Khám phá công nghệ tương lai trong Ready Player one
Đấu trường Ảo – Ready Player one – siêu phẩm viễn tưởng của đạo diễn Steven Spielberg mới ra mắt và để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem về thế giới VR (Virtual Reality) với những công nghệ đã và đang được nghiên cứu triển khai ngoài thực tế.
Câu chuyện phim xoay quanh nhân vật Wade Watts, một cậu bé tới từ Colombus, Ohio, đang sống trong một thế giới viễn tưởng, nơi tất cả mọi người già, trẻ, giàu, nghèo đều giành hết thời gian cho VR (công nghệ thực tế ảo), nhằm trốn tránh thực tế xã hội đầy rẫy nghèo đói và xung đột chiến tranh bắt nguồn từ biến đổi khí hậu và bùng nổ dân số. Dựa trên tiểu thuyết “Đấu trường ảo” của tác giả Ernest Cline ra mắt năm 2011, bộ phim đã khắc họa một góc nhìn khá tiêu cực về sự phụ thuộc ngày càng lớn của xã hội đối với công nghệ, nhưng cũng xây dựng những viễn cảnh tuyệt vời được đem lại bởi VR và nhiều công nghệ tương lai khác. Chúng ta hãy cùng khám phá những thiết bị và kỹ nghệ được giới thiệu trong Đấu trường ảo, và so sánh với những gì đang diễn ra trong thế giới hiện đại.
Hoàn toàn chìm đắm trong thực tế ảo
Trải nghiệm VR trong phim không hề có giới hạn giữa người dùng và các vật thể và môi trường ảo. Người chơi có thể chạm, nhặt và cầm nắm đồ vật mặc dù chúng không hề tồn tại ngoài đời thực. Họ có thể ngồi trên ghế ảo và dựa trên các bề mặt giả lập mà không hề ngã ở ngoài đời. Mặc dù điều này chính là tương lai lý tưởng của VR và trông rất ngầu trên màn ảnh, sự nhập vai hoàn toàn trong đời thực rất khó để đạt được, bởi tính không khả thi của nó. Ví dụ, việc nhiều người chơi chuyển động qua các không gian 3D ở những nơi công cộng sẽ gây ra rối loạn như thế nào.
Trên thực tế, điểm tiếp cận gần nhất của sự nhập vai hoàn toàn có thể được tạo ra khi có một khu vực sân chơi được xây dựng tương ứng với môi trường ảo. Có thể nhắc đến các công viên trải nghiệm thực tế ảo như The Void đã được mở cửa cho công chúng. Tại đây, một nhóm nhỏ người chơi được đưa vào một khoảng không gian thực với một mê cung ảo và nhiều thử thách được tính toán và bảo hộ đầy đủ nhằm đảm bảo sự an toàn cho họ. Tuy nhiên, để đạt được mức độ như Đấu trường ảo thể hiện trong phim, thì những thiết bị VR được sản xuất cho người chơi trong nhà hầu như không đáp ứng được.
The Oasis – Đấu trường
Hầu hết bối cảnh của phim diễn ra tại The Oasis, game online nhiều người chơi và xã hội ảo rộng lớn, nơi con người chọn để thoát khỏi những vấn đề ngoài đời thực của họ. Nhân vật chính Wade Watts mô tả The Oasis là nơi mọi thứ đều có thể diễn ra, và chỉ bị giới hạn bởi trí tưởng tượng của người dùng. Do hình ảnh đại diện của mỗi người chơi có thể được tùy chọn, rất nhiều nhân vật game online nổi tiếng có thể được nhìn thấy ở đây như Tracer của “Overwatch” hay Chun-Li của “Street Fighter”.
Có khá nhiều game phổ biến với VR cho phép người chơi một trải nghiệm tương tự, tức là một môi trường xã hội cho phép kết bạn, chơi game và khám phá xung quanh. Nổi tiếng nhất có thể kể đến VRChat, game miễn phí download từ website của nó. Trong VRChat, bạn sẽ gia nhập thế giới với nhiều nhân vật hoạt hình xung quanh, khám phá nhiều địa hình thám hiểm và gia nhập cộng đồng để trò chuyện. Được cho là lấy cảm hứng từ The Oasis trong tiểu thuyết, đội ngũ sáng tạo của VRChat bày tỏ quan điểm phát triển cộng đồng người dùng bền vững cho game này.
Haptics suit – Bộ đồ cảm ứng
Đấu trường ảo – Ready Player one mô tả cảm giác qua VR với bộ đồ haptics cảm ứng nhiệt, tạo ra áp lực lên cơ thể người chơi khi có vật thể hoặc người chạm vào avatar của họ. Bộ đồ này khá giống những gì siêu anh hùng hay mặc, với những đặc điểm như nhẹ nhàng, mềm mỏng và vừa khít.
Ngoài đời thực, công nghệ haptics vốn đã được nghiên cứu, hoặc hướng tới những thiết bị công nghệ dùng trên người có thể giúp cảm nhận hay sờ mó các vật thể ảo. Ví dụ hấp dẫn nhất là Teslasuit đang được phát triển để tạo ra cho người dùng cảm nhận giống như trong Đấu trường ảo. Teslasuit (không có liên quan gì tới Elon Musk hay Tesla Motor) có các cảm ứng đặt ở mọi nơi trên cơ thể người để cảm nhận cả từng giọt mưa rới hay tác động ngoại lực mạnh hoặc cái lạnh thấu da. Giá thành của bộ đồ này không hề rẻ, và khách hàng quan tâm có thể đặt mua trên website của công ty sản xuất. Còn hiện tại, khả thi nhất vẫn là những sản phẩm găng tay cảm ứng đang được thử nghiệm, với kỳ vọng của các chuyên gia sẽ thay thế các bảng điều khiển cho những bộ VR headset hàng đầu như HTC Vive.
Máy chạy đa hướng
Trong Ready Player one, có một vài phương thức để người chơi có thể chạy và đi lại trong thực tế ảo nhưng lại đứng yên một chỗ ngoài đời thực. Wade sử dụng một máy chạy đa hướng (Omni-directional treadmill) kiểm soát bằng bước chạy, cho phép chuyển động 360 độ, với tốc độ tùy ý.
Nhiều công ty đã từng tập trung vào mảng game và máy chạy đa hướng nhưng gặp thất bại trong giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường do thiết bị tốn khá nhiều diện tích và tiêu tốn nhiều năng lượng cũng như chi phí. Cái tên nổi tiếng nhất là Omni, sản xuất bởi Virtuix.
Omni khá khác với hình ảnh trong phim, do thiết bị này sử dụng hai cánh tay và bộ khung để giữ người chơi không rơi ra khỏi hoặc ngã, nên trông khá giống xe đẩy dành cho người lớn. Người chơi sẽ sử dụng giầy có đế đặc biệt để trượt trên bề mặt hơi dốc và cố định của thiết bị, nhằm đạt được trải nghiệm di chuyển 360 độ.
Tiền xu trong game
Trong Ready Player one thế giới giả tưởng của Đấu trường ảo thay thế tiền thật bằng tiền ảo thu được trong The Oasis. Bằng cách tham gia các game hoặc cuộc chiến đấu với người khác, người chơi có thể kiếm thêm tiền hoặc mất tiền, thậm chí hi sinh trong game, dẫn tới mất toàn bộ tiền tích cóp được. Điều này cũng để lại hệ quả tài chính trong thế giới thực, làm tăng tỷ lệ nghèo đói trong Đấu trường ảo.
Tiểu thuyết “Đấu trường ảo” ra mắt vào thời điểm 2011, khi mà tiền mã hóa mới chỉ đang ở giai đoạn manh nha. Không ai có thể đoán trước được tương lai bùng nổ của bitcoin hay những loại tiền ảo, cũng như ảnh hưởng của tiền mã hóa lên nền kinh tế toàn cầu như hiện nay.
Kết luận: Ready Player one là một bộ phim rất đáng xem mùa hè 2018 này.
(Theo BI)