Khái niệm tài sản cố định? Quy định về quản lý tài sản cố định?

Để đi vào hoạt động, các doanh nghiệp phải có những tài sản với số lượng nhất định, trong đó có cả tài sản cố định. Tài sản cố định cũng được chia thành nhiều loại bao gồm: Tài sản cố định hữu hình, Tài sản cố định vô hình, Tài sản cố định thuê tài chính…..

>> Luật sư tư vấn pháp luật Doanh nghiệp, gọi:  1900 6162

 

Luật sư tư vấn:

Cơ sở pháp lý quy định về tài sản cố định và quản lý tài sản cố định gồm: 

Căn cứ Thông tư số 45/2013/TT-BTC ban hành ngày 25 tháng 4 năm 2013 hưỡng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khẩu hao tài sản cố định;

Căn cứ  Thông tư số 133/2016/TT-BTC ban hành ngày 26 tháng 8 năm 2016 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa ;

Căn cứ  Thông tư số  200/2014/TT-BTC ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2014 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp;

 

1. Định nghĩa về tài sản cố định:

1.1 Tài sản cố định hữu hình: là những tư liệu lao động chủ yếu có hình thái vật chất thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng vẫn giữ nguyên hình thái vật chất ban đầu như nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải… ( Tài khoản sử dụng là TK 2111)

1.2 Tài sản cố định vô hình: là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả… ( Tài khoản sử dụng là TK 2113)

1.3 Tài sản cố định thuê tài chính: là những Tài sản cố định mà doanh nghiệp thuê của công ty cho thuê tài chính. Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê hoặc tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê tài chính. Tổng số tiền thuê một loại tài sản quy định tại hợp đồng thuê tài chính ít nhất phải tương đương với giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng. ( Tài khoản sử dụng là TK 2112)

1.4 Hao mòn tài sản cố định: là sự giảm dần giá trị sử dụng và giá trị của tài sản cố định do tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, do bào mòn của tự nhiên, do tiến bộ kỹ thuật… trong quá trình hoạt động của tài sản cố định. ( Tài khoản sử dụng là TK 214)

 

2. Quy định về quản lý tài sản cố định:

2.1 Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định:

Tài sản đó phải thỏa mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:

+ Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;

+ Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng, khai thác tài sản đó;

+ Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên;

 

2.2 Xác định nguyên giá của tài sản cố định:

Nguyên giá tài sản cố định là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có tài sản cố định hữu hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.

Nguyên giá tài sản cố định hữu hình mua sắm ( kể cả mua mới và cũ): là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản cố định vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: lãi tiền vay phát dinh trong quá trình đầu tư mua sắm tài sản cố định; chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ và các chi phí liên quan trực tiếp khác.

+ Trường hợp 1: Tài sản cố định được mua trong nước:

Nguyên giá = Giá mua của tài sản cố định + Chi phí mua hàng phát sinh: Chi phí lắp đặt chạy thử, vận chuyển, bốc xếp, lưu kho, bến bãi … – Các khoản giảm giá, chiết khấu thương mại doanh nghiệp được hưởng.

+ Trường hợp 2: Tài sản cố định được mua nhập khẩu:

Nguyên giá = Giá mua của tài sản cố định + Thuế nhập khẩu (nếu có) + Thuế tiêu thụ đặc biệt ( nếu có) + Chi phí mua hàng – Các khoản giảm giá, chiết khấu thương mại, doanh nghiệp được hưởng.

Chú ý: Đối với phần thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ thì được tính vào nguyên giá của tài sản cố định.

 

3. Tài khoản sử dụng

Tài khoản sử dụng: là tài khoản 211 – Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm toàn bộ tài sản cố định của doanh nghiệp theo nguyên giá.

Kết cấu: Tăng bên Nợ – Giảm bên Có.

+ Bên Nợ:

Nguyên giá của Tài sản cố định hữu hình tăng do xây dựng cơ bản hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, do mua sắm, do nhận vốn góp liên doanh, do được cấp, do được tặng biếu, tài trợ ….;

Điều chỉnh tăng nguyên giá của tài sản cố định do xây lắp, trang bị thêm hoặc do cải tạo nâng cấp ….;

Điều chỉnh tăng nguyên giá tài sản cố định do đánh giá lại;

Số dư bên Nợ: Nguyên giá tài sản cố định hữu hình hiện có ở doanh nghiệp.

+ Bên Có:

Nguyên giá của tài sản cố định hữu hình giảm do điều chuyển cho đơn vị khác, do nhượng bán, thanh lý hoặc đem đi góp vốn liên doanh …..;

Nguyên giá của tài sản cố định giảm do tháo bớt một hoặc một số bộ phận;

Điều chỉnh giảm nguyên giá tài sản cố định do đánh giá lại;

 

4. Hạch toán kế toán về tài sản cố định

4.1 Ghi tăng tài sản cố định

+ Căn cứ vào Hóa đơn mua tài sản cố định: 

Nợ tài khoản 211: Giá chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Nợ tài khoản 1332: Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ của tài sản cố định ( nếu có).

            Có tài khoản 112 hoặc tài khoản 331 ….

+ Nếu có các chi phí liên quan để tài sản cố định đi vào trạng thái sẵn sàng sử dụng, thì căn cứ vào chứng cứ của loại chi phí để hạch toán tiếp:

Nợ tài khoản 211: giá chưa gồm thuế giá trị gia tăng.

Nợ tài khoản 1332: Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ của tài sản cố định (nếu có).

            Có tài khoản 111 hoặc tài khoản 112 hoặc tài khoản 331.

Chú ý: Mua bộ phận, dây chuyền: nhiều lần mới đủ các bộ phận để đưa tài sản cố định vào trạng thai sẵn sàng sử dụng.

Mỗi lần mua: Nợ tài khoản 2411: mua săm tài sản cố định;

                     Nợ tài khoản 1332

                                                    Có tài khoản 112 hoặc tài khoản 331.

Khi đã đủ các bộ phận và đã ở trạng thái sẵn sàng sử dụng kế toán ghi tăng tài sản cố định:

                  Nợ tài khoản 2111.

                                                       Có tài khoản 2411: giá trị của tất cả các lần mua các bộ phận trước đó.

4.2 Trích khấu hao tài sản cố định

Cuối mỗi tháng, căn cứ vào số khấu hao tài sản cố định đã được xác định trên bảng tính khấu hao tài sản cố định, kế toán hạch toán chi phí khấu hao tài sản cố định – chi tiết cho tứng bộ phận sử dụng tài sản cố định ( căn cứ vào biên bản bàn giao tài sản cố định cho bộ phận sử dụng).

Nợ tài khoản 6422 – Nếu bộ phận quan lý doanh nghiệp sử dụng tài sản cố định;

Nợ tài khoản 6421 – Nếu bộ phận bán hàng sử dụng tài sản cố định;

Nợ tài khoản 154 – Nếu bộ phận sản xuất sử dụng tài sản cố định;

                            Có tài khoản 214 – Giá trị khấu hao tài sản cố định;

 

5. Đầu tư nâng cấp, sửa chữa tài sản cố định

5.1 Nâng cấp tài sản cố định:

Nâng cấp tài sản cố định: là hoạt động cải tạo, xây lắp, trang bị bổ sugn thêm cho tài sản có định nhằm nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, tính năng tác dụng của tài sản cố định so với mức ban đầu hoặc kéo dài thời gian sử dụng tài sản cố định; đưa vào áp dụng quy trình công nghệ sản xuất mời làm giảm chi phí hoạt động của tài sản cố định so với trước. 

Các chi phí doanh nghiệp chi ra để đầu tư nâng cấp tài sản cố định được phản ánh tăng nguyên giá của tài sản cố định đó, không được hạch toán các chi phí này vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ. 

Hạch toán ghi sổ kế toán:

+ Khi phát sinh chi phí nâng cấp tài sản cố định hữu hình sau khi ghi nhận ban đầu, ghi: 

Nợ tài khoản 241 – xây dựng cơ bản dở dang.

Nợ tài khoản 1332  –  thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (nếu có).

                            Có các tài khoản 112, 152, 331, 334, …..

+ Khi công việc nâng cấp tài sản cố định hoàn thành đưa vào sử dụng nếu thỏa mãn các điều kiện được ghi tăng nguyên giá tài sản cố định hữu hình:

Nợ tài khoản 211- Tài sản cố định hữu hình. 

                            Có các tài khoản 241 – Xây dựng cơ bản dở dang.

 

5.2 Sửa chữa tài sản cố định:

Sửa chữa tài sản cố định: là việc duy tu, bảo dưỡng, thay thế sửa chữa những hư hỏng phát sinh trong quá trình hoạt động nhằm khôi phục lại năng lực hoạt động theo trạng thái hoạt động tiêu chuẩn ban đầu của tài sản cố định.

Các chi phí sửa chữa tài sản cố định không được tính tăng nguyên giá tài sản cố định mà được hạch toán trực tiếp hoặc phân bổ dần vào chi phí kinh doanh trong kỳ, nhưng tối đa không quá 3 năm.

Đối với những tài sản cố định mà việc sửa chữa có tính chu kỳ thì doanh nghiệp được trích trước chi phí sửa chữa theo dự toán vào chi phí hàng năm. Nếu  số thực chi sửa chữa tài sản cố định lớn hơn số trích theo dự toán thì doanh nghiệp được tính thêm vào chi phí hợp lý số chênh lệch này. Nếu số thực chi sửa chữa tài sản cố định nhỏ hơn số đã trích thì phần chênh lệch được hạch toán giảm chi phí kinh doanh trong kỳ.

Hạch toán ghi sổ kế toán:

Trường hợp 1: Nếu chi phí sửa chữa nhỏ hạch toán trực tiếp vào chi phí sửa chữa vào kỳ phát sinh hỏng tài sản cố định.

Nợ tài khoản 154 – nếu tài sản cố định hỏng do bộ phận sản xuất sử dụng.

Nợ tài khoản 6421 – nếu tài sản cố định hỏng do bộ phận bán hàng sử dụng.

Nợ tài khoản 6422 – nếu tài sản cố định hỏng do bộ phận quản lý doanh nghiệp sử dụng.

Nợ tài khoản 1331 (nếu có)

                            Có các tài khoản 111 hoặc tài khoản 112 hoặc tài khoản 331.

Trường hợp 2: Nếu chi phí sửa chữa lớn phải thực hiện phân bổ cho nhiều tháng nhưng thời gian phân bổ chi phí này không được quá 3 năm.

Nợ tài khoản 242.

Nợ tài khoản 1331 (nếu có).

                            Có các tài khoản 111 hoặc tài khoản 112 hoặc tài khoản 331.

Cuối mỗi tháng phải phân bổ chi phí sửa chữa này, căn cứ vào bộ phận sử dụng tài sản cố định đã phát sinh chi phí sửa chữa:

Nợ tài khoản 154;

Nợ tài khoản 6421;

Nợ tài khoản 6422;

                            Có các tài khoản 242;

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900 6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.