Khái niệm về hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa Luật sư và khách hàng là gì ?

Dịch vụ pháp lý được hiểu là sự giúp đỡ pháp luật, bao gồm những công việc như tham gia tố tụng với tư cách là người tham gia bào chữa cho thân chủ tức là những bị can, bị cáo hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự, lao động, thương mại, hành chính; Việc tham gia tố tụng trọng tài để giải quyết tranh chấp; Tư vấn pháp luật đối với các lĩnh vực như dân sự, hình sự, lao động…, soạn thảo hợp đồng, đơn từ theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức; Đại diện theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức để thực hiện công việc có liên quan đến pháp luật; Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

Khái niệm hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa Luật sư và khách hàng

Hợp đồng dịch vụ: Theo quy định tại Điều 513 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Hợp đồng dịch vụ pháp lý: Trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa có một quy định nào thể hiện thế nào là hợp đồng dịch vụ pháp lý. Tuy nhiên có thể khái quát khái niệm như sau:

Hợp đồng dịch vụ pháp lý là một loại hợp đồng thuộc ngành dịch vụ nghề nghiệp, theo đó bên luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho bên thuê luật sư, còn bên thuê luật sư phải trả tiền thù lao theo thỏa thuận,

Các chủ thể có thể cung ứng dịch vụ pháp lý: tổ chức hành nghề luật sư, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, văn phòng Thừa phát lại, Tổ chức trọng tài thương mại.

Luật luật sư năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư năm 2012 không đưa ra định nghĩa về hợp đồng dịch vụ pháp lý, tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 26 Luật luật sư năm 2006 và Bộ luật dân sự năm 2015 có thể đưa ra định nghĩa về hợp đồng dịch vụ pháp lý như sau: “Hợp đồng dịch vụ pháp lý là một thoả thuận bằng văn bản giữa tổ chức hành nghề luật sư và khách hàng, theo đó tổ chức hành nghề luật sư. cho khách hàng các dịch vụ pháp lý và khách hàng phải trả phí , cho tổ chức hành nghề luật sư, trừ khi các bên có thoả thuận khác”.

Như vậy, Hợp đồng dịch vụ pháp lý là văn bản thỏa thuận giữa Luật sư với khách hàng về phạm vi dịch vụ pháp lý mà Luật sư thực hiện theo yêu cầu của khách hàng. Hợp đồng được ký kết trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hợp đồng dân sự, phù hợp với quy định của Bộ Luật Tố Tụng Hình sự và Luật Luật sư.

Khi tiếp nhận vụ việc theo yêu cầu của khách hàng hai bên phải ký Hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan Tiến hành tố tụng và Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo Hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức.

Hình thức hợp đồng dịch vụ pháp lý

Theo quy định của khoản 2 Điều 26 Luật luật sư năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư năm 2012: “Hợp đồng dịch vụ pháp lý phải được làm thành văn bản…”.

Như vậy, luật chỉ ghi nhận duy nhất hình thức hợp đồng dịch vụ pháp lý là văn bản. Luật đã loại trừ các hình thức thể hiện sự thoả thuận của các bên thông qua lời nói hoặc các hành vi cụ thể .

Vậy, trong trường hợp các bên giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng lời nói (hay còn gọi là hợp đồng miệng) mà không lập thành văn bản thì sẽ như thế nào?

Theo quy định tại Điều 129 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng thông tuân thủ điều kiện về hình thức sẽ bị vô hiệu trừ trường hợp “một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó”.

Như vậy, trong trường hợp hợp đồng dịch vụ pháp lý không được lập thành văn bản nhưng đảm bảo các điều kiện sau đây thì vẫn có thể coi như các bên đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý bằng văn bản:

(i) Một bên đã thực hiện được ít nhất hai phần ba các nghĩa vụ;

(ii) Cả hai bên đã thực hiện được ít nhất hai phần ba các nghĩa vụ (một bên cung cấp dịch vụ tư vấn, một bên thanh toán tiền).

Về phía khách hàng, việc chứng minh đã thực hiện được ít nhất hai phần ba nghĩa vụ không khó vì dựa trên khoản tiền phí dịch vụ mà các bên đã thoả thuận và số tiền mà khách hàng đã thanh toán thì có thể đưa ra được một con số chính xác. Tuy nhiên, về phía tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, sẽ khó xác định thế nào là đã thực hiện được hai phần ba nghĩa vụ. Bởi lẽ dịch vụ pháp lý là một dịch vụ tương đối đặc thù, rất khó định lượng được. Nó chỉ có thể xác định được khi có những căn cứ cụ thể hoặc là chứng minh được tổ chức hành nghề luật sư đã hoàn thành nghĩa vụ tư vấn của mình.