Khái niệm về Festival và lễ hội truyền thống

Hiện nhiều người đang bị nhầm lẫn về nội hàm của hai khái niệm: festival và lễ hội truyền thống. Sự mù mờ về mặt nhận thức đã dẫn đến những hệ lụy về mặt quản lý và dẫn đến những sai lầm khi tổ chức.

Festival là một loại hình sự kiện có quy mô lớn hoặc siêu lớn được sản xuất ra cho một phân khúc thị trường nào đó. Festival có nguồn gốc từ phương tây và có công nghệ tổ chức rất khác so với các lễ hội truyền thống ở nước ta.

Việc ra đời các festival có hai nguyên nhân: Thứ nhất, bản thân đời sống tinh thần ở nơi đô thị, khu công nghiệp cần có những cách tổ chức riêng, khác với đời sống nông thôn. Nhu cầu của cư dân đô thị đòi hỏi cần phải có các sự kiện văn hóa làm sống động đời sống tinh thần trong bối cảnh đường phố, quảng trường. Do vậy, các festival là cách thức tốt nhất biểu thị bản sắc địa phương. Thứ hai, từ lâu những người tổ chức đã nhìn thấy thêm một tiềm năng của festival, đó là festival có thể mang lại lợi nhuận về mặt kinh tế hay hiệu quả về mặt văn hóa xã hội.

Festival Huế
Festival Huế

Như vậy, festival ra đời như một công cụ, một cách để quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương, đáp ứng yêu cầu của đời sống tinh thần của cư dân thành thị, và có thể tạo ra lợi nhuận nếu biết đầu tư cho nó như một sản phẩm du lịch được bán trên thị trường.

Trong khi đó, lễ hội truyền thống là một nghi thức tôn giáo – tâm linh truyền thống từ ngàn đời xưa, được ra đời do nhu cầu tinh thần của một cộng đồng nông thôn. Lễ hội được vận hành bởi tính tự nguyện và các ‘luật lệ’ của cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tinh thần và tạo nên một thương hiệu đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Các nhà nghiên cứu đánh giá, tổ chức festival là một bài toán kinh tế. Do đó, nó yêu cầu các yếu tố sau đây: Thứ nhất, là sự tham gia của giới làm nghệ thuật. Họ sẽ là chủ nhân chính trong việc tạo nên các sự kiện nghệ thuật cho festival. Thứ 2 là sự tham gia của giới tổ chức các sự kiện chuyên nghiệp. Festival là sự kiện có quy mô lớn vì vậy để tổ chức festival cần hình thành cả một đội ngũ tổ chức sự kiện, với các đạo diễn, các công ty. Họ sẽ là những người khớp nối các sự kiện lại với nhau. Cuối cùng là sự tham gia của chính quyền địa phương nơi tổ chức festival. Điều này rất quan trọng, bởi chính quyền địa phương cần cho chủ trương, cho phép sử dụng không gian, huy động lực lượng…thì festival mới hoạt động có hiệu quả.

Festival biển Nha Trang - Khánh Hòa
Festival biển Nha Trang – Khánh Hòa

Ở các nước châu Âu, festival được tổ chức rất nhiều. Do vậy, khi tổ chức festival, yêu cầu hàng đầu được đặt ra đó là sự khác biệt, tức là bản sắc. Điều này được hình thành bởi yếu tố nghệ thuật, được thể hiện trên hai phương diện là chủ đề, và các chương trình nghệ thuật trong festival. Các yếu tố khác bao gồm danh lam thắng cảnh, làng nghề… có thể tạo nên sức hút ban đầu, nhưng về lâu dài, chính các yếu tố nghệ thuật sẽ quyết định sức thu hút của festival. Trong bối cảnh châu Á và Việt Nam hiện nay, có một yếu tố nữa, đó là các di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống. Yếu tố này có thể được khai thác và phát huy trong bối cảnh đương đại, thành các sự kiện và sản phẩm có những nét đặc trưng riêng, để cho festival của chúng ta có nội dung khác so với các nước công nghiệp phát triển.

Việc tổ chức festival là một bài toán thị trường, do vậy nó phải được xây dựng trên nhu cầu, các tiêu chí của bài toán thị trường. Các yếu tố công nghệ tổ chức và khoa học kỹ thuật (để trình diễn) là rất quan trọng, góp phần hỗ trợ và làm nền tảng để cho tác phẩm nghệ thuật thành một sản phẩm có thể bán được.

Từ sự khác nhau về bản chất của festival và lễ hội truyền thống, chúng ta cần phải có những điều chỉnh sao cho thích hợp trên cơ sở những đặc điểm của hai đối tượng.

Theo các nhà quản lý, Festival nghệ thuật cần được điều chỉnh bằng một văn bản quản lý nhà nước đặc thù, thuộc cơ quan quản lý nghệ thuật. Chúng ta không thể gói gọn festival  trong phạm trù lễ hội và càng không thể khoác cho nó một tên gọi là lễ hội văn hóa-du lịch.

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng
Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng

Nắm bắt được vấn đề này, Nhà nước chỉ đầu tư có trọng điểm vào hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu, trong đó lễ hội truyền thống là một loại hình di sản phi vật thể cần phải xây dựng các văn bản pháp quy và kiểm tra việc thực hiện. Về cơ bản, các lễ hội cần để cho cộng đồng tự quản. Còn việc đầu tư cho các festival thì chủ yếu là câu chuyện của thị trường. Nhà nước không nên đầu tư tràn lan vào các festival bằng ngân sách nhà nước mà nên để thị trường tự điều tiết theo quy luật cung – cầu. Ví dụ như Festival pháo hoa Đà Nẵng là một sự thành công về phương diện nghệ thuật và thị trường khi áp dụng nguyên tắc này. Chúng ta không nên đòi hỏi tính nguyên gốc, tín linh thiêng trong một số sự kiện lấy chất liệu truyền thống, bởi đó cũng là một cách để phát huy giá trị văn hóa tinh thần trong đời sống đương đại,  tuy nhiên chưa được hoàn hảo.

Bên cạn đó, chính quyền cũng cần có tư duy và áp dụng một số phương thức tổ chức sự kiện vào lễ hội truyền thống, nhất là trong thời điểm tại nhiều lễ hội truyền thống đã có một không gian mới, một cấu trúc bị biến đổi và được coi là một sự kiện không chỉ ở riêng từng cộng đồng, mà có sự tham dự của khách thập phương. Chúng ta cũng cần có những nghiên cứu, đánh giá khoa học về một số lễ hội có đưa yếu tố mới. Sự ảnh hưởng không phải không có cơ sở nhưng cái chính là chúng ta phải phân tích, mổ xẻ một cách khách quan và khoa học, tìm những yếu tố thích hợp, qua đó hướng dẫn và định hướng dư luận và cộng đồng. Đặc biệt, chúng ta không thể lấy tư duy của quản lý lễ hội truyền thống để áp đặt, đánh giá các festival.

Festival là một sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa, do vậy nó cần được đặt trong một chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Đây cũng là cách để chúng ta có thể hội nhập với nền văn hóa quốc tế một cách hiệu quả.

PGS, TS Lương Hồng Quang