Khái niệm và đặc điểm Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có những đặc điểm pháp lý cơ bản như thế nào? Loại hình doanh nghiệp này có những ưu điểm và nhược điểm ra sao? Phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ làm rõ một số nội dung trên.

Khách hàng: Kính thưa Luật sư Minh Khuê, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có những đặc điểm pháp lý cơ bản như thế nào? Loại hình doanh nghiệp này có những ưu điểm và nhược điểm ra sao? 

Cảm ơn!

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Doanh nghiệp của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi: 1900.6162

Cơ sở pháp lý cần được sử dụng:

Luật doan nghiệp 2020

 

1. Mở đầu vấn đề 

Hiện nay loại hình doanh nghiệp Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ngày càng được nhiều cá nhân, tổ chức lựa chọn. Với nhiều lý do khác nhau mà loại hình doanh nghiệp này lại trở lên phổ biến và được nhiều chủ thể lựa chọn để thực hiện hoạt động kinh doanh của mình như vậy. Vậy công ty trách nhiệm hữu hạn có những đặc điểm pháp lý cơ bản như thế nào?

 

2. Khái niệm

Cơ sở pháp lý: Điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2020

“Điều 74. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.”

=> Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là một loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu; chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

 

3. Đặc điểm công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

Cơ sở pháp lý: Tại các Điều 74, 77, 79, 80, 82, 85 Luật Doanh nghiệp năm 2020)

– Thành viên công ty: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ có một thành viên duy nhất là chủ sở hữu, thành viên đó có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Đối với cá nhân, phải đảm bảo có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.

– Tư cách pháp lý: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Chế độ trách nhiệm: Trách nhiệm của chủ sở hữu trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là trách nhiệm hữu hạn. Chủ sở hữu của công ty chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty cũng như các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Như vậy, khác với một số loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân hay Công ty hợp danh thì chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh có trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ của công ty.

– Hạn chế quyền của công ty: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần.

– Nghĩa vụ của chủ sở hữu về vấn đề vốn của công ty:

Vốn điều lệ của công ty tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty. Như vậy, vốn điều lệ công ty là vốn chủ sở hữu cam kết góp, tức không phải số vốn thực tế tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp, vốn điều lệ có thể góp sau khi đã có giấy đăng ký kinh doanh nhưng phải trong một thời hạn nhất định. Theo đó, Luật doanh nghiệp tại Khoản 2 Điều 74 qu định, chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết góp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Chủ sở hữu công ty có trách nhiệm phải xác định và tách biệt tài sản của chủ sở hữu công ty và tài sản của công ty. Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách biệt các chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với các chi tiêu trên cương vị là Chủ tịch công ty và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Theo đó, đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì chủ sở hữu phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ.

Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì chủ sở hữu và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.

– Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thanh viên có hai hình thức tổ chức quản lý gồm: Công ty do tổ chức làm chủ sở hữu và công ty do cá nhân làm chủ sở hữu.

Thứ nhất, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu. Trường hợp này công ty có thể tổ chức theo một trong hai mô hình sau:

(1) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;

(2) Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.

Trong đó, người đại diện theo pháp luật do Điều lệ công ty quy định, nếu Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Thứ hai, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu: Trương hợp này cơ cấu tổ chức quản lý công ty sẽ có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Chủ tịch công ty có thể kiêm nhiệm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

 

4. Ưu và nhược điểm của Công ty TNHH một thành viên 

Từ những đặc điểm trên có thể rút ra những ưu điểm của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên như sau:

– Vì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một cá nhân hoặc một tổ chức làm chủ sở hữu nên chủ sở hữu công ty sẽ có toàn quyền quyết định mọi vấn đề có liên quan đến hoạt động của công ty mà không cần phải xin ý kiến từ các chủ thể khác.

– Công ty TNHH một thành viên có tư cách pháp nhân do vậy chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm về các hoạt động và nghĩa vụ tài sản của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ công ty nên sẽ ít rủi ro hơn cho chủ sở hữu. Đây là ưu điểm nổi bật của loại hình doanh nghiệp này sao với doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh.

 

5. Quy định của pháp luật về hội đồng thành viên của Công ty TNHH một thành viên

Cơ sở pháp lý: Điều 80 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về “Hội đồng thành viên” như sau:

– Hội đồng thành viên có từ 03 đến 07 thành viên. Thành viên Hội đồng thành viên do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm, miễn nhiệm với nhiệm kỳ không quá 05 năm. Hội đồng thành viên nhân danh chủ sở hữu công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của Điều lệ công ty, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Quyền, nghĩa vụ và chế độ làm việc của Hội đồng thành viên được thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Chủ tịch Hội đồng thành viên do chủ sở hữu công ty bổ nhiệm hoặc do các thành viên Hội đồng thành viên bầu theo nguyên tắc đa số theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nhiệm kỳ, quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên áp dụng theo quy định tại Điều 56 và quy định khác có liên quan của Luật Doanh nghiệp năm 2020. 

– Thẩm quyền, cách thức triệu tập họp Hội đồng thành viên áp dụng theo quy định tại Điều 57 của Luật Doanh nghiệp năm 2020. 

– Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Hội đồng thành viên dự họp. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì mỗi thành viên Hội đồng thành viên có một phiếu biểu quyết có giá trị như nhau. Hội đồng thành viên có thể thông qua nghị quyết, quyết định theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

– Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua khi có trên 50% số thành viên dự họp tán thành hoặc số thành viên dự họp sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, tổ chức lại công ty, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty phải được ít nhất 75% số thành viên dự họp tán thành hoặc số thành viên dự họp sở hữu từ 75% tổng số phiếu biểu quyết trở lên tán thành. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ ngày ghi tại nghị quyết, quyết định đó, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

– Cuộc họp Hội đồng thành viên phải được ghi biên bản, có thể được ghi âm hoặc ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác. Biên bản họp Hội đồng thành viên áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 60 của Luật Doanh nghiệp năm 2020. 

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp – Công ty luật Minh Khuê