Khám phá lễ hội Diwali ở Ấn Độ – Embassy of India Ashgabat, Turkmenistan – Indian embassy
Cũng giống như nhiều dân tộc khác trên thế giới, lễ mừng năm mới hay tết là thời khắc chuyển giao giữa cái cũ và cái mới, tiễn năm vừa qua đi để đón một năm mới về với nhiều hy vọng, ước mong. Ấn Độ cũng có ngày tết cho riêng mình và những ngày này có rất nhiều ý nghĩa cũng như những nét đặc sắc in đậm dấu ấn văn hoá Ấn. Hãy cùng khám phá tết Ấn – lễ hội Diwali ở Ấn Độ qua bài viết sau nhé.
Nguồn gốc
Diwali hay Deepawali có nghĩa là “lễ hội ánh sáng”. Có rất nhiều cách để lý giải về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của cái tên này. Nhưng nổi tiếng hơn cả là cách nói theo quan niệm của người Ấn, ánh sáng của Diwali tượng trưng cho chiến thắng cái ngu dốt, mông muội – những thứ luôn tìm cách kìm hãm và nhấn chìm con người.
Về khía cạnh truyền thuyết, người ta cho rằng, cách đây hơn 2000 năm, ngài Rama (hiện thân của thần Vishnu) sau khi tiêu diệt chúa quỷ Ravana và cứu nàng Siva đã trở về thành Ayodhya. Người dân đã thắp những ngọn đèn đất (diyas) và phóng lên trời những tràng pháo hoa rực rỡ để chào đón đức ngài nên tết Diwali mới có cái tên “lễ hội ánh sáng”. Ánh sáng đã trở thành nét đặc trưng cũng như ấn tượng nhất về lễ hội Diwali ở Ấn Độ.
Thời gian tổ chức
Tết hay lễ hội Diwali ở Ấn Độ thường được tổ chức vào đêm ngày 13 kỳ trăng khuyết – ngày cuối cùng của tháng cuối cùng tính theo âm lịch. (thường rơi vào tháng 10 hay 11 hàng năm). Lễ hội này kéo dài trong 5 ngày.Và nhiều nơi trên đất Ấn, tết được xem là sự mở đầu của một năm tài chính mới hay là ngày đầu tiên của lịch làm ăn mới.
Hoạt động
Theo phong tục và cũng giống như truyền thống mỗi khi tết đến ở nhiều nơi khác, người Ấn thường cố gắng làm nốt mọi việc của năm cũ, trả mọi nợ nần còn thiếu để có một năm mới thật suôn sẻ và thuận lợi. Họ cũng sắm sửa đồ đạc, quần áo mới và mua quà để tặng cho những người thân yêu của mình.
Vào 5 ngày Tết này, đi đâu ta cũng sẽ được ngắm nhìn một bức tranh đầy sắc màu, lung linh từ những ngọn đèn đất diyas và những chùm pháo hoa nở rộ trên bầu trời Ấn Độ. Tất cả như một lời chào đón tới một năm mới đầy vui vẻ và hạnh phúc sắp tới.
Ngày đầu tiên
Ngày thứ nhất của lễ hội là Dhanteras hay Dhantrayodashi (“Dhan” trong ngôn ngữ Ấn có nghĩa là giàu có). Đây là ngày 13 kỳ trăng khuyết của tháng Kartik. Với những người buôn bán ở phía Tây Ấn, ngày này cực kỳ quan trọng. Họ sửa sang và trang hoàng thật lộng lẫy nhà ở, cửa hàng của mình để chào đón nữ thần tài lộc Lakshmi. Người ta dùng bột gạo và bột phấn màu hồng để vẽ những dấu chân nhỏ khắp mọi nơi nhằm bày tỏ niềm mong đợi nữ thần sẽ ghé thăm.
Những chiếc đèn dầu làm bằng đất được thắp suốt ngày đêm. Phụ nữ hay mua vàng bạc và đồ dùng vào ngày này để gặp nhiều may mắn. Vào buổi tối trong suốt dịp tết, các gia đình Ấn sẽ làm lễ cúng Lakshmi (Lakshmi Puja), lúc những chiếc diyas được thắp sáng với mục đích xua đuổi bóng tối –nơi quỷ dữ trú ẩn.
Người ta ca tụng nữ thần Lakshmi bằng bài ca “Bhajan” và dâng lên ngài món bánh ngọt “Navedya”. Ở phía nam Ấn Độ, người ta tin hoá thân của nữ thân Lakshmi là những chú bò nên chúng cũng được trang điểm đẹp đẽ và thờ phụng trong dịp lễ hội này.
Ngày thứ hai
Ngày này gọi là Nakra-Chatudashi hay Choti Diwali. Ngày thứ hai của lễ hội Diwali ở Ấn Độ rơi vào ngày thứ 14 của tháng Kartik. Theo truyền thống, người ta sẽ tắm vào sáng sớm, lúc mặt trời chưa ló dạng vào ngày Choti Diwali. Trong khi trẻ nhỏ tắm, họ sẽ đốt pháo hoa và pháo nổ để tạo bầu không khí náo nhiệt, vui vẻ. Tắm xong, mọi người thưởng thức món mỳ hấp với đường và sữa hoặc ăn món bánh gạo với sữa đông. Ngày thứ hai này, người dân Ấn thắp đèn và cầu nguyện cả ngày. Người ta tin ánh sáng từ những chiếc đèn diyas không chỉ xua tan bóng tối của sự ngu dốt mà còn là điềm báo về một ngày mai đầy tươi sáng và niềm vui.
Ngày thứ ba
Ngày thứ ba có tên là Lakshmi Puja hay Chopada Puja – ngày để cúng và cầu nguyện nữ thần Lakshmi ban phước lành cho mọi người. Chopada Puja diễn ra vào đêm Amavasya, mọi người ăn diện thật đẹp để đến các đền thờ và thăm người thân, bạn bè,…
Tiếng chuông, trống và những lời cầu khấn của mọi người luôn vọng ra từ những đền thờ vào ngày này. Người ta tin rằng ánh sáng vọng ra từ những chiếc đèn diyas ở khắp mọi nơi đại diện cho ánh sáng của tri thức, soi rọi sự u mê mà con người đang mắc phải. Sau khi làm lễ xong, người ta dâng lên cho nữ thần bánh kẹo mình tự làm rồi bày tiệc ăn uống, tặng quà cho nhau.
Ngày thứ tư
Ngày thứ tư gọi là Padwa hay Varshapratipada, ngày mà nhà vua Vikramadiya đăng cai. Ở Bắc Ấn Độ, người ta tổ chức Gorvadhan-Puja vào ngày nay. Còn một số nơi khác, như Bihar hay Punjab,… người dân trang trí hoa lên các đụn phân bò và cúng lễ.
Tượng các vị thần ở các đền thờ được tắm bằng sữa và khoác lên mình những trang phục thật đẹp, đeo những trang sức quý giá. Sau khi cúng xong, người ta dâng các loại bánh ngọt và kẹo lên cho các thần.
Cũng vào ngày này trong lễ hội Diwali ở Ấn Độ, nhiều gia đình còn tổ chức lễ Gudi Padwa, khi mà người vợ bôi lên trán chấm đỏ tilak, đeo hoa cho chồng và cầu thọ cho chồng mình. Trong khi đó, người chồng sẽ tặng cho vợ những món quà. Lễ này tượng trưng cho tình cảm vợ chồng mặn nồng, sâu sắc.
Ngày thứ năm
Ngày thứ năm được gọi là Bhayya-Duj hay Yama Dwitiya. Ngày thứ năm trong lễ hội Diwali này là ngày tượng trưng cho tình cảm giữa các anh em ruột thịt với nhau.
Ý nghĩa
Lễ hội Diwali ở Ấn Độ có ý nghĩa tiễn đi năm cũ và đón một năm mới nhiều tốt lành, hạnh phúc. Ánh sáng là biểu tượng, là nét đặc trưng của tết Ấn mà không bị lẫn vào đâu được.
Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích về lễ hội Diwali ở Ấn Độ!