Khi nào giáo viên bị cắt phụ cấp trách nhiệm?

Trả lời:

Theo quy định tại Thông tư 05/2005/TT-BNV của Bộ nội vụ ngày 5 tháng 1 năm 2005 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc đối với cán bộ, công chức viên chức thì phụ cấp trách nhiệm công việc áp dụng đối với cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trả lương của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, do tính chất, đặc điểm của nghề hoặc công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc đảm nhiệm công tác quản lý nhưng không thuộc chức danh lãnh đạo do bầu cử và do bổ nhiệm (không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo).

Mức 2, hệ số 0,3 (mức phụ cấp trách nhiệm công việc) áp dụng đối với:

– Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thuộc biên chế trả lương của các trường chuyên biệt;

– Giáo viên được cử làm Tổng phụ trách (chuyên trách và bán chuyên trách) Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở trường phổ thông hạng I;

Cách chi trả phụ cấp trách nhiệm công việc được tính như sau:

– Phụ cấp trách nhiệm công việc được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội;

– Khi không làm công việc có quy định hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc từ một tháng trở lên thì không được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc.

Như vậy chỉ khi bạn không còn làm công việc có quy định hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc từ một tháng trở lên thì bạn mới không được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc.

Cũng theo quy định tại Điều 7 Thông tư 27/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và cử giáo viên làm tổng phụ trách đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì giáo viên làm Tổng phụ trách Đội được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Pháp luật và các quy định tại các văn bản sau:

– Thông tư số 05/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức.

– Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông.

– Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 07 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Như vậy nếu bạn kiêm nhiệm giáo viên được cử Tổng phụ trách và cán bộ quản lý giáo dục thuộc các trường hợp trên thì được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,3 cho mỗi vị trí.

Cũng theo quy định tại Thông tư 05/2005/TT-BNV của Bộ nội vụ ngày 5 tháng 1 năm 2005 hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc đối với cán bộ, công chức viên chức thì nguồn kinh phí chi trả phụ cấp trách nhiệm công việc đối với các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, phụ cấp trách nhiệm công việc do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị; còn đối với các đối tượng thuộc cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, phụ cấp trách nhiệm công việc do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ.

Do đó, bạn có thể xem lại vị trí công việc của mình tại trường và làm việc với trường căn cứ các hướng dẫn ở trên để được hưởng chế độ phụ cấp phù hợp với quy định. 

Xem thêm: Mức phụ cấp trách nhiệm công việc mới nhất hiện nay