Khái niệm, mục tiêu và một số yêu cầu trong quản trị rủi ro tín dụng?

Quản trị rủi ro chính là trung tâm của hoạt động quản trị điều hành của mỗi ngân ahfng thương mại. Hiểu một cách đơn giản thì quản trị rủi ro chính là quá trình các ngân hàng thương mại áp dụng các nguyên lý, các phương pháp và kinh nghiệm quản trị ngân hàng vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng…

1. Khái niệm quản trị rủi ro tín dụng

Quản trị rủi ro chính là trung tâm của hoạt động quản trị điều hành của mỗi NHTM. Hiểu một cách đơn giản thì quản trị rủi ro chính là quá trình các NHTM áp dụng các nguyên lý, các phương pháp và kinh nghiệm quản trị ngân hàng vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng mình để giám sát phòng ngừa, hạn chế và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng, đầu tư và các hoạt động kinh doanh khác để ngăn chặn tổn thất thiệt hại cho ngân hàng, đồng thời không ngừng nâng cao sức mạnh và uy tín của ngân hàng trên thương trường. Quản trị rủi ro là bộ phận quan trọng trong chiến lược kinh doanh của mỗi NHTM, đồng thời với mỗi loại rủi ro cụ thể lại áp dụng các phương pháp quản trị riêng.

Khái niệm, mục tiêu và một số yêu cầu trong quản trị rủi ro tín dụng?

Quản trị rủi ro tín dụng là quá trình xây dựng và thực thi các chiến lược, các chính sách quản lý và kinh doanh tín dụng nhằm đạt được các mục tiêu an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. đồng thời, phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế và giảm thấp nợ quá hạn, nợ xấu trong kinh doanh tín dụng, từ đó tăng doanh thu, giảm chi phí và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh cả trong ngắn hạn và dài hạn của NHTM.

2. Mục tiêu của quản trị rủi ro tín dụng

Kinh doanh tín dụng một trong những hoạt động chủ đạo của NHTM. Quản trị rủi ro tín dụng phải hướng vào việc đảm bảo hiệu quả của hoạt động tín dụng và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng của NHTM ngay trong những điều kiện thị trường đầy biến động, nguy cơ rủi ro không ngừng gia tăng. Nói một cách cụ thể hơn thì quản trị rủi ro tín dụng phải nhằm vào việc hạ thấp rủi ro tín dụng, nâng cao mức độ an toàn cho kinh doanh của mỗi NHTM bằng các chính sách, các biện pháp quản lý, giám sát các hoạt động tín dụng khoa học và hiệu quả.

Ngoài ra, quản trị rủi ro tín dụng phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của nhà nước và quy định của pháp luật.

3. Một số yêu cầu trong quản trị rủi ro tín dụng

3.1 Trách nhiệm của Ban điều hành

Ban điều hành mà không phải là ai khác phải chịu trách nhiệm đảm bảo hoạt động tín dụng cũng như việc quản trị rủi ro tín dụng của tổ chức một cách đúng đắn. để làm được việc này, họ phải có khả năng đánh giá được rủi ro và có các biện pháp cần thiết để hạn chế rủi ro.

3.2 Chiến lược quản trị rủi ro tín dụng

NHTM phải đề ra chiến lược kinh doanh tín dụng trên cơ sở phân tích tình hình kinh doanh hiện tại, đánh giá rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay cũng như khả năng chịu đựng rủi ro của mình. Chiến lược này phải được ban điều hành xem xét lại hàng năm, phải lập được kế hoạch tổng thể của việc kinh doanh tín dụng, trên cơ sở bản chất, phạm vi, sự phức tạp và tính rủi ro của công việc kinh doanh tín dụng. Chẳng hạn như lập được kế hoạch ngành nghề, địa bàn, loại hình cho vay. Chiến lược này phải được ghi thành văn bản và được phổ biến trong nội nộ NHTM.

3.3 Tổ chức hoạt động tín dụng

Trên cơ sở xem xét phạm vi, sự phức tạp và tính rủi ro của hoạt động kinh doanh tín dụng của tổ chức mình, NHTM phải tổ chức được hệ thống kinh doanh tín dụng với quy trình hoạt động tín dụng phù hợp, hiệu quả nhưng đảm bảo rủi ro tín dụng được hạn chế trong phạm vi kiểm soát được, được ghi thành văn bản rõ ràng và được phổ biến đến mọi cán bộ, nhân viên có liên quan. Quy trình hoạt động tín dụng phải được xem xét lại theo định kỳ, phải thể hiện rõ các đặc điểm sau:

Sự tách bạch chức năng: Một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong hoạt động kinh doanh cũng như trong hoạt động cho vay là phải có sự phân tách chức năng giữa bộ phận giao dịch với khách hàng (front office) – là bộ phận khơi nguồn các giao dịch với khách hàng – với bộ phận thẩm định, quyết định, theo dõi cho vay (back office). Sự phân tách chức năng này đảm bảo được tính khách quan trong việc đưa ra quyết định cũng như đánh giá. Bộ phận đánh giá rủi ro tín dụng (thường gọi là Phòng quản lý rủi ro) cũng phải được phân tách với bộ phận kinh doanh tín dụng. Các báo cáo về rủi ro tín dụng cũng do bộ phận này thực hiện.

Nguyên tắc bỏ phiếu trong quyết định cho vay: để tránh sự thiên vị hay ưu tiên trong việc ra quyết định cho vay, nguyên tắc bỏ phiếu phải có sự tham gia của bộ phận giao dịch với khách hàng và bộ phận thẩm định, bộ phận theo dõi sau cho vay. Cấp quản lý ở các cấp độ khác nhau được quyền ra quyết định cho vay trong phạm vi hạn mức được giao của mình.

Đảm bảo nguyên tắc kiểm soát nội bộ: Quy trình tín dụng phải nêu rõ được tất cả các bước tác nghiệp cũng như kết quả của tất cả các bước tác nghiệp. Tại tất cả các khâu trong các bước tác nghiệp có khả năng gây ra rủi ro đều phải được đặt các chốt kiểm tra như thế nào đó để người có trách nhiệm kiểm tra lại. Các chốt kiểm tra ngay trong quy trình tín dụng phải được bố trí một cách phù hợp, nếu nhiều quá có thể tăng khả năng quản trị rủi ro nhưng gây tốn kém, nếu ít quá có thể giảm được chi phí nhưng có thể gây rủi ro cao hơn. điều quan trọng là quy trình hoạt động  tín dụng phải đảm bảo mọi việc được xử lý một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

Mọi bước xử lý công việc cũng như mọi chỉ thị của lãnh đạo đều phải được  thể hiện bằng văn. Việc chỉ đạo chỉ bằng lời nói hay thể hiện bằng dấu hiệu không rõ ràng của riêng một lãnh đạo nào mà không được nêu trong quy trình là không thể chấp nhận được.

Quy trình hoạt động tín dụng với nhiều công đoạn xử lý: Quy trình hoạt động tín dụng cũng có thể được viết dưới dạng sổ tay chi tiết. Quy trình phải thể hiện được đầy đủ các công đoạn xử lý, đầy đủ các chi tiết của từng công đoạn bao gồm các công đoạn thẩm định cho vay, ra quyết định cho vay, giải ngân, theo dõi cho vay, giám sát toàn bộ qui trình cho vay, theo dõi đặc biệt một số khoản cho vay, xử lý các món vay có vấn đề, dự phòng rủi ro… Các tiêu chuẩn cụ thể, chi tiết để xử lý công việc, để ra các quyết định, các vấn đề liên quan đến các loại hình tín dụng cũng như trình độ cần phải có của cán bộ, nhân viên có liên quan ở từng vị trí phải được qui định một cách cụ thể và phù hợp. Cần qui định rõ những vấn đề nào chỉ do bộ phận thẩm định, xử lý sau cho vay (back office) thực hiện mà không thể do bộ phận giao dịch với khách hàng (front office) thực hiện.

Hệ thống thông tin báo cáo: NHTM phải có hệ thống xử lý thông tin phù hợp. Ban điều hành phải được báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời về diễn biến hoạt động tín dụng cũng như mọi vấn đề phát sinh có khả năng gây ra rủi ro. Trên cơ sở đó, Ban điều hành phải có được các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Hệ thống lưu trữ, hệ thống thông tin: Ngoài việc các chứng từ, tài liệu liên quan đến hoạt động tín dụng phải được lưu trữ trong một thời gian hợp lý, việc bảo đảm an toàn cho chứng từ, tài liệu cũng cần được qui định rõ trong quy trình tín dụng, trong đó quy định rõ thẩm quyền được tiếp cận số liệu, chứng từ, hồ sơ, vấn đề chống cháy nổ, chống mất cấp..

Việc sử dụng hệ thống thông tin cần có mã an toàn, có quy định thẩm quyền tiếp cận, thẩm quyền xử lý dữ liệu, biện pháp chống tin tặc và biện pháp khôi phục dữ liệu khi hệ thống xảy ra sự cố. Các NHTM lớn có thể sử dụng một hệ thống dự phòng để hạn chế rủi ro có thể phát sinh khi hệ thống thông tin gặp sự cố.

3.3 Quy trình xếp loại rủi ro

Các quy trình xếp loại cần được đưa vào quy trình xử lý tín dụng, trách nhiệm phát triển, thực hiện, giám sát và sử dụng các quy trình xếp loại rủi ro không được đặt tại bộ phận giao dịch với khách hàng (front office). Các chỉ số cơ bản  để xác định rủi ro đối tác trong quy trình xếp loại rủi ro không chỉ bao gồm các tiêu chuẩn định lượng mà cả các tiêu chuẩn định tính. đặc biệt phải chú ý đến  khả năng sinh lời trong tương lai để trả nợ của khách hàng vay. Các NHTM cần có hệ thống xếp loại, chấm điểm khách hàng vay theo định kỳ, việc xếp loại khách hàng vay này cũng có thể tham khảo kết quả thứ hạng của các khách hàng do các công ty xếp hạng có uy tín thực hiện.

NHTM phải giám sát được tất cả các loại rủi ro quan trọng trong hoạt động tín dụng, kể cả rủi ro ở cấp tập đoàn, bằng nhiều biện pháp (chẳng hạn giám sát luồng tiền mặt của khách hàng, những thông tin liên quan đến ngành kinh doanh của khách hàng trên thị trường…) phải giám sát được tình hình tài chính của từng khách hàng cũng như giám sát được rủi ro của toàn bộ danh mục đầu tư một cách liên tục.

Điều quan trọng là phải sớm phát hiện được rủi ro. để làm được điều này, NHTM phải phát triển được mô hình cảnh báo rủi ro với các chỉ số cảnh báo sớm, bao gồm cả các chỉ số định lượng và định tính. Chẳng hạn như thời gian bị quá hạn của khoản thanh toán lãi hay của khoản phải trả nợ, tình hình luồng tiền mặt bị suy giảm, tình hình kinh tế tác động đến hoạt động kinh doanh của khách hàng, số liệu thống kê trong quá khứ về khả năng không trả được nợ của thứ  hạng khách hàng đó, tỷ lệ về độ tin tưởng được sử dụng cho mô hình. Các mô hình rủi ro phải được kiểm chứng lại trong thực tế cũng như được xem xét trong tình huống xấu nhất để kiểm tra khả năng chịu đựng rủi ro tín dụng của tổ chức mình. Trên cơ sở đó, mô hình rủi ro phải được điều chỉnh, cập nhật một cách phù hợp.

3.4 Kiểm toán nội bộ và kiểm toán bên ngoài

Để đảm bảo quy trình kinh doanh tín dụng, việc đánh giá rủi ro tín dụng được thực hiện một cách đầy đủ, chính xác, cần có một bộ phận đứng bên ngoài độc lập với quy trình của NHTM, là bộ phận kiểm toán nội bộ, kiểm tra lại.

Kiểm toán bên ngoài với cái nhìn toàn diện khách quan từ bên ngoài cũng góp phần giúp NHTM hạn chế được rủi ro.

Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự – Công ty luật Minh Khuê