Khi nào cần cắt bao quy đầu?
Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức) thường xuyên tiếp nhận những ca tai biến do cắt bao quy đầu tại các cơ sở y tế không có uy tín chuyển đến. Người bệnh thường nhập viện trong tình trạng chảy máu, nhiễm trùng, vết thương khó liền… Mới đây, Trung tâm tiếp nhận bệnh nhân B.M.H (35 tuổi ở Hải Phòng) đến khám với tình trạng chảy máu dương vật. Sau khi thăm khám, bác sĩ đã xác định được vị trí chảy máu liên tục từ vết cắt bao quy đầu.
Trước đó, Trung tâm Nam học cũng tiếp nhận một trường hợp nam thanh niên 24 tuổi đến khám với vẻ mặt rất đau đớn, dương vật sưng nề và tụ máu rất nhiều. Qua thăm khám và khai thác thông tin, bệnh nhân cho biết đã đi khám và cắt bao quy đầu bằng máy tại một phòng khám tư nhân. Sau một ngày, bệnh nhân có biểu hiện đau tức dương vật và thấy sưng nề bất thường nên đã đi khám lại và được chuyển đến Trung tâm Nam học để thăm khám và điều trị.
Hình ảnh phẫu thuật cắt bao quy đầu.
Chỉ định phẫu thuật cắt bao quy đầu khi nào?
BS. Bùi Văn Quang (Trung tâm Nam học – Bệnh viện Việt Đức) cho biết: Không phải trường hợp nào khi đi khám nam học cũng đều được chỉ định phẫu thuật cắt bao quy đầu. Đối với trẻ nhỏ là nam thường có hẹp bao quy đầu sinh lý, những trường hợp này hàng ngày khi tắm bố mẹ có thể lộn ra, dần dần rồi bao quy đầu sẽ trở lại bình thường chứ không cần phải cắt. Chỉ trong trường hợp hẹp khít bao quy đầu và không thể lộn được thì mới có chỉ định cắt bao quy đầu.
Đối với nam giới ở tuổi trưởng thành, chỉ có chỉ định phẫu thuật cắt bao quy đầu khi có hẹp bao quy đầu. Tức là khi bao quy đầu không thể lộn ra được, gọi là hẹp khít bao quy đầu. Hoặc trong trường hợp có hẹp khi cương, tức là bao quy đầu khi dương vật khi ở trạng thái xìu vẫn có thể lộn ra được như người bình thường. Nhưng khi cương lên thì nó tạo ra 1 vòng thắt làm cho bệnh nhân rất đau. Lúc này bác sĩ sẽ có chỉ định cắt bao quy đầu, gọi là cắt bao quy đầu tuyệt đối.
Với trường hợp bao quy đầu dài hơn bình thường một chút, không đau khi cương thì không có chỉ định cắt bao quy đầu. Những trường hợp dài bao quy đầu chỉ có chỉ định cắt bao quy đầu khi bệnh nhân bị viêm đi viêm lại nhiều lần, điều trị nội khoa hay bị tái phát.
Một số bệnh nhân đến khám, cắt bao quy đầu để trị xuất tinh sớm. Nhưng theo bác sĩ Quang, cắt bao quy đầu không phải là phương pháp dùng để điều trị xuất tinh sớm.
Không nên thực hiện phẫu thuật cắt bao quy đầu tại các cơ sở y tế không uy tín vì có thể gây ra biến chứng như: Giảm vĩnh viễn cảm giác ở vùng đầu dương vật; Đau quanh vết sẹo; Sẹo xấu, co rút gây đau.
Những phương pháp cắt bao quy đầu
Hiện cắt bao quy đầu có hai phương pháp, đó là phương pháp thông thường và phương pháp cắt bằng máy. Cả hai phương pháp đều có những ưu và nhược điểm khác nhau, không có phương pháp nào là tuyệt đối.
Cắt bao quy đầu bằng máy: Sẽ sử dụng máy để cắt bao quy đầu và có ghim để ghim lại vết cắt, không cần khâu như phương pháp thông thường. Ưu điểm của phương pháp này là thời gian phẫu thuật nhanh, sẹo của vết mổ sẽ đẹp hơn. Nhưng phương pháp này có nhược điểm, đó là không phải bệnh nhân nào cũng có thể chỉ định cắt bao quy đầu bằng máy được, ví dụ như trường hợp dính da quy đầu quá nhiều…; chi phí cũng sẽ cao hơn. Trước đây còn có trường hợp ghim không tự bong ra và bệnh nhân lại phải làm tiếp thủ thuật để gỡ ghim khiến bệnh nhân khó chịu.
Đối với phương pháp thông thường, ưu điểm là có thể thực hiện tất cả các ca phẫu thuật đối với các trường hợp được chỉ định cắt bao quy đầu, chi phí rẻ hơn so với cắt bằng máy. Tuy nhiên, thời gian phẫu thuật sẽ lâu hơn so với phương pháp phẫu thuật bằng máy.
Chăm sóc sau phẫu thuật cắt bao quy đầu
Trong phẫu thuật cắt bao quy đầu, bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc uống tại nhà để giảm đau, giảm sưng. Trong khoảng 3 ngày sau khi cắt, có thể cảm thấy đau nhẹ hay sưng nhẹ xung quanh đầu dương vật. Lúc này có thể bôi chất giữ ẩm vào vùng quy đầu để tránh vùng quy đầu mới được bộc lộ bong tróc da khô và giảm cọ sát giữa vùng đầu dương vật còn đang nhạy cảm với đồ lót.
Cần giữ vết thương khô trong 24 tiếng sau tiểu phẫu. Tại nhà, người bệnh cần quấn băng ép nhẹ để hỗ trợ cầm máu vết thương. Nếu băng gạc có nhiều máu, dịch tiết, có nước tiểu thấm hoặc bị rơi ra, người bệnh cần rửa sạch vết thương và thay băng mới. Nếu gạc bị dính chặt vào vết thương, người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước sạch làm mềm băng gạc và các chất thấm trước khi tháo bỏ gạc cũ. Không cố gắng dùng lực để kéo băng gạc ra khỏi vết thương vì có thể gây chảy máu và đau đớn.
Khi có biểu hiện hẹp bao quy đầu cần đi khám tại các cơ sở y tế có uy tín để được tư vấn và chỉ định thích hợp.
Người bệnh có thể tự thay băng tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế chăm sóc vết thương cho đến khi vết thương khô, thường trong khoảng 5 ngày.
Nên mặc trang phục rộng rãi, khô thoáng, đặc biệt trong 2-3 ngày đầu để thoáng khí và tránh vết thương đau do cọ sát vào quần áo.
Có thể tắm rửa với nước sạch và xà phòng 1 ngày sau tiểu phẫu cắt da bao quy đầu. Tuy nhiên, không sử dụng xà phòng, sữa tắm có nhiều hương liệu vì có thể gây kích ứng, tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương. Sau khi tắm cần lau khô vết thương nhẹ nhàng bằng khăn sạch, mềm, thấm hút. Không sử dụng bông gòn hoặc khăn giấy vì dễ dính vào vết thương. Để tránh phù nề, người bệnh có thể băng cố định dương vật lên bụng. Tránh để nước tiểu thấm ướt băng vết thương, nếu băng ướt cần rửa sạch vết thương và thay băng mới.
Khi da bao quy đầu đã lành, vệ sinh vùng quy đầu mỗi ngày với xà phòng và nước sạch khi tắm.
Đặc biệt, người bệnh cần đợi cho vết cắt bao quy đầu lành hẳn mới bắt đầu có quan hệ tình dục trở lại. Tốc độ lành vết thương tùy thuộc vào mỗi người, thông thường mất khoảng 4 tuần. Vùng da quy đầu rất nhạy cảm, sau tiểu phẫu các tổ chức dưới da lỏng lẻo đang tổn thương, nếu quan hệ tình dục hoặc kích thích cương sớm có thể làm rách vết thương, chảy máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng, vết thương chậm lành.
Khi cắt bao quy đầu, có thể đau, sưng, bầm nhẹ xung quanh đầu hoặc thân dương vật. Nhưng nếu đã dùng thuốc mà vết thương vẫn còn đau, sưng, có mùi hôi hoặc dịch tiết đục cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị sớm vì đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Quý ông lo lắng vì bao quy đầu mãi không chịu “cởi mũ”
Xem thêm video đang được quan tâm:
Giải mã những thắc mắc về lần đầu quan hệ tình dục