Khái niệm, ý nghĩa của biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự

1. Khái niệm biện pháp ngăn chặn

Biện pháp ngăn chặn là biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự do cơ quan, người có thẩm quyên áp dụng đối với người bị buộc tội (người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) khi có căn cứ chứng tỏ họ sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thỉ hành án nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội, trốn tránh pháp luật, cản trỗ quá trình tố tụng.

Để bảo đảm giải quyết vụ án hình sự nhanh chóng, kịp thời, đúng thời hạn, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác nhau, trong đó không thể không kể đến các biện pháp ngăn chặn. Biện pháp ngăn chặn là một trong những chế định quan trọng của pháp luật tố tụng hình sự, là một trong những nhóm biện pháp cưỡng chế tố tụng mang tính cưỡng chế nghiêm khắc và khi áp dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp các văn bản pháp luật khác ghi nhận.

Không giống với các biện pháp cưỡng chế tố tụng khác, biện pháp ngăn chặn được áp dụng với mục đích ngăn ngừa không để tội phạm xảy ra hoặc ngăn chặn không để người phạm tội tiếp tục thực hiện tội phạm hoặc cản trở điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Đối tượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là người bị buộc tội. Trong đó có người đã bị khởi tố về hình sự như bị can, bị cáo và có người chưa bị khởi tố về hình sự như người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ.

Thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn là những người có thẩm quyển tiến hành tố tụng trong Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án cũng như các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tùy theo từng vụ án cụ thể. Đối với việc bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền bắt.

Theo quy định tại Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn sau:

  • Giữ người trong trường hợp khẩn cấp;

  • Bắt người (bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ)

  • Tạm giữ;

  • Tạm giam;

  • Bảo lĩnh;

  • Đặt tiền để bảo đảm;

  • Cấm đi khỏi nơi cư trú;

  • Tạm hoãn xuất cảnh.

2. Ý nghĩa của biện pháp ngăn chặn

Là những biện pháp ngăn chặn, mang tính cưỡng chế tố tụng, có ý nghĩa rất lớn trong đấu tranh phòng chống tội phạm và trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

– Những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, thể hiện sự chuyên chính của Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong việc đấu tranh, phòng ngừa chống tội phạm.

Tội phạm về bản chất là hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại cho những quan hệ xã hội quan trọng được pháp luật hình sự bảo vệ. Tội phạm trực tiếp hoặc gián tiếp xâm hại đến sự bền vững và ổn định của chế độ Nhà nước, chế độ kinh tế – chính trị và xã hội, đến tính mạng, sức khoẻ, tự do, danh dự, nhân phẩm và tài sản của công dân cũng như các quy tắc của cuộc sống xã hội – xã hội chủ nghĩa.

– Những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự là cơ sở pháp lý để các cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các bỉện pháp cẩn thiết để ngăn ngừa và ngăn chặn hành vi phạm tội, hành vi trốn tránh pháp luật của người phạm tội;

Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn có tác động trực tiếp đến quyền tự do thân thể, tự do đi lại cũng như các quyền nhân thân quan trọng của người bị áp dụng. Do vậy, việc áp dụng đúng biện pháp ngăn chặn góp phần ngăn chặn kịp thời những hành vi phạm tội, hành vi trốn tránh pháp luật, cản trở điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Nếu áp dụng không đúng biện pháp ngăn chặn sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây hoang mang trong dư luận và dễ bị các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc để chống phá Nhà nước. Mặt khác, việc quy định biện pháp ngăn chặn giúp cơ quan và người có thẩm quyền áp dụng thống nhất, tránh được tình trạng áp dụng tùy tiện, tràn lan. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, tước bỏ điều kiện tiếp tục thực hiện tội phạm của người phạm tội cũng là góp phẩn bảo vệ lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích của cá nhân.

– Những biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự góp phần bảo đảm cho quá trình tố tụng được tiến hành thuận lợi.

Người thực hiện hành vi phạm tội thường muốn che giấu và trốn tránh không muốn hành vi của mình gây ra bị phát hiện, bị xử lý. Họ cố gắng tìm mọi cách để lé tránh việc xử lý của pháp luật. Do vậy, ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả ngay từ đầu các hành vi thực hiện tội phạm hoặc hành vi trốn tránh, gây khó khăn cho việc xử lý người phạm tội là một tất yếu khách quan. Mặt khác, việc quy định và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hỗ trợ rất nhiều cho các hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giúp cho các hoạt động này được tiến hành thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Bởi lẽ, với tính đặc thù của các biện pháp này là “cưỡng chế nhằm ngăn chặn” đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn mà người phạm tội có thể gây ra cho quá trình giải quyết vụ án.

Để làm rõ hành vi phạm tội và đưa ra những quyết định xử lý phù hợp thì một trong những vấn đề quan trọng là cần có sự tham gia của người bị buộc tội. Lời khai của họ có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định sự thật khách quan của vụ án hình sự; Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người bị buộc tội không chỉ là ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, tránh được những cản trở do họ gây ra mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

5/5 – (5 bình chọn)