Khái quát quan điểm nghệ thuật văn học trung đại – 123docz.net

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Khái quát quan điểm nghệ thuật văn học trung đại

Văn học trung đại là một loại hình văn học, sản phẩm của xã hội xây
dựng trên nền tảng các quan hệ phong kiến mang dấu ấn đẳng cấp, dấu ấn hệ
tư tưởng tôn giáo. Nên nhìn chung, văn học trung đại dường như chưa nói
được cái đẹp của đời sống hàng ngày mà chủ yếu thường dùng các hình ảnh
tượng trưng, ước lệ hay những điển tích, điển cổ.

Văn học trung đại nói chung cũng như thơ ca nói riêng dường như
không đi sâu vào cái “tôi” cá nhân mà chỉ nói đến cái “ta” chung của mọi
người. Tình cảm của họ nằm trong khuôn phép chung của xã hội. Vì thế, khi
nữ sĩ Thanh Quan đứng trên đỉnh Đèo Ngang, tầm mắt của bà chỉ thấy cảnh
đẹp của đất nước và trước cảnh đẹp bao la ấy, bà nghĩ đến nước mà đau lòng.
Tâm trạng của bà là tâm trạng chung của dân tộc.

Tính chất ước lệ trở thành hình thức nổi bật biểu hiện của thơ ca trung
đại. Đó là tính chất tập cổ, tính quy phạm, tính công thức, sáo ngữ và cách
dùng các điển cố, điển tích là hết sức phổ biến. I.U.Lotman miêu tả phương
pháp sáng tác thời trung đại qua khái niệm “mỹ học đồng nhất” – một khái
niệm chung cho văn học dân gian và văn học viết Trung đại. Đó là sự đồng
nhất hoàn toàn tính hình tượng trong cuộc sống được miêu tả với các mô
hình, công thức mà người xem (công chúng) đã biết được và đưa vào hệ thống
các quy tắc sáng tác. Cơ sở nhận thức của nó là san bằng các hình tượng đa
dạng khác nhau của cuộc sống để đưa vào mô hình lôgic nhất định.

B.AGiupxốp cho rằng: “Nhà văn trung đại không sáng tạo ra cốt truyện, anh
ta dường như chỉ kể lại và tổ hợp lại các môtíp đã có từ lâu bằng văn xuôi hay
văn vần”.

Văn học trung đại thường dùng sáo ngữ, công thức trong tường thuật,
miêu tả, định danh, sử dụng chất liệu ngôn ngữ cao quý đầy hoán dụ, ví von
làm cho lời văn được mỹ lệ: tường gấm, mặt hoa, nghìn vàng giọt ngọc, tính
nghi thức đòi hỏi miêu tả từng loại vật phải tuân theo yêu cầu của từng loại
nhân vật ấy. Chẳng hạn, miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên là gằn liền với các hình
ảnh tùng, cúc, trúc, mai. Miêu tả con người phải gắn liền với dấu ấn của vũ trụ.
Vũ trụ ở đây là đất trời, mây nước, mặt trăng, mặt trời, sấm, chớp, mưa, gió,
cây cỏ, muông thú… với cái đạo bền vững sâu thẳm của nó. Con người thấy
chân dung của mình trong dáng liễu, dáng mai, vóc hạc, mình ve, tóc mây, mắt
phượng, mây sóng… Khi làm một bài thơ “tay tiên gió táp mưa sa” đã có dáng
dấp của vũ trụ. Khi khóc người yêu “vật mình vẫy gió tuôn mưa” hoặc khi
chuẩn bị đi thi “sứ trời đã giục đường mây” hoặc khi có một hành động ngang
tàng “vòng trời đất dọc ngang ngang dọc – Nợ tang bồng vay trả trả vay…” ta
thấy hình ảnh con người luôn được đặt trên bối cảnh của vũ trụ. Đó là cảm thức
chung của cả một mô hình văn học, một thời đại văn học. Các nhà văn hầu như
không bao giờ hình dung cảnh sắc thiên nhiên và con người trong dáng vẻ đời
thường vì như thế nó tầm thường, không đẹp. Các nhà thơ trung đại luôn lấy
thiên nhiên làm trung tâm, là ngọn nguồn ban phát các phẩm chất của nó cho
con người. Thiên nhiên là mẫu mực để hình dung ngoại hình con người. Chẳng
hạn, đoạn thơ miêu tả Thuý Vân của Nguyễn Du:

“Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Nhà thơ miêu tả sắc đẹp của nhân vật qua các chi tiết khuôn trăng, nét
ngài, hoa, ngọc, mây, tuyết, là các chi tiết thuộc thế giới thiên nhiên, vũ trụ có
tính chất cao quý vĩnh viễn, không mang tính xác thịt trần tục, do đó cũng
không thấy dấu ấn cá nhân, cá tính. Mặt khác, nhà thơ không tả cảnh không
vẽ bức tranh thiên nhiên, mà hoa, ngọc, mây, tuyết dùng như một phép so
sánh chứ không phải là đối tượng miêu tả mà đối tượng miêu tả ở đây là vẻ
đẹp lý tưởng của nhân vật.

Khác với văn học trung đại, văn học hiện đại là văn học của thời kỳ mà
con người cá nhân tư sản mới xuất hiện, là văn học của ý thức cá tính của tác
giả, của ý thức nghệ thuật tự giác trong các cương lĩnh, trào lưu. Văn học hiện
đại giải phóng ngôn từ khỏi công thức để hướng tới cái đẹp. Cái đẹp của
giọng điệu, của tình cảm tự nhiên, của sắc thái, của cá tính, của sự miêu tả cụ
thể, tinh tế.

Trở về với văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 từ những tiểu thuyết
của Tự lực văn đoàn đến với văn xuôi hiện thực chủ nghĩa, đặc biệt là sự ra
đời của Phong trào Thơ mới đã góp phần quan trọng mở đầu và thúc đẩy
mạnh mẽ tiến trình hiện đại hoá văn học dân tộc. Đây cũng là thời kỳ các nhà
văn, nhà thơ bước ra một không gian rộng mở với những quan niệm nghệ
thuật mới làm ngạc nhiên cả hai giới sáng tác và hưởng thụ văn chương. Mỗi
nét họ đặt trên tờ giấy là cảm giác in vào hồn người đọc, rộng mở mà không
gò bó. Đúng như lời Hoài Thanh, Hoài Chân nhận xét “đi sâu vào tâm hồn
những cá nhân, chúng ta sẽ gặp tâm hồn dân tộc, đi sâu vào tâm hồn dân tộc
chúng ta sẽ gặp tư tưởng nhân loại” [33,34].

Đại diện cho phong trào Thơ mới đưa ra một quan niệm nghệ thuật mới
làm sáng rực cả bầu trời thơ những năm đầu thập kỷ 30 phải kể đến công lao
của Thế Lữ – Người có công “dựng thành nền Thơ mới ở xứ sở này” [34] với
một giọng điệu riêng, một sự cách tân táo bạo.