Khái niệm về rủi ro – Hỗ trợ, tư vấn, chắp bút luận án tiến sĩ
Khái niệm về rủi ro
Rủi ro được xem là một khái niệm đa chiều (multi-factors) do tác động của rủi ro đến lợi nhuận thông qua nhiều con đường khác nhau. Vì thế để nhận dạng và hạn chế tác động rủi ro đến lợi nhuận, lý thuyết đã phân rủi ro thành nhiều loại rủi ro khác nhau. Theo cách tiếp cận tài chính doanh nghiệp, rủi ro một doanh nghiệp được phân thành nhiều nhóm rủi ro như: rủi ro tài chính, rủi ro kinh doanh, rủi ro hoạt động, rủi ro chính trị.
Đối với NHTM, rủi ro tài chính là đặc biệt quan trọng vì ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến tiền tệ và bản chất hoạt động luôn tìm ẩn rủi ro. Vì thế, việc nâng cao hiểu biết về rủi ro ngân hàng sẽ rất quan trọng đối với các chủ thể tham gia thị trường tài chính. Các nhà quản lý và giám sát mang trọng trách đảm bảo hệ thống NHTM phát triển an toàn và ổn định, do đó sẽ tập trung vào rủi ro tổng thể và rủi ro đặc thù (Haq và Heaney, 2012).
Trong khi các cổ đông ngân hàng thường lo ngại vào việc mất khả năng thanh toán của ngân hàng nên sẽ tập trung vào rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất, rủi ro tổng thể, rủi ro đặc thù, rủi ro tín dụng (Haq và Heaney, 2012). Chính vì các lý do này mà nhiều nghiên cứu thực nghiệm tập trung nghiên cứu các yếu tố tác động đến các loại rủi ro này.
Sự phát triển các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy phân tích rủi ro tập trung vào nhóm rủi ro vốn cổ phần (rủi ro tổng thể, rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất, rủi ro đặc thù), và rủi ro tín dụng. Konishi và Yasuda (2004) đã phân tách rủi ro tổng thể thành rủi ro đặc thù, rủi ro hệ thống, rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất. Dựa trên cách tiếp cận của Basel, rủi ro ngân hàng bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, trong đó công thức tính rủi ro tổng thể gần giống rủi ro hoạt động (Sun, 2011). Gần giống với cách phân tích của Konishi và Yasuda (2004), Haq và Heaney (2012) đã phân tách rủi ro tổng thể thành rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất, rủi ro đặc thù, rủi ro tín dụng. Bản chất rủi ro là khả năng dẫn đến tổn thất NH.
Xem thêm: Khái niệm chung về rủi ro
Cùng với sự phát triển phức tạp của thị trường tài chính, diễn biến rủi ro ngày càng đa dạng. Gần đây nhất, Leung và cộng sự (2015) phân chia rủi ro ngân hàng thành 6 loại rủi ro gồm: rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất, rủi ro vỡ nợ, rủi ro mất thanh khoản vốn, rủi ro liên quan đến khủng hoảng, rủi ro đặc thù.
Theo các cách tiếp cận trên, mặc dù Leung và cộng sự (2015) phân chia khá chi tiết từng loại rủi ro nhưng cách tiếp cận này chỉ dựa trên mô hình đa nhân tố thị trường và được đo lường trên thông tin thị trường. Thêm vào đó, chức năng cơ bản của ngân hàng là huy động để cho vay nhưng chỉ có Haq and Heaney (2012) đưa rủi ro tín dụng vào nghiên cứu chung với các loại rủi ro có nguồn gốc thị trường.
Qua phần phân tích trên, vấn đề phân tích rủi ro vốn cổ phần và rủi ro tín dụng được quan tâm chú trọng, đặc biệt từ sau khủng hoảng tài chính 2008 thì vấn đề phân tích các loại rủi ro thật sự cần thiết. Tuy nhiên, một điểm cần chú ý trong các phân tích rủi ro ngân hàng, mỗi loại rủi ro có một cách tiếp cận khác nhau trong phương pháp đo lường nên mỗi rủi ro sẽ phản ánh một khía cạnh nhất định của rủi ro. Vì vậy, mối quan hệ giữa các yếu tố tác động đến rủi ro và mối quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận vẫn là chủ đề tiếp tục được nghiên cứu. Để có cơ sở phân tích và triển khai các đo lường trong các nội dung tiếp theo, luận án sẽ khái quát các định nghĩa về năm loại rủi ro được phân tích trong luận án, cụ thể như sau:
– Rủi ro tín dụng: Rủi ro thay đổi giá trị do các thay đổi trong chất lượng tín dụng của ngân hàng. Nguồn gốc của rủi ro tín dụng từ việc khách hàng không trả được nợ vay ngân hàng, một khách hàng tham gia vào hợp đồng tín dụng phát sinh với ngân hàng theo đó số tiền phải thanh toán là dựa trên giá trị thị trường nhưng sau đó thị trường thay đổi bất lợi nên khách hàng nhận nợ bắt buộc và không trả được nợ. Theo cách tiếp cận từ phía ngân hàng, rủi ro thường được đo lường bằng tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro.
– Rủi ro tổng thể: Khi danh mục đầu tư chỉ bao gồm một loại tài sản, ví dụ như cổ phiếu của một công ty, thì rủi ro của danh mục hoàn toàn là rủi ro của cổ phiếu đó, hay còn được gọi là rủi ro tổng thể. Rủi ro tổng thể được đo bằng độ biến thiên của suất sinh lợi, do tác động của các yếu tố chung của thị trường và nền kinh tế như: lạm phát, tỷ giá hối đoái, chu kỳ kinh doanh và các yếu tố đặc thù của bản thân doanh nghiệp phát hành cổ phiếu. Rủi ro tổng thể cho biết khả năng không chắc chắn của dòng thu nhập từ toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp (Miller, 1990). Trong các nghiên cứu thực nghiệm NHTM, rủi ro tổng thể đo lường các biến động của dòng tiền, cụ thể là bằng phương sai của lợi nhuận ROA, ROE (Miller, 1990) hoặc bằng độ lệch chuẩn của lợi nhuận cổ phiếu (Haq và Heaney (2012), Galagedera (2014)).
Trong rủi ro tổng thể, rủi ro do các yếu tố chung tạo ra được gọi là rủi ro hệ thống vì nó tác động đến tất cả các loại tài sản trên thị trường. Rủi ro hệ thống có các rủi ro thành phần như: rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất, rủi ro tỷ giá. Khái niệm về rủi ro thị trường và rủi ro lãi suất cụ thể như sau:
– Rủi ro thị trường: Rủi ro thị trường được định nghĩa là mức độ nhạy cảm của lợi nhuận cổ phiếu trước những biến động thị trường, thường được đo lường bằng beta thị trường (Baele và cộng sự, 2015). Hay nói cách khác, rủi ro thị trường là rủi ro của một doanh nghiệp không dự tính được sự thay đổi của thị trường (giá cả hàng hóa, giá cổ phiếu, giảm giá đồng tiền). Rủi ro thị trường được đo lường bằng beta của mô hình CAPM. Nguồn gốc của rủi ro thị trường từ rủi ro đồng tiền, rủi ro từ những khoản thu nhập cố định như: kỳ vọng lạm phát, biến động thị trường chứng khoán, biến động hàng hóa, và vấn đề thanh khoản thị trường.
– Rủi ro lãi suất: Là rủi ro việc ngân hàng không dự tính được sự thay đổi của lãi suất thị trường dẫn đến thay đổi cấu trúc kỳ hạn (rủi ro chênh lệch kỳ hạn) của các tài sản nhạy cảm với lãi suất, hoặc rủi ro phát sinh từ mối tương quan không hoàn hảo khi thay đổi lãi suất phải trả và lãi suất phải thu của các tài sản có cùng đặc điểm. Trong phạm vi luận án này, rủi ro lãi suất được xem là một thành phần của rủi ro thị trường và được đo lường bằng beta của mô hình CAPM.
– Rủi ro đặc thù: Cũng trong rủi ro tổng thể, rủi ro đặc thù là rủi ro do các yếu tố riêng của tài sản tạo ra (Merton, 1987). Khi kết hợp nhiều loại tài sản với nhau trong một danh mục đầu tư thì rủi ro đặc thù của cả danh mục được giảm xuống do các yếu tố tác động đến rủi ro đặc thù của các loại tài sản riêng lẽ trong danh mục là khác nhau và có thể triệt tiêu lẫn nhau. Nếu số lượng tài sản trong danh mục là đủ lớn thì rủi ro đặc thù của danh mục sẽ được loại bỏ. Rủi ro đặc thù cũng chính là độ lệch chuẩn của phần dư (Residual Risk) trong mô hình CAPM.
Khái niệm về rủi ro