Khái niệm và vai trò của giám đốc doanh nghiệp – 123docz.net
7. Kết cấu của luận văn
1.1.2. Khái niệm và vai trò của giám đốc doanh nghiệp
Giám đốc doanh nghiệp là nhà quản trị cấp cao trong doanh nghiệp, có nhiệm
vụ tổng quát là đưa ra các quyết định chiến lược và tổ chức thực hiện quyết định đó để
duy trì và phát triển doanh nghiệp, chịu trách nhiệm về những thành quả cuối cùng của
doanh nghiệp. Ở nước ta hiện nay, trong một số doanh nghiệp có nhiều vị trí giám đốc
cụ thể như sau: Giám đốc nhân sự; Giám đốc tài chính; Giám đốc marketing…
Thực chất đối với các vị trí Giám đốc nhân sự; Giám đốc tài chính; Giám đốc
marketing chỉ tương đương với vị trí trưởng phòng, trưởng ban. Trong khuôn khổ đề tài
này, học viên chỉ tập trung giới hạn chức danh giám đốc được hiểu là người đứng đầu
doanh nghiệp, là người điều hành và chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động của
doanh nghiệp. Cấp trên của Giám đốc là Hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần), Hội
đồng thành viên (đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn) và là chủ sở hữu (đối với doanh
nghiệp tư nhân)…Cấp dưới của giám đốc là toàn bộ bộ máy nhân sự của doanh nghiệp
bao gồm nhiều cấp quản trị như trưởng/phó phòng ban, các đơn vị trực thuộc…Giám đốc
doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong sự thành công của doanh nghiệp. Với vai
trò là người đứng đầu trong mỗi doanh nghiệp, giám đốc doanh nghiệp tham gia vào toàn
bộ quá trình quản lý, điều hành mọi hoạt động của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt
động của doanh nghiệp, giám đốc doanh nghiệp chính là bộ mặt, là linh hồn của doanh
nghiệp. Một giám đốc giỏi được thể hiện đó là sẽ hoàn thành mọi chỉ tiêu hoạt động của
doanh nghiệp, nhưng nếu không thể hiện năng lực của một giám đốc giỏi sẽ làm phá sản
một doanh nghiệp một cách nhanh chóng. Trong thời đại hiện nay những năng lực điều
hành hoạt động, các giám đốc doanh nghiệp thường phải thực hiện nhiều loại công việc
khác nhau, thậm chí phải ứng xử theo những cách
khác nhau: trong doanh nghiệp với cấp trên, cấp dưới, các cổ đông… ngoài doanh
nghiệp với khách hàng, đối tác, chính quyền…
Theo Mintzberg (1973) đã xác định vai trò của giám đốc doanh nghiệp được
biểu hiện thông qua 3 vai trò chính, cụ thể như sau:
– Vai trò thông tin:
Vai trò người theo dõi thông tin: vai trò này đòi hỏi giám đốc doanh nghiệp
phải thu thập, phân tích, đánh giá thông tin về những biến động, những cơ hội và
những vấn đề khác có thể tác động đến doanh nghiệp. Những mối quan hệ giao tiếp
chính thức và không chính thức được xây dựng trong vai trò liên lạc thường có ích cho
vai trò theo dõi thông tin.
Vai trò người phổ biến thông tin: giám đốc doanh nghiệp là người trực tiếp
nhận nhiệm vụ từ cấp trên (Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu doanh
nghiệp), vì vậy họ cần cung cấp đủ những thông tin cần thiết cho người dưới quyền để
họ có cơ sở thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Vai trò người phát ngôn: giám đốc doanh nghiệp chính là người đại diện doanh
nghiệp mình quản lý cung cấp thông tin cho các tổ chức bên ngoài. Mục tiêu của sự
cung cấp thông tin này có thể là để giải thích, bảo vệ hay tranh thủ thêm sự ủng hộ cho
doanh nghiệp.
– Vai trò chỉ huy và liên kết giữa các cá nhân:
Vai trò thủ trưởng danh dự: là vai trò nghi lễ, chẳng hạn khi tiếp các đối tác,
khách hàng, người giám đốc sẽ là người đại diện cho doanh nghiệp. Vai trò này cho
thấy hình ảnh của doanh nghiệp mà họ đang điều hành.
Vai trò chỉ huy, điều hành hoạt động: vai trò này đòi hỏi người giám đốc doanh
nghiệp chỉ đạo và điều phối những hoạt động của những người dưới quyền, bố trí nhân
sự, đôn đốc người khác làm việc, đồng thời phải kiểm tra, đảm bảo chắc chắn rằng mọi
hoạt động đều diễn ra theo đúng kế hoạch để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Vai trò liên lạc: vai trò này buộc giám đốc doanh nghiệp phải can dự vào những
mối liên hệ giữa các cá nhân ở trong hay ngoài doanh nghiệp nhằm góp phần hoàn thành
kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Vai trò liên lạc thường chiếm khá nhiều thời
gian của giam đốc doanh nghiệp.
– Vai trò quyết định
Vai trò người chủ trì: giám đốc doanh nghiệp phải tạo ra những chuyển biến tốt
trong doanh nghiệp, chẳng hạn giám đốc doanh nghiệp đề ra kế hoạch kinh doanh mới
nhằm gia tăng doanh số, lợi nhuận, thị phần…của doanh nghiệp
Vai trò người xử lý những xáo trộn: giám đốc đưa ra các quyết định hay thi
hành biện pháp chấn chỉnh nhằm đối phó với những biến cố bất ngờ khách quan và
chủ quan trong hay ngoài doanh nghiệp. Chẳng hạn họ phải đối phó với khách hàng vi
phạm hợp đồng, thay đổi tổ chức, xung đột nội bộ….
Vai trò người phân bổ nguồn tài nguyên: giám đốc doanh nghiệp phải quyết
định việc phân phối các tài nguyên cho ai, số lượng bao nhiêu, trong thời gian nào…
Các tài nguyên có thể là tiền bạc, nhân lực, trang thiết bị…Vì doanh nghiệp không bao
giờ có tài nguyên cho tất cả mọi người, người giám đốc doanh nghiêp cần sử dụng tối
ưu, phân phối hợp lý, tiết kiệm các tài nguyên ấy. Việc phân bổ tài nguyên là vai trò
rất quan trọng của giám đốc doanh nghiệp.
Vai trò người thương lượng: giám đốc doanh nghiệp phải thực hiện vai trò
thương lượng khi tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng với các đối tác trong các hoạt
động sản xuất kinh doanh, thương lượng với công đoàn về quyền lợi của công nhân…
Giám đốc doanh nghiệp có thể thực hiện cùng một lúc nhiều vai trò và sự phối hợp
cũng như tầm quan trọng của các vai trò này để hoàn thành nhiệm vụ quản lý và điều
hành doanh nghiệp của mình.