Khái niệm và đặc điểm của quyền lực chuẩn tắc

Khái niệm “quyền lực chuẩn tắc” (normative power) được học giả I-an Man-nơ (Ian Manners) đưa ra vào đầu thế kỷ XXI với quan điểm “quyền lực chuẩn tắc là năng lực định hình hoặc thay đổi những gì được coi là bình thường trong quan hệ quốc tế”.

1. Khái niệm và đặc điểm của quyền lực chuẩn tắc

Trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế đã đưa ra nhiều khái niệm quyền lực khác nhau. Bên cạnh khái niệm truyền thống, như quyền lực cứng, quyền lực mềm, còn có quyền lực thông minh, quyền lực dân sự… Khái niệm “quyền lực chuẩn tắc” (normative power) được học giả I-an Man-nơ (Ian Manners) đưa ra vào đầu thế kỷ XXI với quan điểm “quyền lực chuẩn tắc là năng lực định hình hoặc thay đổi những gì được coi là bình thường trong quan hệ quốc tế”. Theo đó, quyền lực chuẩn tắc có thể được hiểu là khả năng một chủ thể tạo ra, định hình và đưa những ý tưởng, giá trị, niềm tin hay nội dung liên quan đến quan niệm, quan điểm vào hệ thống quan niệm của chủ thể khác để đạt được mục đích của họ.

Nhóm nghiên cứu của dự án “Quyền lực của EU với tư cách là một chủ thể quốc tế” thuộc Mạng lưới nghiên cứu châu Âu tại Đại học Hen-xin-ki (Phần Lan) năm 2009 đưa ra định nghĩa về quyền lực chuẩn tắc ở một góc độ khác. Đó là, quyền lực chuẩn tắc tuân theo các quy định như luật pháp quốc tế hoặc các quy tắc và nguyên tắc thông thường khác nhau như chủ nghĩa đa phương. Vì vậy, một cường quốc có quyền lực chuẩn tắc có thể sử dụng sức mạnh quân sự, nhưng tiến hành theo phương thức đa phương và phải bảo đảm được sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế. Định nghĩa này càng củng cố cho quan điểm, ý tưởng của học giả I. Man-nơ và R. Uýt-man (Richard Whitman) rằng quyền lực chuẩn tắc tập trung vào các chuẩn mực phổ quát và có tính toàn cầu… Do đó, một quốc gia chuẩn tắc sẽ tuân thủ và thúc đẩy luật pháp quốc tế, từ đó tự ràng buộc mình với các quy tắc này.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu về loại hình quyền lực chuẩn tắc còn tương đối mới, chính vì vậy chưa có sự thống nhất thực sự về tên gọi bằng tiếng Việt cho thuật ngữ “normative power”. Do vậy, có thể lựa chọn cách gọi “quyền lực chuẩn tắc” để chuyển tải được hết ý nghĩa của khái niệm này như đã nêu ở trên, đó là quyền lực chuẩn tắc xoay quanh các vấn đề “chuẩn mực” và “quy tắc/nguyên tắc”.

2. Đặc điểm của quyền lực chuẩn tắc

Để có góc nhìn rõ ràng hơn về nội hàm của quyền lực chuẩn tắc, cần xem xét ba khía cạnh quan trọng của một loại hình quyền lực, gồm: nguồn của quyền lực, công cụ và phương thức thực hiện.

Nguồn của quyền lực là thành tố chính bảo đảm nền tảng của quyền lực. Trong số ba loại nguồn chính của quyền lực là quân sự, kinh tế và nguồn phi vật chất, thì nguồn phi vật chất là nguồn của quyền lực chuẩn tắc. Đây là loại nguồn tiềm năng phức tạp và khó nắm bắt, có thể được hiểu là niềm tin, giá trị văn hóa, chuẩn mực, các giá trị chính trị, các nguyên tắc và điều luật của một quốc gia… Trong đó, cấp độ cao nhất của nguồn quyền lực chuẩn tắc là luật lệ, bao gồm những tiêu chuẩn được cụ thể hóa bằng văn bản; các chủ thể phải có trách nhiệm và sẽ chịu chế tài nếu không tuân thủ. Đương nhiên, nội dung của các điều luật đều dựa trên chuẩn mực hay giá trị của cộng đồng để việc thi hành được bảo đảm. Nói một cách đơn giản, nguồn của quyền lực chuẩn tắc là nguồn phi vật chất tập trung vào các ý tưởng và lý tưởng. Tuy nhiên, trong thực tế, ba nguồn quân sự, kinh tế và phi vật chất thường có mối quan hệ mật thiết và bổ trợ lẫn nhau, nguồn này sẽ là nền tảng để phát triển nguồn kia và ngược lại. Công cụ để thực hiện quyền lực khá đa dạng, có thể là chính sách, mạng lưới quan hệ, các tổ chức… Đối với quyền lực chuẩn tắc, công cụ hay phương tiện thực hiện chủ yếu thông qua các tổ chức quốc tế, các hình thức hợp tác song phương và đa phương, như các diễn đàn thảo luận… Ngoài ra, công cụ thực hiện quyền lực chuẩn tắc còn có thể là học bổng, truyền thông, mạng xã hội…

Phương thức thực hiện quyền lực là cách chủ thể sử dụng công cụ để chuyển nguồn lực thành quyền lực. Có hai cách thức chính là bắt buộc và không bắt buộc. Về phương thức mà quyền lực chuẩn tắc sử dụng bao gồm rất nhiều hành vi, như định hình, truyền bá, làm thấm nhuần, phổ biến các giá trị, nguyên tắc và luật lệ…

Có thể khẳng định đặc điểm chính của quyền lực chuẩn tắc chính là “tính hợp pháp”, các nguyên tắc được khuyến khích, lan tỏa hay thúc đẩy đều phải “hợp pháp”. Nói cách khác, các nguyên tắc này phải phù hợp với luật pháp quốc tế mới có sức “thuyết phục” và “hấp dẫn”.

Về tác động của quyền lực chuẩn tắc đối với nền chính trị thế giới, có thể nhận thấy loại hình quyền lực này đã góp phần tạo nên một cách tiếp cận toàn diện hơn, chính đáng và bền vững hơn. Quyền lực chuẩn tắc đòi hỏi tư duy toàn diện hơn về mục tiêu của các thể chế và chính sách, phải xem xét kỹ lưỡng hơn cơ sở lý luận, nguyên tắc, thực tiễn, hành động và hậu quả, tác động của các tác nhân, chủ thể trong quan hệ quốc tế, chính trị thế giới. Trên thực tế, quyền lực chuẩn tắc thường được sử dụng cùng với các biện pháp có tính chất “cứng” hoặc “mềm”, song việc ưu tiên quyền lực chuẩn tắc có thể giúp bảo đảm rằng việc sử dụng bất kỳ các biện pháp nào cũng cần phải hợp lý, chính đáng và hợp pháp. Tư duy tổng thể và phương thức tiến hành chính đáng sẽ góp phần tạo nên một nền chính trị thế giới ổn định và bền vững hơn.

3. Quyền lực chuẩn tắc của Liên minh châu Âu

Có thể nói, trước sự phát triển đặc biệt của EU trong những thập niên gần đây, quyền lực chuẩn tắc là nội hàm được đưa ra để lý giải cho loại hình quyền lực của EU khi mà các loại hình quyền lực truyền thống, như quyền lực cứng hay quyền lực mềm… chưa đủ để giải thích toàn diện “trường hợp EU”.

Các nguyên tắc/quy tắc trong EU và các mối quan hệ của EU đối với các đối tác khác trên thế giới đều dựa trên những nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Trên thực tế, các nguyên tắc này có thể được chia thành các nguyên tắc cơ bản về hòa bình bền vững; các nguyên tắc cốt lõi về tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền; các mục tiêu và nhiệm vụ bình đẳng, đoàn kết xã hội, phát triển bền vững và quản trị tốt. Sự thống nhất và nhất quán trong việc thúc đẩy các nguyên tắc này xuất phát từ vai trò đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại được quy định trong Hiệp ước Li-xbon. Đây cũng chính là nguồn của quyền lực chuẩn tắc EU.

Trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, sức mạnh của các ý tưởng và lý tưởng đã có ảnh hưởng đến việc đưa Cộng đồng châu Âu trở thành EU. Những ý tưởng đó cũng giúp tạo ra một EU không chỉ còn tập trung vào các chính sách kinh tế hay chỉ quan tâm đến việc thực hiện nhiều hơn các hình thức ảnh hưởng và quyền lực mang tính vật chất. Có thể thấy, việc hình thành và thực thi quyền lực chuẩn tắc trong phần lớn các mối quan hệ của EU với phần còn lại của thế giới, bao gồm các khía cạnh đối ngoại của các chính sách nội bộ; các chính sách mở rộng, thương mại và phát triển cũng như quan hệ đối ngoại nói chung…

Đơn cử như, tiêu chuẩn Cô-pen-ha-gen đưa ra các yêu cầu mà một quốc gia cần phải thực hiện để trở thành một thành viên của EU. Liên minh sẽ chỉ chấp nhận tiến tới vòng đàm phán nếu các quốc gia mong muốn gia nhập có nền dân chủ ổn định, bảo đảm được pháp quyền, nhân quyền, lợi ích của các nhóm thiểu số; có nền kinh tế thị trường và khả năng tồn tại với động lực cạnh tranh trong thị trường của EU; khả năng thực hiện nghĩa vụ của thành viên, bao gồm việc tuân thủ các mục tiêu chính trị, kinh tế và tiền tệ của Liên minh. Tất cả những điều kiện này đều nhằm bảo vệ những giá trị cơ bản của EU. Một ví dụ khác về sức mạnh của ý tưởng và lý tưởng sau Chiến tranh lạnh của EU trong quan hệ với thế giới là ý tưởng về “phát triển bền vững” và “can thiệp nhân đạo”. Cả hai ý tưởng này đều xuất phát từ hệ thống Liên hợp quốc, được đưa vào cơ sở hiệp ước của EU và cuối cùng được thúc đẩy cũng như thực hiện trong các mối quan hệ đối ngoại của EU. Đây là cách mà EU hình thành quyền lực chuẩn tắc từ chính các giá trị mà EU theo đuổi và nuôi dưỡng.

4.  Quyền lực chính trị là gì?

Quyền lực chính trị là năng lực của một chủ thể trong việc áp đặt mục tiêu chính trị của mình đối với toàn xã hội. Quyền lực chính trị là quyền lực của một giai cấp hay liên minh giai cấp, của một lực lượng xã hội. Bản chất của quyền lực chính trị là quan hệ sức mạnh giữa các giai cấp trong việc giành, giữ, thực thi quyền lực nhà nước hoặc gây áp lực đối với quyền lực nhà nước.

Quyền lực chính trị khác với quyền lực công, quyền lực nhà nước. Quyền lực công đại diện cho tất cả mọi người trong xã hội, nảy sinh từ nhu cầu chung của cộng đồng xã hội để tạo ra và duy trì tổ chức và trật tự của xã hội. Quyền lực nhà nước là quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền được tổ chức thành nhà nước.

5. Đặc trưng của quyền lực chính trị

Tính tất yếu khách quan

Quyền lực chính trị hình thành là một tất yếu khách quan trong quá trình phát triển của xã hội. Khi con người sống thành cộng đồng, quyền lực công xuất hiện. Khi xã hội phân chia thành giai cấp, xã hội chính trị xuất hiện, quyền lực công được trao cho một giai cấp hoặc một lực lượng xã hội nắm giữ. Giai cấp hay lực lượng xã hội đó thực hiện quản lý xã hội thông qua bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật.

Tính giai cấp

Chính trị là mối quan hệ giữa các giai cấp trong việc giành, giữ, thực thi quyền lực, cơ bản nhất là quyền lực nhà nước. Quyền lực chính trị là quyền lực của một giai cấp để thực hiện lợi ích khách quan của mình.

Thống trị về kinh tế

Quyền lực chính trị thống trị trong xã hội là quyền lực của giai cấp, lực lượng xã hội giữa địa vị thống trị về kinh kế. Mục tiêu của quyền lực chính trị là nhằm thiết lập, duy trì một trật tự bảo vệ, phát triển các lợi ích, mà căn bản và trước hết là lợi ích về kinh tế cho giai cấp, lực lượng xã hội nắm quyền. Giai cấp nào thống trị về kinh tế sẽ thống trị về chính trị. Quyền lực kinh tế là cơ sở đảm bảo quyền lực về chính trị. Quyền lực về chính trị là điều kiện tiên quyết để thực hiện quyền lực về kinh tế.

Hài hòa lợi ích

Việc nắm giữ và thực thi quyền lực chính trị phải đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích giai cấp và lợi ích chung của cộng đồng. Mục đích của giai cấp, lực lượng xã hội nắm giữ quyền lực chính trị là duy trì, bảo vệ trật tự xã hội có lợi cho giai cấp mình. Việc thực thi quyền lực chính trị phải thông qua hình thức quyền lực công. Do vậy, khi nắm giữ và thực thi quyền lực chính trị cần bảo đảm mức độ nhất định sự cân bằng xã hội.

Tính chính đáng

Quyền lực luôn cần sự chấp nhận của đối tượng chịu chi phối. Sự chấp thuận của xã hội là yếu tố chính của việc đảm bảo thực thi quyền lực chính trị. Tính chính đáng càng cao thì hiệu quả, hiệu lực của quyền lực chính trị càng lớn.