Khi nào tôi có căn cước công dân gắn chip?
Người dân làm căn cước công dân gắn chip điện tử tại Công an phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM – Ảnh: T.TRUNG
Sau bài viết “Chờ lấy căn cước công dân cả năm trời, hỏi thì công an nói làm lại” đăng ngày 18-6, báo Tuổi Trẻ tiếp tục nhận được hàng loạt ý kiến phản hồi từ bạn đọc về tình trạng không rõ thời hạn trả, chậm trả hoặc có sai sót nhưng không được thông báo bổ túc hồ sơ làm căn cước công dân gắn chip.
Điệp khúc “chờ thêm” và “làm lại”
Tháng 10-2021, chị Trần Ngọc Thiên Ân (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) đi làm căn cước công dân tại Công an phường Linh Đông và được hẹn 3 tháng sau sẽ có. Điều khá đặc biệt là thời điểm chị Ân làm căn cước công dân đã được cảnh sát khu vực vận động đi làm lúc 1h sáng.
Khi ấy, chị hoàn tất đầy đủ các bước và đóng 15.000 tiền chụp hình, 30.000 đồng tiền bưu điện gửi căn cước công dân về nhà nhưng trong giấy hẹn công an trả chỉ nói là “3 tháng sau” mới trả thẻ.
Sau 3 tháng chị vẫn không thấy căn cước công dân đâu, hỏi công an khu vực thì được chỉ lên công an phường. Sau khi chị Ân ra công an phường mới giật mình khi được nghe câu trả lời “sót rồi, đi làm lại đi”.
“Công an yêu cầu phải có mã số định danh cá nhân mới làm được. Hỏi công an khu vực, anh ấy kêu ra phường lấy, lên phường thì nói về lại hỏi công an khu vực”, chị Ân bức xúc.
Tương tự, chị Thái Huỳnh Như (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cùng 3 người khác trong gia đình đi làm căn cước công dân từ tháng 3-2021 ở Công an phường Bình Chiểu và cũng gặp phải điệp khúc hẹn “3 tháng sẽ có”.
Lúc ấy, 4 người phải đóng 120.000 đồng tiền bưu điện gửi thẻ về nhà. Nhưng đến nay hơn một năm trôi qua, cả 4 người vẫn chưa có căn cước công dân. Do chờ quá lâu nên chị Như đến Công an phường Bình Chiểu hỏi thì nhận được câu trả lời “để lục lại”. Chị nói: “Đi tới đi lui rất tốn thời gian, mất công sức mà chỉ nhận được câu trả lời để lục lại. Tôi rất nản”.
Hay như trường hợp của chị Võ Thị Hiền (31 tuổi, tạm trú phường Linh Xuân, TP Thủ Đức) làm căn cước công dân từ 27-5-2021 tại Công an phường Linh Xuân. Đúng hẹn, chị gọi cho công an khu vực hỏi thì được hướng dẫn lên công an phường, khi chị đến công an phường nhận được câu trả lời “chờ thêm”.
Chờ đến tháng 4-2022, chị được hướng dẫn lên Công an TP Thủ Đức (số 9 xa lộ Hà Nội, phường Hiệp Phú), lần này chị được công an trả lời “không có dữ liệu phải làm lại”. “Công an nói một là về quê làm lại, hai là đăng ký làm lại ở đây. Tôi chờ dài cổ hơn 1 năm mà giờ bắt làm lại, nản không muốn làm nữa”, chị Hiền than phiền.
Nếu phát hiện sai sót về thông tin trong hồ sơ tiếp nhận của người dân thì cơ quan công an phải có trách nhiệm nhanh chóng thông tin hoặc trả lại hồ sơ để người dân biết kịp thời điều chỉnh theo yêu cầu. Không thể im im để người dân chờ quá lâu.
Luật sư Hứa Thị Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM)
Căn cước công dân chậm ngày nào, dân khổ ngày đó
Do chưa có căn cước công dân nên người dân gặp không ít khó khăn khi thực hiện các thủ tục, giao dịch nhất là khi chứng minh nhân dân hết hạn.
“Tôi làm công nhân. Mỗi lần lên cơ quan công an hỏi hay đi làm căn cước công dân phải xin nghỉ việc, rất mất thời gian, công sức. Giờ không có căn cước công dân sẽ khó khăn khi tôi muốn xin việc hay ra ngân hàng gửi tiền”, chị Hiền bày tỏ.
Tương tự, ông L.T.L. (tạm trú Gò Vấp) làm căn cước công dân từ tháng 5-2021 đến nay đang phải làm lại từ đầu do không có dữ liệu. Ông L.T.L. cho hay ông kiếm sống bằng nghề làm dịch vụ thuê cho khách hàng.
Đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với ngân hàng, kho bạc để đóng các loại thuế, phí theo ủy quyền của khách hàng. Các giao dịch này cần phải có căn cước công dân nếu không sẽ không thể thực hiện được.
“Chứng minh nhân dân của tôi sẽ hết hạn vào đúng ngày 1-7-2022. Bây giờ phải đi làm lại căn cước công dân thì không biết phải chờ bao lâu. Tôi băn khoăn có nên quay về tỉnh nơi tôi thường trú để làm căn cước công dân hay không”, ông L.T.L. nói.
Theo một cán bộ Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM, hiện có tình trạng bị lỗi dữ liệu hoặc các lỗi phát sinh trong quá trình tiếp nhận hồ sơ làm căn cước công dân dẫn đến việc chậm cấp căn cước công dân.
Một lãnh đạo Công an TP Thủ Đức cho biết trục trặc dẫn đến chậm trả hoặc phải làm lại căn cước công dân do trong quá trình người dân kê khai sai sót thông tin, sai chính tả, phải nhập lại dữ liệu mới làm được căn cước công dân.
Mới đây, Công an TP Thủ Đức đã có thông báo về các trường hợp người dân chưa được cấp căn cước công dân do mờ vân tay, sai cấu trúc mã số định danh… Những trường hợp này cảnh sát khu vực hoặc Công an TP Thủ Đức sẽ thông báo trực tiếp để làm hồ sơ khắc phục.
Làm hai lần vẫn chưa được
Trong số những người dân gặp khó về căn cước công dân, trường hợp bà Võ Thị Diệu (40 tuổi, ngụ phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức) khá đặc biệt khi làm đến hai lần vẫn chưa có căn cước công dân.
Từ tháng 4-2021, bà Diệu đến làm căn cước công dân tại Công an phường Bình Chiểu và nhận được giấy hẹn 3 tháng sau quay lại lấy. Hết 3 tháng bà nhận được câu trả lời phải làm lại do sai thông tin.
Đến tháng 12-2021, bà tiếp tục cất công đi làm lại và cũng được hẹn 3 tháng. Chờ mãi đến tháng 6-2022 bà tiếp tục lại nhận được câu trả lời chưa có dữ liệu và yêu cầu bà làm lại.
Khám bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip: Tiện lợi nhưng chưa đồng bộ dữ liệu