Khái quát về cấu thành vi phạm pháp luật – Kiến thức
Cấu thành vi phạm pháp luật là toàn bộ những yếu tố, những bộ phận hợp thành một vi phạm pháp luật cụ thể, bao gồm mặt khách quan, chủ thể, mặt chủ quan và khách thể.
I- MẶT KHÁCH QUAN CỦA VI PHẠM PHÁP LUẬT
Mặt khách quan của vi phạm pháp luật là toàn bộ những biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan, bao gồm các hành vi trái pháp luật, hậu quả của hành vi đó và những yếu tố như thời gian, địa điểm, cách thức, thủ đoạn, công cụ, phương tiện vi phạm pháp luật…
Hành vi trái pháp luật có thể thể hiện dưới dạng những hành động như đâm, chém người, trộm cắp tài sản, đi vào đường cấm, lạm quyền khi thi hành công vụ; có thể được thể hiện dưới dạng không hành động như không tố giác tội phạm, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự…
Hậu quả là kết quả trực tiếp của hành vi trái pháp luật, đó là những thiệt hại xảy ra cho xã hội. Bất cứ vi phạm pháp luật nào cũng có thể gây ra hoặc đe dọa gây ra những hậu quả nhất định. Hậu quả của vi phạm pháp luật được biểu hiện qua sự biến đổi tình trạng bình thường của các quan hệ xã hội bị xâm hại. Hậu quả của vi phạm pháp luật có thể là những thiệt hại cụ thể, có thể định lượng được như thiệt hại về của cải vật chất, về tính mạng, sức khỏe của con người. Nó cũng có thể là những thiệt hại trừu tượng khó có thể lượng hoá một cách chính xác như thiệt hại về tinh thần của con người, tình trạng nguy hiểm cho đời sống… Hậu quả của vi phạm là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của vi phạm pháp luật.
Thời gian xảy ra vi phạm là thời điểm hoặc khoảng thời gian vi phạm pháp luật được thực hiện. Công cụ, phương tiện vi phạm pháp luật được hiểu là cái mà chủ thể sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, chẳng hạn như dao để chém người, xe máy để đi cướp giật… Phương pháp, thủ đoạn là cách thức thực hiện hành vi vi phạm, bao gồm cách thức tiến hành hành vi, cách thức sử dụng công cụ phương tiện… Những yếu tố này cũng ít nhiều phản ánh tính chất nguy hiểm của vi phạm pháp luật.
II- MẶT CHỦ QUAN CỦA VI PHẠM PHÁP LUẬT
Mặt chủ quan của vi phạm pháp luật là toàn bộ diễn biến tâm lí của chủ thể khi vi phạm pháp luật bao gồm lỗi, động cơ và mục đích.
(i) Lỗi phản ánh thái độ tâm lỉ bên trong của chủ thể đối với hành vi trái pháp luật và hậu quả của hành vi đó, cho nên lỗi là yếu tố quan trọng phản ánh mức độ nguy hiểm của vi phạm pháp luật. Có hai loại lỗi cơ bản là cố ý và vô ý; lỗi cố ý gồm cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp; lỗi vô ý gồm vô ý do quá tự tin và vô ý do cẩu thả.
(ii) Lỗi cố ý trực tiếp có đặc trưng là chủ thể vi phạm nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả do hành vi của mình gây ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
(iii) Lỗi cổ ý gián tiếp có đặc trưng là chủ thể vi phạm nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả do hành vi của mình gây ra, nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.
(iv) Lỗi vô ỷ vì quá tự tin có đặc trưng là chủ thể vi phạm gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp nhận thấy trước hậu quả đó nhưng tin tưởng hậu quả đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
(v) Lỗi vô ỷ do cẩu thả có đặc trưng là chủ thể vi phạm đã gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không nhận thấy trước được hậu quả đó mặc dù cần phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Yếu tố cần phải thấy trước thể hiện ở chỗ người vi phạm có nghĩa vụ phải tuân thủ những quy tắc nhất định nhưng do luộm thuộm, thiếu cẩn trọng, lơ đễnh, không tập trung, lơ là, tắc trách… nên đã không thực hiện những nghĩa vụ đó. Yeu tố có thể thấy trước thể hiện ở chỗ người vi phạm có đủ điều kiện khách quan và chủ quan (trình độ nhận thức, kinh nghiệm sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thời gian, địa điểm, điều kiện, hoàn cảnh khách quan…) để có thể thấy trước khả năng xảy ra hậu quả trong hành vi của mình.
Động cơ vi phạm là động lực bên trong thúc đẩy chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ những vi phạm pháp luật với lỗi cố ý mới có yếu tố động cơ, bởi vì người vi phạm pháp luật với lỗi vô ý, khi thực hiện hành vi họ không nhận thức trước hành vi của mình là vi phạm pháp luật hoặc hoàn toàn tin rằng hành vi của mình là không vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, nhiều trường họp vi phạm pháp luật, chủ thể có thể được thúc đẩy bởi động cơ như ghen tuông, đố kị, thù tức, tham lam, vụ lợi, sĩ diện…
Mục đích phạm pháp luật là kết quả trong thức mà chủ thế vi phạm pháp luật đặt ra và mong muốn đạt được khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ những vi phạm với lỗi cố ý trực tiếp mới có yếu tố mục đích, bởi vì chỉ trong trường hợp này, người vi phạm mới mong muốn đạt được kết quả nào đó bằng việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cần phân biệt mục đích vi phạm với hậu quả của vi phạm pháp luật. Hậu quả là kết quả xảy ra trên thực tế của hành vi vi phạm, còn mục đích là kết quả trong ý thức mà chủ thể mong muốn đạt được, nó nảy sinh trước khi thực hiện hành vi. Hậu quả xảy ra có thể trùng hợp với mục đích nhung cũng có thể khác so với mục đích mà chủ thể mong muốn. Điều này là do những yếu tố khách quan và chủ quan chi phối quá trình thực hiện hành vi của chủ thể.
Xem thêm: Khái niệm và phân loại về vi phạm pháp luật
III- CHỦ THỂ CỦA VI PHẠM PHÁP LUẬT
Chủ thể của vi phạm pháp luật là những cá nhân hay tổ chức có năng lực trách nhiệm pháp lí đã có hành vi vi phạm pháp luật. Năng lực trách nhiệm pháp lí của cá nhân được xác định trên cơ sở độ tuổi và khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ. Mọi tổ chức hợp pháp đều có năng lực trách nhiệm pháp lí, năng lực trách nhiệm pháp lí của tổ chức được xác định trên cơ sở địa vị pháp lí của tổ chức đó. Pháp luật của các nhà nước khác nhau có thể có quy định khác nhau về năng lực trách nhiệm pháp lí cũng như cơ cấu chủ thể vi phạm pháp luật. Ở một số vi phạm pháp luật, chủ thể phải có những dấu hiệu hay điều kiện riêng. Trong những trường hợp này, chủ thể vi phạm pháp luật được gọi là chủ thể đặc biệt. Nếu không thỏa mãn những dấu hiệu hay điều kiện này thì chưa phải là vi phạm pháp luật trong trường họp đó.
IV- KHÁCH THỂ CỦA VI PHẠM PHÁP LUẬT
Khách thể của vi phạm pháp luật là những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ nhưng đã bị hành vi vi phạm pháp luật xâm hại. Khách thể là yếu tố quan họng phản ánh tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật. Một vi phạm pháp luật có thể xâm hại một hoặc nhiều khách thể, chẳng hạn hành vi trộm cắp xâm phạm quyền sở hữu; hành vi cướp vừa xâm hại sức khoẻ, tính mạng con người, vừa xâm hại quyền sở hữu. cần phân biệt khách thể của vi phạm pháp luật với đối tượng tác động của vi phạm đó. Đối tượng tác động của vi phạm pháp luật là những bộ phận của khách thể, có thể là con người, các vật thể cụ thể, hoạt động của con người…
Luật sư: Nguyễn Thị Bích Phượng – Trưởng phòng Doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, tổng hợp (từ Giáo trình Lý Luận chung về nhà nước và pháp luật – Đại học Luật Hà Nội và một số nguồn khác).