Khám phá bí ẩn về những nữ chiến binh Amazon huyền thoại
(HNMO) – Lịch sử thường nhớ đến họ như là những chiến binh gan dạ, những người đồng tính hung hăng, sẵn sàng cắt đi một bên ngực tăng khả năng chiến đấu. Liệu đây có phải chỉ là sự hư cấu của dân gian?
Những nữ chiến binh Amazon là nhân vật có thật.
Thực tế thì sự thật cũng không hề kém li kỳ chút nào so với những huyền thoại được lưu truyền, như nhà sử học Adrienne Mayor trường Đại học Stanford từng tiết lộ trong cuốn sách về các nữ chiến binh Amazon của bà.
“Các cuộc khai quật những ngôi mộ Á-Âu đã giúp tìm ra những bộ xương nữ với nhiều vết sẹo chiến đấu, họ mặc áo chẽn và quần rộng, được chôn cùng đủ loại mũi tên, chiến rìu, giáo và bánh răng ngựa”, bà Adrienne Mayor trả lời phỏng vấn hãng tin CNN.
Những người phụ nữ này thường được miêu tả là những chiến binh chiến đấu rất anh dũng và hy sinh cũng rất anh hùng. Họ trở thành những tượng đài bất tử trong các công trình nghệ thuật cổ, thậm chí hình ảnh họ còn được dùng để trang trí trên những lọ nước hoa và hộp trang sức hàng trăm năm tuổi.
Cùng với hình ảnh dũng mãnh, thiện chiến và có phần tàn bạo, thì những nữ chiến binh Amazon còn được nhắc đến với những câu chuyện về lòng từ bi, tình bạn và tình yêu giữa họ với nam giới.
“Các chiến binh Amazon có cuộc sống rất khác với phụ nữ Hy Lạp, những người thường ở trong nhà và nội trợ”, nhà sử học Mayor cho biết.
Bà Mayor khẳng định: “Giới khảo cổ học hiện đã chứng minh một cách chắc chắn rằng, thực tế có tồn tại những người phụ nữ phù hợp với mô tả của người Hy Lạp về bộ lạc nữ chiến binh Amazon. Họ cũng chiến đấu, săn bắn, cưỡi ngựa và sử dụng cung tên giống như nam giới”.
Như vậy, rõ ràng những nữ chiến binh Amazon là có thật chứ không phải chỉ có trong truyền thuyết. Vậy những lời đồn như họ đồng tính hay cắt một bên ngực để chiến đấu, liệu có đúng trên thực tế hay không?
1. Những nữ chiến binh cắt bỏ một bên ngực đề bắn cung tốt hơn
Sự thật sai lầm này bắt nguồn từ năm 490 TCN khi một sử gia Hy Lạp cố gắng làm tăng ý nghĩa cho từ “Amazon”. Theo đó “mazon” nghe giống với “bộ ngực” trong tiếng Hy Lạp, còn “a” nghĩa là “không”.
Ông giải thích ý nghĩa của từ Amazon là do những nữ chiến binh đã cắt bỏ một bên ngực để bắn cung tốt hơn, do đó nó trở thành niềm tin sai lầm đến tận ngày nay.
2. Họ căm ghét đàn ông
Thật ra đây chỉ là câu chuyện thêu dệt khi chứng kiến sức mạnh của những nữ chiến binh, chính điều này khiến đa số đều cho rằng họ mạnh mẽ và căm ghét đàn ông.
Thực tế có rất nhiều câu chuyện tình lãng mạn về những nữ chiến binh Amazon. Một nghĩa khác trong tiếng Hy Lạp của “Amazon” nghĩa là “the equals of men” nghĩa là sự bình đẳng, công bằng với đàn ông.
Những bài thơ của người Hy Lạp còn nói về những chiến binh này bằng từ “những người yêu đàn ông”.
3. Để trở thành chiến binh, họ từ bỏ bổn phận làm mẹ
Những chiến binh Amazon đã phải hy sinh vai trò làm mẹ? Điều này không còn thuyết phục khi những người Hy Lạp mô tà rằng các nữ chiến binh Amazon mặc dù quá bận rộn không thể cho con bú, nhưng họ vẫn nuôi dưỡng con bằng sữa ngựa.
Cuộc khai quật ở Pokrovka của Nga cũng phát hiện xác của những phụ nữ 2.500 tuổi mang trang phục chiến binh và bên cạnh họ người ta thấy những bộ xương trẻ em.
Điều này cho thấy họ vẫn chăm sóc và nuôi dưỡng con cái của mình như bao bà mẹ khác.
4. Là người đồng tính
Mặc dù “tình chị em bền chặt” của họ đã được khắc họa trong văn học và hội họa cổ xưa, nhưng người Hy Lạp không ám chỉ họ là người đồng tính.
Bà Mayor giải thích, người Hy Lạp và La Mã cổ không e dè khi thảo luận vấn đề có dính líu đến quan hệ đồng tính (nam hoặc nữ), nên nếu người Amazone là dân đồng tính nữ, điều đó chắc chắn đã được đề cập tới.
5. Chỉ có người Hy Lạp cổ đại kể truyền thuyết về các nữ chiến binh Amazon
Các học giả hiện đại có xu hướng cho rằng các nữ chiến binh Amazon hoàn toàn chỉ có trong truyền thuyết của người Hy Lạp. Tuy nhiên, thực tế thì hình tượng những nữ chiến binh tương tự như chiến binh Amazon cũng xuất hiện trong văn học cổ đại của Ai Cập, Ba Tư, Caucasus, Trung Á, Ấn Độ và cả Trung Quốc. Thậm chí nguyên mẫu của của nữ chiến binh Hoa Mộc Lan huyền thoại hóa ra cũng có cùng nguồn gốc.