Khái niệm về âm nhạc – Hát Rong

Khái niệm âm nhạc

Âm nhạc là nghệ thuật dùng âm thanh và nhịp điệu để diễn tả tư tưởng và tình cảm của con người.

Nghệ thuật âm nhạc gắn bó mật thiết với đời sống xã hội. Loài người sử dụng nó như một phương tiện để làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Âm nhạc phản ánh tư tưởng, trí tuệ của con người và có tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của bao người khác. Nó làm rung động những tình cảm lắng đọng trong tâm hồn, chắp cánh cho sức tưởng tượng bay bổng. Nghệ thuật âm nhạc rất phổ biến, nó giúp mọi người nhận thức và yêu cuộc sống hơn, đem lại cho con người những cảm xúc về thẩm mĩ.

Có thể nói, âm nhạc là một phương tiện hiệu quả để giáo dục con người phát triển toàn diện.

Khác với hội hoạ và điêu khắc, những môn nghệ thuật tạo hình có khả năng tạo nên những hình dáng cụ thể để khắc hoạ cuộc sống, âm nhạc thuộc loại nghệ thuật biểu hiện, không “vẽ” nên cuộc sống mà dùng âm thanh để
biểu hiện tư tưởng tình cảm của con người trước cuộc sống và cảnh vật.

Là một ngôn ngữ biểu hiện nội dung bằng âm thanh, âm nhạc có những nét gần gũi với ngôn ngữ nói, như âm điệu, tức độ cao thấp, mạnh nhẹ của âm thanh, ở cả hai ngôn ngữ, âm thanh cao và mạnh dần là biểu hiện về sự thăng tiến về tình cảm, nhẹ và xuống dần là biểu hiện của sự suy tư, sâu lắng tiết tấu, tức độ nhanh chậm, ngừng nghỉ của âm thanh. Tiết tấu dồn dập cho ta cảm giác rộn ràng, hưng phấn, tiết tấu ngắt quãng biểu hiện sự chờ đợi, ngập ngừng, nhịp điệu khoan thai cho ta sự bình tĩnh, thanh thản v.v… Song, hai ngôn ngữ có điểm khác nhau cơ bản. Đó là, tiếng nói, với chức năng là một phượng tiện giao lưu tư tưởng, coi cái chính yếu, cốt lõi là ngữ nghĩa nằm trong vỏ âm thanh của ngôn từ, còn những yếu tố khác như âm điệu, nhịp điệu, sắc thái, tiết tấu và phát huy cao độ khả năng biểu cảm của chúng.

Cơ sở vật lí của âm thanh

Âm nhạc hình thành trên cơ sở âm thanh, đó là những âm thanh đã được chọn lọc với những thuộc tính riêng, đáp ứng được yêu cầu về sự diễn tả và sự hoà hợp của âm nhạc.

Âm thanh được tạo ra bởi sự dao dộng của một vật thể dàn hồi nào đó. Khi vật thể đàn hồi dao động đã tạo ra những sóng âm. Những sóng âm này lan truyền trong không gian đến tai người làm cho màng nhĩ cũng dao động cùng với tần số của sóng đó. Từ màng nhĩ những sóng âm này truyền qua hệ thần kinh của bộ nào tạo nên cảm nhận về âm thanh.

Con người nghe được số lượng lớn các âm thanh khác nhau, nhưng không phải mọi âm thanh đều được dùng trong âm nhạc, cần phân biệt những âm thanh có tính nhạc và những tiếng động.

Những âm thanh mà con người cảm thụ được có tần số được xác định như: tiếng hát, tiếng đàn, tiếng sáo… Những âm thanh này gọi là những âm có cao độ rõ ràng, còn gọi là những âm thanh có tính nhạc (âm nhạc).

Những âm với tần số không được xác đinh như tiếng nói chuyện, tiếng ồn, tiếng động cơ, tiếng đập gõ, tiếng sấm chớp, gió thổi… là những âm không có độ cao rõ ràng, gọi là tiếng động hoặc tạp âm.