Khí hậu tỉnh An Giang? Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của An Giang
An Giang chịu ảnh hưởng của 2 mùa gió là gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc. Gió Tây Nam mát và ẩm nên gây ra mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Gió mùa Đông Bắc thổi vào An Giang xuất phát từ biển nhiệt đới phía Trung Quốc nên có độ ẩm lớn hơn, không tạo ra rét, mà chỉ hanh khô, có phần nắng nóng từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
Nhìn chung, thời tiết An Giang mưa thuận gió hòa, cơ bản thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
An Giang là một trong hai tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình vừa đồng bằng, vừa đồi núi.
Địa hình đồi núi có diện tích là 33 ha, chiếm gần 10% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố tập trung chủ yếu ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Trong dãy địa hình đồi núi này nổi bật lên là các ngọn núi như: núi Sam, núi cấm, núi Sập, núi Cô Tô… Các ngọn núi này được xem là nóc nhà của Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây còn được gọi là vùng Thất Sơn với bảy ngọn núi lớn: Núi cấm (Thiên Cẩm Sơn), Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Két (Anh Vũ Sơn), Núi Nước (Thủy Đài Sơn). Mỗi ngọn núi mang cho mình những nét đẹp riêng biệt không lẫn vào đâu được và đây cũng là địa danh du lịch nổi tiếng nhất ở An Giang.
Địa hình đồng bằng là toàn bộ phần đất còn lại với diện tích khoảng 305 nghìn ha, chiếm gần 90% diện tích của tỉnh và được chia làm hai khu vực:
+ Cù lao: gồm bốn huyện nằm kẹp giữa sông Tiền và sông Hậu (An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới).
+ Vùng Tứ giác Long Xuyên: Bao gồm thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc, các huyện Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn và phần đất thấp còn lại của hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
- Sông ngòi
An Giang có nhiều sông, kênh rạch ao hồ nối ngọn kết nguồn, rải đều trên những cánh đồng bạt ngàn chiếm 3/4 diện tích toàn tỉnh. Hai con sông Tiền và Hậu nằm sóng đôi giang vòng tay lớn ôm trọn vùng đất cù lao phù sa màu mỡ.
Ngoài các sông lớn, An Giang còn có một hệ thống rạch tự nhiên rải rác khắp địa bàn của tỉnh, với độ dài từ vài km đến 30km, độ rộng từ vài m đến 100m và độ uốn khúc quanh co khá lớn, chẳng hạn kênh 5 xã nơi địa đầu biên giới, kênh xáng Tân An, kênh Vĩnh An, Rạch Cần Thơ, rạch Cố Lao (Phú Châu), kênh Thần Nông, kênh Hòa Bình, rạch Thơm Rơm, rạch Cái Đầm, sông Vàm Nao (Phú Tân), rạch Ông Chưởng, rạch Cái Tàu, rạch Cái Nại, kênh Cà Mau (Chợ Mới) .v.v. .
- Tài nguyên thiên nhiên
An Giang có 37 loại đất khác nhau, hình thành 6 nhóm đất chính, trong đó chủ yếu là nhóm đất phù sa trên 151.600 ha, chiếm 44,5%. Phần lớn đất đai điều màu mỡ vì 72% diện tích là đất phù sa hoặc có phù sa, địa hình bằng phẳng, thích nghi đối với nhiều loại cây trồng.
Trên địa bàn toàn tỉnh có trên 583 ha rừng tự nhiên thuộc loại rừng ẩm nhiệt đới, đa số là cây lá rộng, với 154 loài cây quý hiếm thuộc 54 họ, ngoài ra còn có 3.800 ha rừng tràm. Động vật rừng An Giang cũng khá phong phú và có nhiều loại quý hiếm.
Nguồn lợi thủy sản trên hai con sông Tiền sông Hậu không nhỏ, và cùng với hệ thống kênh, rạch, ao, hồ đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi cá bè, ao hầm, tôm trên chân ruộng mà từ lâu nó đã trở thành nghề truyền thống của nhân dân địa phương – đây cũng là thế mạnh đặc trưng ở An Giang.
Ngoài ra, An Giang còn có tài nguyên khoáng sản khá phong phú.
Điều kiện tự nhiên thuận lợi là một yếu tố quan trọng giúp An Giang có một nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh với sản lượng lúa và thủy sản nước ngọt cao nhất nước.
Với những thế mạnh về đất đai và khí hậu An Giang được xem là tỉnh có tiềm năng du lịch nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, tham quan và du lịch hành hương. Là nơi thu hút nhiều du khách với những đặc trưng riêng biệt, vừa có đồng bằng, có rừng núi, có tài nguyên khoáng sản, những di tích lịch sử lâu đời mang dấu ấn của một nền văn hóa lúa nước cổ xưa.
Hiện nay, phát triển du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của An Giang, do đó tỉnh đang được tập trung đầu tư, khai thác để phát triển nhanh các khu di tích văn hóa lịch sử như: núi Sam (thị xã Châu Đốc); núi Cấm (huyện Tịnh Biên), đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn), văn hóa Óc Eo (huyện Thoại Sơn) và khu lưu niệm Bác Tôn. Ngoài ra, tỉnh còn có các khu điểm du lịch khác là khu du lịch hồ Soài So, khu du lịch Núi Tô (Tri Tôn), khu du lịch Núi Giài, khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên); cùng các lễ hội như: Dolta, đua bò của người Khmer diễn ra từ ngày 29/8 – 1/09 âm lịch hằng năm; Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer; lễ hội Ramadan của người Chăm diễn ra từ ngày 01/9-30/9…
Rừng Tràm Trà Sư – Khu rừng sinh thái đẹp nhất tại An Giang
Trên đây chúng tôi cung cấp tới các bạn đọc kiến thức về đặc điểm khí hậu, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của tỉnh An Giang. Hy vọng chúng sẽ bổ ích với các bạn khi đi du lịch hay học tập nghiên cứu về “vùng đất sơn kỳ thủy tú” An Giang. Thiên nhiên và con người ở An Giang không chỉ mang những nét đặc trưng của miền Tây Nam Bộ mà còn có những vẻ đẹp riêng biệt của mình. Tất cả đã tạo nên một mảnh đất bình dị, đơn sơ và mộc mạc không lẫn với bất kỳ nơi đâu. Vậy nên, mỗi khi về với An Giang, những người lữ khách phương xa lại cứ nao nao trong lòng, không khỏi thổn thức vì miền đất nơi đây.