Khái niệm về kinh doanh rượu, bia? Các điều kiện về kinh doanh rượu, bia?

Thưa Luật sư: Gia đình tôi có truyền thống nấu rượu. Nhưng chưa phát triển thành kinh doanh rượu. Hiện nay, tôi muốn kinh doanh rượu tại địa phương theo hình thức thủ công thì tôi cần phải đáp ứng những điểu kiện gì?

1. Khái niệm về kinh doanh rượu

Căn cứ Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Kinh doanh rượu: “Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men (có hoặc không chưng cất) từ tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của cây và hoa quả hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm. (Ethanol).”

Rượu không bao gồm: Bia các loại; nước trái cây lên men các loại có độ cồn dưới 5% theo thể tích.

Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn vấn đề, Ban biên tập gửi tới bạn một số khái niệm như sau:

– Sản xuất rượu công nghiệp là hoạt động sản xuất rượu trên dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp.

– Sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp.

– Rượu bán thành phẩm là rượu chưa hoàn thiện dùng làm nguyên liệu để sản xuất rượu thành phẩm.

– Bán rượu tiêu dùng tại chỗ là hoạt động bán rượu trực tiếp cho người mua để tiêu dùng tại địa điểm bán hàng.

Kinh doanh rượu bao gồm những hoạt động sau: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

Mỗi hoạt động sẽ có những điều kiện riêng. Các tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện này. 

2. Những nguyên tắc kinh doanh rượu theo quy định pháp luật hiện hành

2.1. Nguyên tắc quản lý rượu

Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu; bán buôn rượu; bán lẻ rượu; bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép.

Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã.

2.2. Chất lượng và an toàn thực phẩm

Rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Những thủ tục này phải được thực hiện trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và trường hợp này, tổ chức, cá nhân cũng thực hiện trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.

2.3. Dán tem và ghi nhãn hàng hóa rượu

Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa. Trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại thì không cần phải dán tem và ghi nhãn hàng hóa.

Rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.

2.4. Những hành vi vi phạm pháp luật khi kinh doanh rượu

Những hành vi vi phạm pháp luật khi kinh doanh rượu mà tổ chức, cá nhân cần lưu ý:

– Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép.

– Sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu.

– Cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu

– Trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật; rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm; rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

– Bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet. Bán rượu bằng máy bán hàng tự động.

– Quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.

Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần lưu ý để tránh không thực hiện những hành vi vi phạm này.

– Ngoài rakinh doanh rượu phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật.

3. Các điều kiện kinh doanh

Thưa Luật sư: Gia đình tôi có truyền thống nấu rượu. Hiện nay, tôi muốn mở rộng sang kinh doanh rượu thì tôi cần phải đáp ứng những điểu kiện gì?

Mỗi một hoạt động sẽ có những điều kiện kinh doanh riêng.

– Điều kiện sản xuất rượu công nghiệp:

+ Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

+ Có dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghiệp sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất.

+ Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định

+ Bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định

+ Đáp ứng các quy định về ghi nhãn hàng hóa rượu

+ Có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu.

– Điều kiện sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh:

+ Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh

+ Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.

– Điều kiện sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại:

+ Có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp

+ Trường hợp không bán rượu cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh

– Điều kiện phân phối rượu:

+ Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

+ Có quyền sử dụng hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn sử dụng từ 150 m trở lên

+ Rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm.

+ Có hệ thống phân phối rượu trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; tại địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có ít nhất 01 thương nhân bán buôn rượu.

+ Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài.

+ Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường 

– Điều kiện bán buôn rượu:

+ Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật

+ Có quyền sử dụng hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn sử dụng từ 50 m trở lên.

+ Rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.

+ Có hệ thống bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi thương nhân đặt trụ sở chính với ít nhất 03 thương nhân bán lẻ rượu

+ Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu khác

+ Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.

– Điều kiện bán lẻ rượu:

+ Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh.

+ Có quyền sử hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng

+ Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu

+ Rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định

+ Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường

– Điều kiện bán rượu tiêu dùng tại chỗ:

+ Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh.

+ Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng; rượu tiêu dùng tại chỗ phải được cung cấp bởi thương nhân có Giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ rượu

+ Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.

+ Trường hợp thương nhân tự sản xuất rượu để bán tiêu dùng tại chỗ thì phải có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp hoặc Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh

4. Một số điểm mới của pháp luật về hoạt động kinh doanh rượu

Để cụ thể hóa các quy định tại Luật phòng chống tác hại của rượu, bia ngày 14/6/2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu. Cụ thể một số điểm mới như sau:

Thứ nhất: Hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép, thay vào đó chỉ cần đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện

Đó là một trong những điểm mới về kinh doanh rượu được quy định tại khoản 1, Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP (sửa đổi Điều 4 Nghị định 105/2017/NĐ-CP), về nguyên tắc quản lý rượu: “Thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép; thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện…; Trong quá trình bán rượu tiêu dùng tại chỗ, thương nhân phải tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật”.

Thứ hai: Thương nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh được quyền mua rượu của hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công để chế biến lại

Được quy định tại Khoản 9, Điều 16; bổ sung Khoản 5, Điều 16 Nghị định  105/2017/NĐ-CP. Theo đó cụm từ “Sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại” quy định tại Khoản 1 Điều 6, Điều 10, Điều 17; Khoản 2 và 3 Điều 32 Nghị định 105/2017/NĐ-CP cũng được thay thế bằng cụm từ “Sản xuất rượu thủ công để bán cho các cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại” để phù hợp với thực tế thực hiện.

Thứ ba: Nghị định bổ sung Chương IIa vào sau Chương II kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ

– Cụ thể, bổ sung quy định điều kiện sản xuất rượu có độ cồn dưới 5,5 độ gồm: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở sản xuất. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.

– Nghị định cũng bổ sung quy định điều kiện nhập khẩu rượu có độ cồn dưới 5,5 độ: Đáp ứng các điều kiện quy định nêu trên, rượu chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế; phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện nơi thương nhân đặt trụ sở chính trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.

– Ngoài ra, Nghị định quy định điều kiện bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ gồm: Đáp ứng các điều kiện nêu trên; đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở kinh doanh trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.

5. Trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh rượu, bia

– Tuân thủ quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh rượu, bia; về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ghi nhãn hàng hóa đối với rượu, bia. Thông tin về sản phẩm rượu, bia phải bảo đảm chính xác, khoa học.

– Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hoạt động kinh doanh của cơ sở theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

– Không sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh, quảng cáo rượu, bia.

– Thu hồi và xử lý rượu, bia không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm do cơ sở mình sản xuất, mua bán theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

– Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh.

– Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia.

– Kể từ ngày Luật Phòng chống tác hại của rượu bia 2019 có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

Như vậy, từ ngày 01/01/2020, các cơ sở kinh doanh rượu, bia tuyệt đối không được bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, trường hợp cần thiết có thể yêu cầu người mua xuất trình chứng minh nhân dân để kiểm tra độ tuổi. Các cơ sở kinh doanh rượu, bia cũng không được mở mới điểm bán rượu, bia trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.