp tục tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện tiêm mũi vaccine nhắc lại đối với những trường hợp đã tiêm mũi 2 và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi khi Bộ Y tế phân bổ vaccine.
Khác với Hà Nội, nhiều tỉnh thành cho trẻ mầm non, học sinh lớp 1 đến 6 đi học trở lại từ đầu tháng 4
UBND tỉnh Hà Nam quyết định cho trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trên địa bàn tỉnh đi học trực tiếp tại trường từ ngày 1/4. UBND tỉnh giao sở GD&ĐT phối hợp sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức cho trẻ mầm non, học sinh, đi học trực tiếp bảo đảm an toàn, thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, từ ngày 23/2, do số ca mắc COVID-19 tăng cao, toàn bộ trẻ mầm non ở Hà Nam tạm nghỉ học, học sinh tiểu học và lớp 6 tạm dừng việc học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến.
Tại Phú Thọ, Sở GD&ĐT thông báo từ ngày 4/4, học sinh thuộc các bậc học từ mầm non, tiểu học, THCS cho đến THPT sẽ trở lại trường học trực tiếp.
Tại Điện Biên, các trường bậc mầm non và tiểu học tại thành phố Điện Biên Phủ sẽ mở cửa trở lại từ ngày 4/4. Trong khi đó, học sinh THCS ở đây chuyển sang học trực tiếp từ 30/3.
Trước đó, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, UBND tỉnh Điện Biên cho 18 cơ sở giáo dục tại Điện Biên Phủ tạm dừng đến trường từ ngày 22/2 để chuyển hình thức học phù hợp.
Tại Ninh Bình, Sở GD&ĐT Ninh Bình quyết định cho bậc tiểu học đi học trở lại từ ngày 4/4. Tùy điều kiện thực tế, các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và có thể cho học sinh ăn bán trú.
Sở nhấn mạnh giáo viên quan tâm sát sao việc học tập của học sinh, phân loại học sinh theo mức độ nắm vững kiến thức, nhất là các nội dung không được học trực tiếp, để tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung các nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh.
Học sinh tiểu học ở tỉnh này chuyển sang học trực tuyến từ ngày 21/2 do mưa rét. Sau đó, ngày 24/2, Sở GD&ĐT ra văn bản về việc tiếp tục tạm dừng đến trường đối với học sinh tiểu học do tình hình dịch COVID-19.
Trẻ mầm non, học sinh lớp 1 đến 6 ở nhiều địa phương đã đi học trở lại. Ảnh minh họa.
Tại Nghệ An, theo văn bản hướng dẫn về kế hoạch dạy học của tỉnh trong giai đoạn mới do Sở GD&ĐT đưa ra, từ ngày 4/4, học sinh thuộc các bậc học từ mầm non, tiểu học, THCS cho đến THPT sẽ trở lại trường học trực tiếp. Để đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường, Sở GD&ĐT Nghệ An yêu cầu các cơ sở giáo dục cần điều chỉnh chương trình chăm sóc, dạy học để đảm bảo kế hoạch năm học.
Với giáo dục phổ thông, các trường cần tiếp tục rà soát để bổ sung thiết bị thu phát, đường truyền, bố trí bộ phận kỹ thuật hỗ trợ các tiết dạy ở lớp học trực tuyến – trực tiếp khi có học sinh, giáo viên thuộc diện phải cách ly y tế. Sở GD&ĐT Nghệ An lưu ý tập trung ôn tập cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đảm bảo kiến thức, kỹ năng để tham gia các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm 2022.
Có nhất thiết phải chờ tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19 mới cho trẻ trở lại trường?
Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS. Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non; không nên chờ tiêm vaccine mới cho trẻ đến trường.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm…
“Phần lớn trẻ em nhiễm COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ, nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học. Vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, khi người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu ở trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà”, PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết.
Như vậy, lý do “phải tiêm được vaccine mới yên tâm đưa trẻ đến trường” của Hà Nội liệu có cứng nhắc không khi thời gian của năm học 2021-2022 không còn nhiều.
Đồng quan điểm, TS tâm lý Nguyễn Thị Nga, Trung tâm nghiên cứu tâm lý vị thành niên Hà Nội cảnh báo, trẻ ở nhà quá lâu sẽ gặp nhiều rào cản như: mất kỹ năng, nề nếp do ở nhà lâu, không có động cơ tham gia được vào bất cứ hoạt động nào khi đi học… Thậm chí, một số em hành vi, cảm xúc mất kiểm soát là hệ quả của tổn thương sức khỏe tâm thần. Do đó, cần cho trẻ hòa nhập cộng đồng, được vui đùa đúng với sở thích, năng lượng vốn có như trước đây, bà Nga nói.
Hầu hết các địa phương trên cả nước đều cho trẻ từ 5-11 tuổi đi học dù chưa được tiêm vaccine COVID-19, trong đó có TP Hồ Chí Minh. “Việc Hà Nội chưa quyết định thời gian cho trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường với lý do chờ tiêm vaccine là không thuyết phục và quá thận trọng”, tiến sĩ Nga nói.
Dịch COVID-19 ‘hạ nhiệt’, nhiều phụ huynh và thầy cô mong trẻ trở lại trường
Đường phố Hà Nôi những ngày cuối tháng 3/2022 đã đông đúc trở lại. Cảnh tắc đường thường thấy như thời điểm trước dịch COVID-19 xuất hiện và tình trạng tắc nghẽn ngày một trầm trọng hơn. Điều nay cho thấy, nhịp sống ‘bình thường cũ’ đã trở lại hối hả.
Ghi nhận trong buổi sáng 23/3, tại Ngã Tư Sở, hàng dài xe cộ nối đuôi nhau. Ảnh: Dân Trí
Sau khi nhận được thông báo từ cơ quan về việc trở lại làm việc bình thường, trong khoảng 1 tháng qua, gia đình anh Nguyễn Minh Khoa (Kim Ngưu, Hai Bà Trung, Hà Nội) đã phải làm quen với việc vừa thu xếp lịch làm việc và lịch nghỉ đan xen để hai vợ chồng có thể thay nhau hướng dẫn cùng con học trực tuyến. Việc mua sắm thiết bị học online với vợ chồng anh Khoa không phải là vấn đề lớn như nhiều gia đình ở các địa phương khác nhưng việc kèm cặp hai con nhỏ học lớp 3 và lớp 6 học tập theo lịch của nhà trường khi hai con chưa được tới trường là bài toán nan giải. Nhiều trường hợp, anh Khoa buộc phải xin nghỉ phép để ở nhà trông con nhỏ khi không thể sắp xếp được thời gian biểu.
“Tôi và vợ thay phiên nhau nghỉ 1 buổi làm để cùng 2 con hoàn thành bài tập khi học trực tuyến. Nhiều hôm cả hai vợ chồng có lịch làm việc đột xuất nhưng không thể tới cơ quan vì không yên tâm cho 2 con nhỏ ở nhà một mình. Ngoài việc cơm nước, an toàn cho các con là trên hết. Nhiều vụ việc các cháu ở nhà bị điện giật hoặc bị ngã do đùa nghịch nên vợ chồng tôi quyết định vẫn phải ưu tiên dành thời gian cho các con. Dĩ nhiên, điều này ảnh hưởng tới công việc”, anh Khoa chia sẻ.
Trong khi đó, theo ghi nhận ý kiến của nhiều thầy cô giáo, đặc biệt là các giáo viên mầm non, các giáo viên cũng mong mỏi chào đón các em học sinh trở lại trường khi mà tình hình COVID-19 đã không còn căng thẳng như thời gian trước đây. Việc các em nhỏ đến lớp, được các thầy cô hướng dẫn, giảng dạy, kèm cặp trực tiếp, theo quan điểm của nhiều người, sẽ có nhiều ưu điểm và hiệu quả hơn so với việc dạy trực tuyến.
Tính từ tháng 4/2021 đến nay, học sinh mầm non, lớp 1 đến lớp 6 ở nội thành Hà Nội chưa một ngày được đặt chân đến lớp trong khi học sinh tại nhiều địa phương trên cả nước đã được đến trường. Cụ thể, từ 10/2/2022, chỉ học sinh tiểu học, lớp 6 ngoại thành được đến trường nhưng đến 28/2/2022, tức là chỉ khoảng hơn 2 tuần sau đó, các em học sinh tiểu học, lớp 6 ngoại thành được thông báo chuyển sang học trực tuyến. Học sinh mầm non của Thủ đô chưa được tới trường kể từ thời điểm nghỉ lễ 30/4-1/5 năm ngoái.
Về vấn đề cho học sinh đi học, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, Sở đang phối hợp với Sở Y tế chuẩn bị các phương án tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, sau khi triển khai tiêm vaccine cho lứa tuổi này đơn vị sẽ lên kế hoạch mở cửa trường trở lại, đảm bảo an toàn cho học sinh. Sở chưa có phương án đề xuất thời gian cho trẻ khối mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!