Khàn tiếng ở trẻ em: Có điều trị hay không và cần chú ý gì

Nên làm gì khi bị khàn tiếng?Nên làm gì khi bị khàn tiếng?

SKĐS – Tôi làm công việc phải nói nhiều nên rất hay khàn tiếng. Bác sĩ tư vấn giùm khi bị khàn tiếng thì tôi nên làm gì cho nhanh khỏi?

Khàn tiếng ở trẻ em là gì? Vấn đề này có cần phải chú ý và điều trị hay không? Bài viết sau đây của PGS. TS. Phạm Thị Bích Đào – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giảng viên cao cấp bộ môn Tai Mũi Họng – Trường Đại học Y Hà Nội sẽ giải đáp các thắc mắc này.

Nhiều cha mẹ thấy con bị khàn tiếng nghĩ đơn giản, không cần chữa cũng có thể tự khỏi. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm. Cơ quan đảm nhận tiếng chính là thanh quản, đây là cấu trúc phức tạp đảm nhiệm nhiều chức năng như bảo vệ, hô hấp, nuốt và phát âm. Giọng nói được tạo ra bởi ba thành phần: Luồng hơi (phổi), rung dây thanh âm tạo ra âm thanh và bộ phận cộng hưởng cấu âm (hầu họng, vòm họng, lưỡi, vòm miệng, má và môi). Khi tính chất thanh của giọng thay đổi tức là dây thanh bị tổn thương.

Nguyên nhân và tiến triển khàn tiếng ở trẻ em

Nguyên nhân khàn tiếng ở trẻ em có nhiều nhưng trong đó thường do 3 nhóm nguyên nhân và có thể phối hợp với nhau đó là:

– Nhóm nguyên nhân 1: Viêm nhiễm tái diễn, không được điều trị kịp thời

– Nhóm nguyên nhân 2: Lạm dụng giọng không được phát hiện và tư vấn sớm

– Nhóm nguyên nhân 3: Một số bệnh lý đặc biệt như màng chân vị thanh quản, mềm sụn thanh quản, papilome (u nhú thanh quản).

Với trẻ nhỏ sau 6 tháng bú mẹ hoàn toàn, bước vào thời kỳ bắt đầu ăn dặm cũng là thời điểm hết miễn dịch từ mẹ, nên trẻ rất hay bị viêm nhiễm từ môi trường xung quanh để hình thành dần sức đề kháng cho chính mình.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, do tình trạng quá mẫn của cơ thể hoặc sức đề kháng của trẻ không đủ với độc tố của vi khuẩn, trẻ suy dinh dưỡng… mũi họng rất hay viêm.

Với các viêm nhiễm tai mũi họng rất hay tái phát. Nhiều khi điều trị không khỏi dẫn đến việc bố mẹ, người chăm sóc nản, cứ đợi khi nào nặng mới đến bác sĩ. Chính vì thế mà quá trình viêm nhiễm lan dần xuống thanh quản.

Trên cơ sở viêm đó, trẻ lại hay nói, hay khóc, hay hò hét… lâu dần dẫn đến khàn tiếng, lúc đầu là từng đợt sau đó nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời dẫn đến khàn tiếng vĩnh viễn, mức độ khàn ngày càng nặng dần, do bờ tự do các cơ dây thanh dầy dần, trương lực cơ giảm nên khép không kín khi phát âm, có thể dẫn tới các tổn thương thực thể như hạt xơ dây thanh, polip dây thanh, teo cơ dây thanh…

Khàn tiếng ở trẻ em: Có điều trị hay không và cần chú ý gì? - Ảnh 3.

Có nhiều nguyên nhân gây khàn tiếng ở trẻ em

Chẩn đoán bệnh khàn tiếng ở trẻ em bằng cách nào?

Sau khi khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ tiến hành nội soi thanh quản bằng ống cứng hoặc mềm. Có thể sử dụng hoạt nghiệm thanh quán cho phép kiểm tra độ rung động dây thanh và hoạt động đóng mở của dây thanh.

Việc chẩn đoán còn phụ thuộc vào hỏi tiền sử bệnh và thăm khám chi tiết chức năng phát âm, nghĩa là cách thức giọng, cấu tạo, theo dõi trương lực của các cơ ngoài cổ, sức nén của bụng, xuất thanh của giọng cứng, khám âm vực của giọng, cao độ trung bình của giọng nói khi trò chuyện…

Cần khám bổ sung bằng đo phế động khí tức là ghi lại các cử động hô hấp (vì sự tăng áp lực phát âm và dùng giọng sai thể hiện ra trước hết bằng các hoạt động hô hấp). Tuy nhiên, vấn đề thăm khám để phát hiện trẻ bị bệnh gặp nhiều khó khăn khi trẻ không hợp tác vì thế đôi khi nếu cần phải gây mê để soi thanh quản.

Khàn tiếng ở trẻ em: Có điều trị hay không và cần chú ý gì? - Ảnh 4.

Khi tính chất thanh của giọng thay đổi tức là dây thanh bị tổn thương

Điều trị khàn tiếng ở trẻ em ra sao?

Đối với đa số các trường hợp là điều trị bảo tồn:

Điều trị bệnh

– Điều trị thuốc bằng kháng sinh, chống viêm, chống phù nề trong trường hợp thăm khám xác định có hiện tượng viêm nhiễm.

– Với các trường hợp có hạt xơ, polip, u nang dây thanh…  mới cần can thiệp phẫu thuật (loại bỏ hạt xơ), tuy nhiên ngay cả khi đã phẫu thuật loại bỏ hạt xơ vẫn có thể tái phát. 

Nhiều nghiên cứu cho rằng, sau 15 tuổi do sự thay đổi của các hormon nội tiết, các hạt xơ này có thể tiêu đi, nếu chúng không biến mất mới cần thực hiện phẫu thuật.

Điều trị chức năng giọng nói

Trị liệu giọng nói với nhiệm vụ chính là uốn sửa cách phát âm, giải thích dần cho trẻ về tình trạng bản thân và hạn chế sử dụng giọng quá mức – tuy nhiên rất khó khăn và phải kiên trì.

Khàn tiếng ở trẻ em: Có điều trị hay không và cần chú ý gì? - Ảnh 5.

Trẻ hay nói, hay khóc, hay hò hét… lâu dần sẽ dẫn đến bị khàn tiếng

Phòng tránh bệnh khàn tiếng ở trẻ em sao cho hiệu quả?

Ở những trẻ hay bị những đợt khàn tiếng hoặc ở những trẻ mà bố mẹ bị khàn nên được xếp vào nhóm có nguy cơ cao. Để phòng tránh khàn tiếng ở trẻ em hiệu quả:

– Điều trị ngay các viêm nhiễm vùng tai mũi họng mỗi khi trẻ viêm nhiễm.

– Điều chỉnh hành vi của trẻ: Tránh để trẻ la hét, nói to ở những nơi đông người, nhiều tiếng ồn, có thể hướng dẫn trẻ tự xây dựng cách thể hiện cảm xúc bằng hành động (ví dụ như thay vì la hét để cổ vũ một trận bóng thì có thể vỗ tay).

– Tránh điều kiện thuận lợi khiến cho rối loạn giọng có thể phát sinh, điều trị sớm các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên, bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

– Dự phòng ở những trẻ có thể trạng dị ứng

– Khuyến khích trẻ và cho trẻ uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày

– Tránh các yếu tố kích thích thụ động như thuốc lá, môi trường, khói bụi.

Khàn tiếng ở trẻ em: Có điều trị hay không và cần chú ý gì? - Ảnh 6.

Điều trị ngay các viêm nhiễm vùng tai mũi họng mỗi khi trẻ viêm nhiễm để tránh bị khàn tiếng

Vậy khàn tiếng ở trẻ thật sự cần phải được lưu ý như thế nào?

Vì khàn tiếng là triệu chứng của rất nhiều bệnh liên quan khác nhau, nên việc đánh giá và chẩn đoán phải được thực hiện bởi bác sĩ tai mũi họng.

Sau khi xác định được nguyên nhân của bệnh, các bác sĩ chuyên khoa sẽ có từng phương pháp điều trị phù hợp: Trị liệu giọng nói, dùng thuốc, phẫu thuật…

Hầu hết các tổn thương về dây thanh hoặc các nguyên nhân khàn giọng khác ở trẻ em không phải là nghiêm trọng nhưng cần phải được đánh giá thăm khám kỹ lưỡng bởi các bác sĩ chuyên khoa tránh nhầm lẫn và bỏ qua bệnh.

Vậy nên khi thấy trẻ có biểu hiện bệnh, để tránh những tổn thương không hồi phục ở dây thanh do khàn giọng kéo dài không điều trị như teo dọc bờ tự do dây thanh, nói nhanh mệt… thì nên cho trẻ tới các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để được các bác sĩ kiểm tra và điều trị cụ thể.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Mối nguy hại khi trẻ em xem tivi quá nhiều và cách khắc phục