Khái niệm về sử dụng vốn trong doanh nghiệp? Pháp luật về sử dụng vốn trong doanh nghiệp?

Vốn là tiền, tài sản, quyền tài sản trị giá được thành tiền có thể sử dụng trong kinh doanh. Khả năng sử dụng được trong kinh doanh là tiêu chí cơ bản để đánh giá tiền, tài sản, quyền tài sản trị giá được thành tiền có giá trị là vốn.

Căn cứ pháp lý:

– Luật doanh nghiệp 2020;

– Thông tư 45/2013/TT-BTC;

1. Khái niệm về sử dụng vốn trong doanh nghiệp

Vốn là tiền, tài sản, quyền tài sản trị giá được thành tiền có thể sử dụng trong kinh doanh. Khả năng sử dụng được trong kinh doanh là tiêu chí cơ bản để đánh giá tiền, tài sản, quyền tài sản trị giá được thành tiền có giá trị là vốn. Vốn là tiền đề để thực hiện các hoạt động đầu tư. Cơ chế hình thành vốn và sử dụng vốn của các tổ chức, cá nhân được quy định trong nhiều văn bản pháp luật như: Luật ngân sách nhà nước, Luật doanh nghiệp, Bộ luật dân sự, Luật hợp tác xã…

Sử dụng vốn trong doanh nghiệp là việc cơ quan có thẩm quyền trong doanh nghiệp sẽ phân bố, trích lập vốn của chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng như vốn vay và đầu tư tài chính ra bên ngoài để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo quy định pháp luật, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được sử dụng linh hoạt các nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh. Riêng đối với Doanh nghiệp nhà nước việc sử dụng linh hoạt các loại vốn phải tuân thủ nguyên tắc hoàn lại.

2. Sự cần thiết nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn sẽ đảm bảo được tính an toàn về tài chính cho doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Qua đó các doanh nghiệp sẽ đảm bảo việc huy động các nguồn tài trợ và khả năng thanh toán, khắc phục cũng như giảm bớt được những rủi ro trong kinh doanh. Cụ thể: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn (1) sẽ đảm bảo an toàn tài chính cho doanh nghiệp. (2) giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín của mình trên thị trường, nâng cao mức sống của cán bộ nhân viên. (3) tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường.

3. Các quyết định và các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn doanh nghiệp.

Các quyết định sử dụng vốn như: Quyết định dự án đầu tư, Quyết định đầu tư tài chính, Quyết định tồn quỹ và tồn kho; Quyết định chính sách bán chịu.

Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn doanh nghiệp bao gồm: Quy mô, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp; Trình độ kỹ thuật sản xuất; Cơ chế quản lý tài sản lưu động; Cơ chế quản lý tài sản cố định và quỹ khấu hao tài sản cố định; Trạng thái nền kinh tế; Cơ chế chính sách kinh tế của nhà nước.

4. Nguyên tắc sử dụng vốn

a, Nguyên tắc tự chủ tài chính

Doanh nghiệp được quyền tự quyết định trong việc sử dụng vốn của doanh nghiệp để kinh doanh, đầu tư.

– Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh

– Chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh

– Lựa chọn hình thức, phương thức sử dụng vốn

– Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng

– Chủ động ứng dụng khoa học và công nghệ

– Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp.

b, Nguyên tắc công khai

Thông tin tài chính doanh nghiệp cần được công khai đến công chúng.

c, Nguyên tắc minh bạch

Các vấn đề tài chính của doanh nghiệp cần phải đảm bảo sự rõ ràng, rành mạch.

d, Nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn

Sử dụng vốn hiệu quả, duy trì và không ngừng gia tăng nguồn vốn hiện có.

Ngoài ra, Doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Nhà nước thì phải tuân thủ nguyên tắc tại Điều 5 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh vào doanh nghiệp năm 2014.

5. Thẩm quyền quyết định sử dụng vốn

Luật doanh nghiệp 2020 không quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong sử dụng vốn cũng như thẩm quyền. Điều 7 Luật doanh nghiệp 2020 quy định quyền mà doanh nghiệp được thực hiện trong quá trình sử dụng vốn: “Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.”. Pháp luật hiện nay có quy định chi tiết về cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý doanh nghiệp, thẩm quyền của các thành phần trong bộ máy của từng loại hình doanh nghiệp.

Căn cứ vào Quy mô vốn được sử dụng, đối tượng giao dịch, loại hình doanh nghiệp, cũng như quy định nội bộ doanh nghiệp thì thẩm quyền quyết định có thể là: Giám đốc/ Tổng Giám đốc; Chủ tịch Hội đồng quản trị; Chủ tịch Hội đồng thành viên; Hội đồng thành viên; Đại hội đồng cổ đông hoặc cơ quan nhà nước.

-> Công ty cổ phần: Đại hội đồng cổ đông là cơ quan cao nhất có quyền quyết định các vấn đề quan trọng, trong đó chủ yếu là những vấn đề liên quan tới quản lý sử dụng vốn như tại Điều 148 Luật doanh nghiệp 2020:

–        Quyết định Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác;

–        Quyết định Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;

–        …

Và tùy thuộc vào mỗi Công ty cổ phần thì sẽ phân cấp cho Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc/ Giám đốc như tại Điều 153, Điều 162 Luật doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty sẽ quy định cụ thể.

-> Công ty TNHH/ Doanh nghiệp tư nhân/ Công ty hợp danh: Cũng tương tự như Công ty cổ phần.

-> Doanh nghiệp Nhà nước/ Doanh nghiệp có vốn Nhà nước:

Đầu tư xây dựng mua bán tài sản cố định: Căn cứ chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định từng dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật đầu tư công. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phân cấp cho Tổng giám đốc hoặc Giám đốc quyết định các dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định theo quy định tại điều lệ hoặc quy chế tài chính của doanh nghiệp;

Trường hợp dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định có giá trị lớn hơn mức quy định tại điểm a khoản này, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt.

Đầu tư ra ngoài, ra nước ngoài tuân theo Điều 28, Điều 29 Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư sản xuất kinh doanh tại Luật doanh nghiệp 2014.

Ví dụ một số trường hợp Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Đầu tư công thì người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương có thẩm quyền sau đây:

“a) Quyết định đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền quản lý, trừ dự án quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

b) Được phân cấp hoặc ủy quyền quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, nhóm C quy định tại điểm a khoản này cho cơ quan trực thuộc.”

6. Xác định tài sản cố định và khấu hao tài sản cố định

Các tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC:

6.1. Xác định tài sản cố định hữu hình:

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC, tư liệu lao động là những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định mà nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thỏa mãn đồng thời cả 03 tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:

– Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;

– Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;

– Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên.

6.2. Xác định tài sản cố định vô hình

Tiêu chuẩn xác định tài sản cố định vô hình dựa theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC. Cụ thể, mọi khoản chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra thoả mãn đồng thời cả 03 tiêu chuẩn xác định tài sản cố định nêu trên, mà không hình thành TSCĐ hữu hình được coi là TSCĐ vô hình.

Những khoản chi phí không đồng thời thỏa mãn cả 03 tiêu chuẩn nêu trên thì được hạch toán trực tiếp hoặc được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Riêng các chi phí phát sinh trong giai đoạn triển khai được ghi nhận là TSCĐ vô hình tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp nếu thỏa mãn đồng thời bảy điều kiện sau:

– Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo cho việc hoàn thành và đưa tài sản vô hình vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán;

– Doanh nghiệp dự định hoàn thành tài sản vô hình để sử dụng hoặc để bán;

– Doanh nghiệp có khả năng sử dụng hoặc bán tài sản vô hình đó;

– Tài sản vô hình đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai;

– Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó;

– Có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai để tạo ra tài sản vô hình đó;

– Ước tính có đủ tiêu chuẩn về thời gian sử dụng và giá trị theo quy định cho tài sản cố định vô hình.

6.3. Khấu hao tài sản cố định:

Khấu hao tài sản cố định là việc định giá, phân bổ một cách có hệ thống giá trị của tài sản cố định, khi giá trị của tài sản đó bị giảm dần bởi sự hao mòn tự nhiên hoặc do sự tiến bộ về công nghệ sau khoảng thời gian sử dụng. Khấu hao tài sản cố định được đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh trong suốt quá trình doanh nghiệp sử dụng tài sản đó.

Khung thời gian trích khấu hao TSCĐ theo Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/04/2013 của Bộ Tài chính để xác định thời gian trích khấu hao cho từng loại TSCĐ

Có 03 phương pháp khấu hao tài sản: Phương pháp khấu hao đường thẳng, Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần, Phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm.

7. Thực trạng pháp luật về sử dụng vốn trong doanh nghiệp 

Thứ nhất: Pháp luật không quy định rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong sử dụng vốn. Khoản 3 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2020 chỉ quy định chung, cho phép doanh nghiệp được quyền “3. Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn.” Đây là nguyên tắc chung dành cho mọi doanh nghiệp trong hoạt động quản lý và sử dụng vốn. Có thể thấy, đây là một quy định hợp lý đối với nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay. Việc Nhà nước và pháp luật tham gia điều chỉnh quá sâu vào hoạt động sử dụng vốn của doanh nghiệp là không cần thiết. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tự chủ trong hoạt động quản lý, sử dụng và phân bổ nguồn vốn của họ, đảm bảo nguyên tắc tự do kinh doanh.

Thứ hai: Đối với các giao dịch liên quan đến những tài sản lớn của công ty:

Trong công ty cổ phần, theo điểm d khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2020 việc quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác cần được sự thống nhất của Đại hội đồng cổ đông.

Trong công ty hợp danh, theo điểm e và điểm g khoản 3 Điều 182 Luật Doanh nghiệp 2020, Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty. Trong đó có quyết định đối với việc cho vay với giá trị từ 50% vốn điều lệ của công ty trở lên; Quyết định mua, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn vốn điều lệ của công ty.

Đây là những quy định thực sự cần thiết nhằm bảo vệ quyền kiểm soát hoạt động sử dụng vốn trong doanh nghiệp của các thành viên góp vốn.

Thứ ba: Giao dịch với một số chủ thể đặc biệt:

Đối với công ty cổ phần, khoản 1 Điều 167 quy định Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị có quyền quyết định chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan như: Cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và người có liên quan của họ; Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ. Quy định này cho thấy Đại hội đồng cổ đông có quyền kiểm soát những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh với những chủ thể đặc biệt. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp người quản lý của công ty có dấu hiệu lạm quyền thông qua việc giao dịch với các bên có liên quan để biển thủ, tham ô tài sản từ vốn của công ty nhằm mục đích tư lợi. Chính vì thế, việc kiểm soát những giao dịch như vậy là cần thiết để hạn chế những hành vi tham nhũng khu vực tư, bảo đảm việc quản lý và sử dụng vốn ở tại doanh nghiệp được chặt chẽ hơn.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, quy định về mua lại phần vốn góp của các thành viên được quy định tại điều 51 Luật Doanh nghiệp 2020, theo đó, phần vốn góp của các thành viên được ưu tiên bán cho các thành viên còn lại, nếu những người này không đồng ý mua lại thì sẽ bán cho những người không phải là thành viên góp vốn. Quy định này bảo vệ quyền lợi của những thành viên còn lại, giúp ổn định về quản lý vốn trong doanh nghiệp.

Từ quy định trên có thể thấy pháp luật hiện nay không can thiệp quá sâu vào quá trình sử dụng vốn của doanh nghiệp mà chỉ đưa ra những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của các thành viên góp vốn trong doanh nghiệp bằng cách đưa ra những quy định liên quan đến quyền kiểm soát của họ đối với việc sử dụng vốn trong doanh nghiệp.