Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen yêu thương người khác
Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen yêu thương người khác
Hôm nay mình sẽ review cuốn sách khiến mình trăn trở rất nhiều: “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” Về tác giả: Đây là…
LittleSwift
25 tháng 6 2021
Hôm nay mình sẽ review cuốn sách khiến mình trăn trở rất nhiều: “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”
Về tác giả:
Đây là lần thứ hai mình đọc sách của chú Giang. Cuốn đầu tiên là “Thiện, ác và Smartphone”, nó đem đến một cái nhìn trần trụi về việc con người độc ác như thế nào khi họ không phải chịu trách nhiệm trước lời nói của mình. Cuốn sách này cũng vậy, một sự độc ác vô tri nhưng lại đáng thương vì ngay cả hung thủ còn không nhận thức được điều ác mình đang gây ra cho chính những người mà họ yêu thương chứ không phải là những người trên mạng như cuốn sách trước.
Những vấn đề mà tác giả đưa ra đều rất xã hội. Nó gần gũi, chân thật và rõ ràng là có một sự ảnh hưởng, tác động lớn ở xã hội Việt Nam đương thời. Mình thích cái cách mà tác giả dùng lời văn, con chữ của mình để lên án xã hội như cái cách mà người anh hùng dùng vũ khí để chống lại các thế lực xấu trong mấy phim Marvel. Đan xen với những sự chỉ trích nặng nề, đau đớn đó, ông vẫn đưa ra lối thoát, một giải pháp thực tiễn cho những vấn đề đó.
Về sách:
Sách được chia làm ba chương, mỗi chương là một dạng vết thương khác nhau nhưng nhìn chung, nó vẫn mang tính sát thương cao.
Với tên gọi “Thế giới vắng bóng người lớn”, phần đầu là nơi mà những người trẻ được tự do vẫy vùng câu chữ có phần nổi loạn của mình để thuật lại cuộc đời họ. Thoạt đầu mình thích lắm vì nó gần gũi, ít nhất là với cách nghĩ/tư duy của bản thân lúc này, khi ở cùng một độ tuổi, tụi mình đều có những phút bốc đồng, khao khát tự do, trải nghiệm thế giới. Các tình tiết trong sách sống động đến nỗi mình đã ước rằng mình là nhân vật đó, có thể được trải nghiệm cảm giác đó. Nhưng rồi, đằng sau những trải nghiệm bốc đồng đó là nỗi đau, nó tuôn ra qua từng con chữ khiến cổ họng mình nghẹn lại. Hoá ra giao tiếp bạo lực là có thật và nó vẫn ngày ngày ăn mòn nạn nhân, để lại một sự rỗng tuếch bên trong và họ phải tự dựng lên một vỏ bọc thô sơ, cứng cáp mà người ta vẫn hay gọi là quậy phá, hư hỏng.
Nguồn: Pinterest
Mình rất ấn tượng khi tác giả sắp xếp mục “Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen yêu thương người khác” trước mục “Chúng tôi đang đi với sự bất an vô bờ bến.” Nếu ở phần đầu quyển sách là những người trẻ luôn tiến về phía trước với sự rỗng tuếch bên trong thì phần hai hiện lên hình bóng của những người trẻ bước đi thật chậm vì phải mang trên vai trách nhiệm chăm lo cho cuộc sống của người khác. Họ là những đứa trẻ bị phụ huynh hoá, có sự yêu thương làm nền tảng nhưng lại khó có thể tiến xa vì phải đóng vai trò bạn đời thay thế cho ba hay mẹ mình. Khi không hiểu bản thân, con người ta khó mà có thể sống cho chính mình. Phải chăng đó chính là lý do khiến họ đã chênh vênh nay lại chênh vênh thêm trong những tháng ngày tuổi trẻ?
Ai đó đã từng nói: “Khi ta cho rằng ta đang hy sinh tất cả cuộc đời vì người khác, ta sẽ cảm thấy ta có đặc quyền khiến họ thực hiện những ý nguyện của ta trên danh nghĩa tình thương và sự ràng buộc”. Khi bạn là thế giới của ai đó, cuộc sống của bạn là của họ, những vui buồn trong cuộc sống của bạn đều ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Những quyết định mà bạn đưa ra, những cơ hội mà bạn đạt được hay những thứ mà bạn mong muốn trải nghiệm đều cần phải được cân nhắc- thật kỹ lưỡng. Vì hệ quả mà nó đem lại không chỉ ảnh hưởng đến mỗi cá nhân bạn mà còn đến người mà bạn rất thương-ba mẹ bạn- người mà bạn không bao giờ muốn họ bị tổn thương. Do đó, bạn sẽ có một cuộc sống chật hẹp, tù túng không phải vì không gian sống mà là bởi mối lo lắng, tình yêu thương và sự quan tâm của họ.
Nguồn: Pinterest
Đọc thêm:
Xin đừng biến bọn con thành “con nợ”
Bài viết gửi bởi Limitless trong mục Quan điểm – Tranh luậnspiderum.com
Ở đây, mình không lên án những tình cảm mà ba mẹ dành cho chúng ta, nó vô hại và ba mẹ của chúng ta cũng vậy. Họ yêu thương chúng ta một cách cảm tính đến mức nếu được, họ có thể sẽ sẵn sàng đứng ra chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm mà chúng ta gây ra. Nhưng như nhân vật ở mục 9 tâm sự: “Tôi rất yêu má, nhưng trớ trêu thay, tôi cũng muốn chạy xa khỏi má và đã từng căm ghét má”. Những cảm xúc đối lập này hiện lên như những xiềng xích, cầm tù chính người trong cuộc khiến họ phải thốt lên rằng: “Vì sao má không thể yêu mình như má yêu các con? Tại sao? Cái cách của má khiến mình có cảm giác mắc nợ, mình phải trả nợ.” Từ lúc nào mà tình yêu thương lại trở thành gánh nặng đến vậy? Phải chăng, chúng ta cần có một ranh giới cho tất cả, kể cả tình yêu.
Nếu tình thương được cho đi một cách vô bờ bến thì người nhận tình thương đó có lẽ sẽ chơi vơi hoặc tệ hơn là chết ngợp giữa biển cả yêu thương đó.
Ngoài những vấn đề nhức nhối mà người trẻ phải đối diện trong quá trình trưởng thành của họ, ở chương cuối mình thấy đâu đó hình bóng của sự tan vỡ từ những người đã từng trẻ – thế hệ phụ huynh. Phải chăng họ cũng đã từng là những người trẻ nhiệt huyết, căng tràn sức sống trước khi trở thành những cha mẹ độc hại? Những người này đáng thương hơn là đáng trách vì xét về bản chất thì họ cũng chỉ là nạn nhân. Căn nguyên của những đau khổ nêu trên là do đâu? Phải chăng là do một thế hệ không được là chính mình, không được sống cho chính bản thân mình. Để rồi khi thời gian trôi qua, thế hệ ấy trở thành những ông bố, bà mẹ mang trong mình tổn thương, vụng về tìm kiếm bản thân trong thế giới hậu tuổi thơ, trong thế giới của chính con mình. Họ ép buộc con cái sống theo ý mình, sống cho mình, cho cái cuộc sống mà mình muốn có được. Phải chăng tình yêu luôn là thứ vũ khí hiệu quả mà những bậc phụ huynh luôn dùng để bảo vệ cho sự vị kỷ của chính họ? Trên danh nghĩa tình yêu, họ xây lên những bức tường vô hình kiên cố để điều khiển, ra lệnh cho con cái sống cuộc đời mà họ mong muốn để bảo toàn sĩ diện của bản thân.
Nguồn: Pinterest
Đọc thêm:
Chúng ta nợ cha mẹ, nhưng có đáng bị đối xử như một “con nợ”
Bài viết gửi bởi mhngx201 trong mục Quan điểm – Tranh luậnspiderum.com
Tình yêu đối với họ luôn kèm theo điều kiện, những đứa con phải đáp ứng được những điều kiện mà họ đặt ra để có thể được yêu thương. Sẽ ra sao nếu con cái không thể đáp ứng được điều kiện đó và họ mong muốn được là chính mình? Chỉ có một lựa chọn: “nếu bố mẹ bắt tôi lấy chồng thì tôi sẽ tự tử trong đám cưới của mình”. Nếu không có sự thay đổi nào diễn ra thì vòng tuần hoàn tổn thương này sẽ kéo dài mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mãi mãi.
Nam Cao đã từng nói: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất…” Trong những trường hợp kể trên, không chỉ cá nhân những người trẻ gặp vấn đề tâm lý cần đi trị liệu mà ngay cả cha mẹ của họ cũng cần nhận được sự giúp đỡ từ nhà tham vấn. “Cái chân đau” của ba mẹ cần được chữa trị thì họ mới có thể sống cho chính mình để rồi cảm nhận được tình yêu từ chính cuộc sống đó. Và rồi họ sẽ yêu thương con cái mình như cách mà mình được yêu thương- một cách vô điều kiện.
Từ đồng cảm, mình đi đến giận dữ và rồi xót thương cho những số phận trong sách. Nhìn lại bản thân, bên cạnh việc mình cảm thấy biết ơn về những thứ đang có, đâu đó trong mình nổi dậy cái mong muốn được đồng hành, hỗ trợ và giúp đỡ những số phận trên. Có lẽ đó sẽ là những cuộc chiến hoặc là trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời mình. Ở cái tuổi mười tám, đôi mươi, mình cũng như bao bạn trẻ khác khi phải trải qua những ngày dài chênh vênh trên giảng đường, mông lung nghĩ về tương lai, về ý nghĩa của sự cố gắng hiện tại. Quyển sách đem đến cho mình một góc nhìn khác về cuộc sống, trần trụi, thô sơ với những nỗi đau nhưng lại chân thật đến từng tiếng nấc nghẹn ngào. Nó như một dấu hiệu, một hồi chuông nhắc nhở mình về con đường hiện tại mình đang đi. Một con đường dài nhiều chông gai và cần nhiều sự nỗ lực nhưng đích đến thì hoàn toàn xứng đáng.
Cảm ơn bạn vì đã đọc đến đây.
77
77
2300 lượt xem
LittleSwift
@NguyenThiYenNhi
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác