Khái niệm nghề luật là gì? Tìm hiểu về nghề luật

Nghề luật là một khái niệm mang tính tương đối, được sử dụng để chỉ nghề nghiệp của những người có kiến thức pháp luật nhất định

1. Pháp luật là gì?

Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình.

Như vậy, khái niệm pháp luật được thể hiện bằng 4 ý cơ bản sau đây:

Thứ nhất, pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung;

– Nói đến pháp luật là nói đến tính quy phạm phổ biến. Tức là nói đến tính khuôn mẫu, mực thước, mô hình xử sự có tính phổ biến chung. Trong xã hội không chỉ pháp luật có thuộc tính quy phạm. Đạo đức, tập quán, tín điều tôn giáo, các điều lệ của các tổ chức chính trị – xã hội và đoàn thể quần chúng (như điều lệ của tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh) đều có tính quy phạm. Cũng như pháp luật, tất cả các quy phạm trên đều là khuôn mẫu, quy tắc xử sự của con người. Nhưng khác với đạo đức, tập quán, tín điều tôn giáo và điều lệ, tính quy phạm của pháp luật mang tính phổ biến. Đây chính là dấu hiệu để phân biệt pháp luật và các loại quy phạm nói trên.Thuộc tính quy phạm phổ biến của pháp luật thể hiện ở chỗ:

+ Là khuôn mẫu chung cho nhiều người.

+ Được áp dụng nhiều lần trong không gian và thời gian rộng lớn.

– Sở dĩ pháp luật có tính bắt buộc chung vì pháp luật do Nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện thống nhất. Tính bắt buộc chung thể hiện ở chỗ:

+ Việc tuân theo các quy tắc pháp luật không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của mỗi người. Bất kỳ ai dù có địa vị, tài sản, chính kiến, chức vụ như thế nào cũng phải tuân theo các quy tắc pháp luật.

+ Nếu ai đó không tuân theo các quy tắc pháp luật thì tùy theo mức độ vi phạm mà Nhà nước áp dụng các biện pháp tác động phù hợp để đảm bảo thực hiện đúng các quy tắc đó.

+ Tính quyền lực Nhà nước là yếu tố không thể thiếu, bảo đảm cho pháp luật được tôn trọng và thực hiện.

Thứ hai, do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận;
Ngoài việc ban hành Nhà nước còn có thể thừa nhận những tập quán trong xã hội bằng cách pháp điển hóa, ghi nhận trong luật thành văn.

Thứ ba, đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước;
Pháp luật được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp, trong đó các biện pháp cưỡng chế nhà nước rất nghiêm khắc như phạt tiền, phạt tù có thời hạn, tù chung thân … Với sự bảo đảm của nhà nước đã làm cho pháp luật luôn được các tổ chức và cá nhân tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh, có hiệu quả trong đời sống xã hội.

Thứ tư, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình.
Cũng giống như bản chất của nhà nước, bản chất của pháp luật thể hiện trước hết ở tính giai cấp. Tính giai cấp của pháp luật phản ánh ý chí nhà nước của giai cấp thống trị trong xã hội, nội dung ý chí đó được quy định bởi điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp thống trị. Ý chí của giai cấp thống trị được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2. Khái niệm nghề luật

Khi pháp luật đã được ban hành thì mọi công dân, tổ chức phải chấp hành và thi hành pháp luật. Nhưng không phải ai trong xã hội cũng có ý thức chấp hành pháp luật. Để đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm túc, phải có một đội ngũ đông đảo những người làm công tác thi hành pháp luật.

Nhiệm vụ của những người này là giúp người dân hiểu rõ pháp luật, tạo điều kiện cho họ hưởng các quyền công dân của mình, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội, trong đó có lợi ích riêng của từng người dân.

Nghề luật là một khái niệm mang tính tương đối, được sử dụng để chỉ nghề nghiệp của những người có kiến thức pháp luật nhất định, đang thực hiện các công việc liên quan đến các mặt khác nhau của đời sống pháp lý tại toà án, viện kiểm sát, văn phòng luật sư, cơ quan công an, cơ quan thi hành án, cơ quan công chứng và một số bộ phận trong các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước v.v…

2. Các đặc điểm cơ bản của nghề luật

– Nghề luật do những người có các chức danh tư pháp khác nhau thực hiện, hướng tới mục đích là bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân, giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nâng cao ý thức pháp luật, tôn trọng quy tắc của cuộc sống xã hội, tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm cũng như các vi phạm pháp luật khác.

Những người hành nghề luật có các chức danh tư pháp khác nhau thực hiện hoạt động hướng đến mục đích chung như trên. Và mỗi chức danh tư pháp lại có những mục đích cụ thể khác nhau. Ví dụ như luật sư tiến hành những hoạt động của mình nhằm mục đích cụ thể là: bảo vệ lợi ích khác hàng thông qua đó có vai trò giám sát phản biện cho hoạt động của các cơ quan nhà nước đồng thời hướng dẫn thực hiện pháp luật, đưa những ý kiến pháo lý giúp khách hàng tiến hành công việc đúng luật và đạt hiệu quả cao nhất.

– Nghề luật hoạt động trong khuôn khổ luật định

Những người hành nghề luật luôn phải đặt hoạt động của mình trong khuôn khổ pháp luật. Nghề luật là một trong những nghề có sự hạn chế cao trong hoạt động nghề nghiệp. Cụ thể là ngoài việc tuân thủ đầy đủ pháp luật chung như luật Hiến pháp luật dân sự…, luật còn phải đảm bảo thực hiện đầy đủ quy định nghiêm ngặt của pháp luật về ngành nghề mà mình tham gia.

Vì vậy những người hoạt động nghề luật phải có những phẩm chất cần thiết cho quá trình hành nghề của mình như: yêu công lý ,công bằng, khách quan, trung thực …và các kĩ năng chuyên môn như khả năng phân tích,tổng hợp, khả năng đánh giá. Ví dụ đối với một luật sư ngoài việc đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn đào tạo, tập sự và điều kiện hành nghề của Luật Luật sư thì trong từng hoạt động của mình còn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy của pháp luật ở mỗi hoạt động như trong hoạt động tại phiên tòa thì phải tuân theo luật Tố tụng, nếu tham gia vào vụ án từ giai đoạn điều tra thì phải tuân thủ pháp lệnh điều tra hình sự… Đây cũng là điểm khác biệt của khuôn khổ hành nghề của các nhà luật của nước ta so với các nước tư bản trên Thế Giới; Ở Việt Nam dù bào chữa như thế nào luật sư cũng không được vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật luôn phải tôn trọng pháp luật luôn phải tôn trọng sự thật khách quan , nhưng ở những nước tư bản thì luật sư có thể bào chữa một cách vô tư làm sao có lợi cho thân chủ của mình kể cả việc biện hộ đổi trắng thành đen miễn là có căn cứ không trái pháp luật.

– Nghề luật là bất khả kiêm nhiệm

Điều đó có nghĩa là một người không thể đồng thời làm hai chức danh hoặc làm hai vị trí nghề nghiệp khác nhau trong hệ thống nghề luật. Một người khi đang hành nghề thẩm phán thì không thể được làm luật sư, công chứng viên hay chấp hành viên và ngược lại. Pháp luật chỉ cho phép họ được quyền thay đổi hoạt động hành nghề của mình. Ví dụ cụ thể Điều 10 luật Luật sư 2006 quy định Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư một trong những trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư là : cán bộ, công chức, viên chức. điều này có nghĩa là khi họ trở thành các chức danh tư pháp trong hệ thống các cơ quan nhà nước thì không được làm luật sư…

– Nghề luật sử dụng các quy định pháp luật làm công cụ, phương tiện để giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong đời sống xã hội, nói cách khác nghề luật hoạt động dựa trên pháp luật và quy chế trách nhiệm nghề nghiệp (còn được gọi là quy tắc ứng xử nghề nghiệp).

Đây là đặc điểm để phân biệt nghề luật với những nghề khác đang tồn tại trong xã hội. Tuy nhiên với mỗi người hành nghề luật khác nhau, pháp luật đuợc sử dụng, áp dụng trong hoạt động nghề nghiệp ở từng góc độ khác nhau. Đối với thẩm phán, pháp luật được sử dụng để xác định tính đúng/sai của tranh chấp, có tội hay không có tội. Đối với luật sư, Công chứng viên pháp luật được sử dụng đưa các chủ thể thực hiện đúng “hành lang pháp lý” dành cho mình. Như vậy, với mỗi nghề luật khác nhau đòi hỏi phải có các kỹ năng khác nhau, có các kiến thức khác nhau dù đều là áp dụng pháp luật.

3. Vai trò của nghề luật

Trong nền tư pháp dân chủ khi mà các giá trị và quyền con người được tôn vinh thì đích đến của toàn bộ hệ thống tư pháp thì nghề luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội hiện nay.

Nghề luật có sứ mệnh trong việc bảo vệ công lý, công bằng trong xã hội, là căn cứ để đánh giá uy tín và chất lượng của hoạt động tư pháp.

Trong những năm gần đây pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư cũng như các hoạt động lập pháp trong lĩnh vực này đã đạt được những thành quả tích cực mà biểu hiện sinh động là việc ban hành Luật Luật sư 2006

Với điều kiện về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế cùng với toàn cầu hoá thì các luật sư và những người hoạt động trong lĩnh vực hành nghề luật đang ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết các tranh chấp phát sinh đặc biệt trong các lĩnh vực mới mẻ như đầu tư nước ngoài,….

Ở nước ta hiện nay thì nghề luật đang ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của mình đối với sự phát triển của xã hội.

Để góp phần tạo nên một nét văn hóa riêng của nghề luật sư cũng như những người hành nghề luật thì mỗi người cần phải có những nhìn nhận đúng mực về nét văn hóa tư pháp nói chung và phong cách văn hóa nói riêng của nghề luật sư.

Những người hành nghề luật cần có trách nghiệm trong việc phát huy và duy trì được những điểm sáng của nghề, phải có ý thức giữ gìn đạo đức, phẩm giá của mình, giữ mối quan hệ tốt với mọi người, với đồng nghiệp.

4. Ý nghĩa của nghề luật

Nghề luật có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống xã hội cũng như là đối với mỗi người dân trong xã hội.

– Trong thời đại hiện nay các quyền của con người ngày càng được pháp luật và nhà nước tôn trọng và bảo vệ do đó những người hành nghề luật có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân.

– Đảm bảo cho những công bằng xã hội, đảm bảo cho pháp luật được thực hiện một cách công bằng, công khai và minh bạch tạo sự tin tưởng của người dân đối với pháp luật và hệ thống chính trị của nhà nước.

– Mọi hoạt động hành nghề luật đều hướng tới bảo vệ công lý, hướng tới việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Như vậy có thể thấy được rằng nghề luật có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay.