Khái niệm, mục đích của hình phạt
Tội phạm và hình phạt là hai khái niệm thuộc cặp phạm trù “nguyên nhân – kết quả”. Chủ thể thực hiện tội phạm phải chịu hình phạt thích đáng. Vậy hình phạt là gì? Mục đích của Nhà làm luật khi đưa ra các loại hình phạt đối với các chủ thể phạm tội là gì?
Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về khái niệm của hình phạt như sau: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”
Từ định nghĩa trên, có thể thấy một số đặc điểm chính của hình phạt, như sau:
Thứ nhất, hình phạt là một biện pháp cưỡng chế mang tính nghiêm khắc nhất của Nhà nước. Hệ thống Pháp luật nước ta đã quy định nhiều biện pháp cưỡng chế khác nhau như xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính,… Tuy nhiên, nếu xét dưới góc độ trừng trị, trừng phạt thì hình phạt là loại biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất vì hình phạt tước bỏ hoặc hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội, ví dụ như quyền tự do thân thể hay nặng hơn có thể là quyền được sống – là một trong những quyền quan trọng nhất của con người.
Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng hình phạt là Tòa án. Thông qua các bản án, các quyết định có hiệu lực của Pháp luật do Tòa án ban hành, đối tượng là người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội buộc phải chấp hành hình phạt. Họ sẽ bị tước bỏ hoặc hạn một số quyền, lợi ích nhất định. Chỉ có người phải chịu hình phạt mới có thể bị bắt giam hoặc bị tước cả quyền sống. Và chỉ Tòa án mới có thẩm quyền quyết định áp dụng hình phạt đối với người phạm tội.
Tòa án ở đây được hiểu là Tòa án có thẩm quyền xét xử đối với từng vụ án cụ thể, từng loại tội phạm cụ thể theo đúng trình tự, thủ tục đã được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự. Do đó, quá trình đưa ra một hình phạt cụ thể đối với tội phạm thường kéo dài và phức tạp hơn so với các biện pháp cưỡng chế khác.
Thứ ba, hình phạt chỉ có thể bị áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Chỉ người hoặc pháp nhân thương mại phạm một (hoặc nhiều) trong các tội đã được quy định tại Bộ luật hình sự thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, hình phạt chỉ có thể bị áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại khi đã thực hiện hành vi có tính chất gây nguy hiểm cho xã hội, được quy định tại Bộ luật hình sự. Trong mọi trường hợp, không được áp dụng hình phạt đối với những hành vi không phải là tội phạm và không được áp dụng bất cứ loại hình phạt nào nếu hình phạt đó không được quy định trong từng loại tội phạm cụ thể.
Tội phạm và hình phạt là các chế định được quy định trong Bộ luật hình sự. Các loại hình phạt và từng hình phạt đối với từng loại tội phạm cụ thể được quy định rất chi tiết, rõ ràng. Hình phạt được đặt ra tương xứng với mức độ nguy hiểm của tội phạm đối với xã hội. Mục đích khi các nhà làm luật đặt ra chế định hình phạt được quy định tại Điều 31 Bộ luật hình sự như sau:
“Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm”.
Theo đó, trước hết, hình phạt nhằm mục đích trừng trị người hoặc pháp nhân thương mại pháp tội. Nếu hình phạt không có mục đích trừng trị, răn đe thì tính nghiêm khắc của hình phạt mất đi, và không là hình phạt nữa.
Tuy nhiên, hình phạt không chỉ nhằm trừng trị mà còn giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Đây được xem là mục đích chính và là nội dung cơ bản của bản chất hình phạt trong luật hình sự nước ta. Mục đích này không chỉ được thể hiện ngay trong nội dung các loại hình phạt mà nó còn được thể hiện ngay trong chế định khác của Bộ luật hình sự, đặc biệt là các chế định về quyết định hình phạt, các chế định về miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, về đặc xá, về xóa án tích và các quy định về thi hành án phạt tù trong trại cải tạo… Tất cả các quy định cũng chỉ nhằm một mục đích là cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội.
Mục đích của hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Nội dung của mục đích này không nhằm vào người hoặc pháp nhân phạm tội mà nhằm vào cộng đồng xã hội, có tính chất răn đe và phòng ngừa. Mọi người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhìn vào hình phạt để có những xử sự đúng đắn, tôn trọng pháp luật , nếu không họ cũng có thể bị xử phạt như người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội. Nhà nước đặt ra hình phạt để áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội, đồng thời nhắc nhở mọi người hoặc pháp nhân thương mại trong cộng đồng xã hội chớ có phạm tội, nếu có ý định phạm tội thì phải dừng lại, nếu không dừng ắt phải chịu hậu quả thích đáng. Đặt ra mục đích này vừa có tính răn đe, vừa có tính chất giáo dục để mọi người hoặc pháp nhân thương mại tránh xa nó.
Thông qua những phân tích về khái niệm, mục đích của hình phạt, chúng ta đã có cái nhìn tổng quan và rõ nét về hình phạt, đối tượng áp dụng, cơ quan có thẩm quyền áp dụng cũng như mục đích của hình phạt. Hiểu rõ vấn đề này đã tạo tiền đề nghiên cứu từng loại tội phạm và hình phạt cụ thể, hiểu rõ hơn về việc quy định tội phạm và hình phạt trong Bộ luật hình sự.
Luật Hoàng Anh