Khái niệm khuyến mại và các hình thức khuyến mại – hoidapphapluat.vn
Khái niệm khuyến mại và các hình thức khuyến mại. Pháp luật về các chương trình khuyến mại mới nhất theo Luật Thương mại Việt Nam.
1. Khái niệm khuyến mại
Khuyến mại là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại. Có thể hiểu là các công ty dùng các cách khác nhau mục đích cuối cùng là để có thể khuyến khích người tiêu dùng mua hàng.
Người thực hiện hoạt động khuyến mại là các thương nhân trực tiếp khuyến mại hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh hoặc thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác theo thỏa thuận với thương nhân đó. Cho đến hiện nay khuyến mại là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại phổ biến nhất vì tính hiệu quả của nó.
2. Các hình thức khuyến mại theo quy định của pháp luật
* Hình thức thứ nhất: Đưa hàng hoá mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền. (Điều 7 Nghị định 37/2006/NĐ-CP)
Các sản phẩm mẫu thường được đóng gói nhỏ hơn hàng thật với công dụng làm mẫu, mời người mua dùng thử.
Theo quan niệm hiện nay, nhiều người cho rằng hàng mẫu chất lượng tốt hơn cả hàng hóa được bán chính thức. Điều này không có căn cứ nào đảm bảo chắc chắn vì chưa có một tiêu chuẩn nào bắt buộc đặt ra cho hàng mẫu, tuy nhiên, xuất phát từ mục đích nhằm tạo ra ấn tượng cho khách hàng thông qua sự trải nghiệm cho về sản phẩm, từ đó khuyến khích họ mua hàng thì doanh nghiệp phải tự có ý thức chú trọng đảm bảo chất lượng của sản phẩm mẫu. Từ đó có biết được, suy nghĩ của một bộ phận khách hàng về sản phẩm mẫu tốt hơn cả sản phẩm chính cũng có phần hợp lý.
Ngoài ra, hình thức khuyến mại này cũng rất phù hợp với các sản phầm mới đưa ra thị trường hoặc đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm. Hình thức này có thể thấy thường phổ biến nhất ở các mặt hàng mỹ phẩm, kem đánh răng, thực phẩm chế biến sẵn,…
* Hình thức thứ 2: Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền. (Điều 8 NĐ 37/2006/NĐ-CP)
– Tặng hàng hóa miễn phí: cũng tương tự như trường hợp tặng hàng mẫu cho khách hàng, hình thức tặng hàng hóa cho khách hàng phải đáp ứng điều kiện tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại. Trường hợp cung cấp hàng hóa dịch vụ miễn phí thông thường vì hàng hóa đó sắp hết date, củng cố thương hiệu hoặc từ thiện.
– Miễn phí vận chuyển: Khoảng cách địa lý cũng là một trở ngại trong việc lựa chọn mua hàng của khách hàng. Nếu danh nghiệp, nhà sản suất miễn phí vận chuyển có thể giúp đỡ cho khách hàng rất nhiều, từ đó thu hút sự chú ý của họ lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp. Hình thức miễn phí vận chuyển là việc nhà sản xuất, doanh nghiệp thực hiện nhằm kích thích việc mua hàng của khách hàng cho nên xét cho cùng nó cũng chính là một hình thức khuyến mại. Ngày nay, với việc mụa sắm online ngày càng phát triển thì hình thức miễn phí vận chuyển sẽ tạo hiệu quả vô cùng lớn. Hình thức này thường được sử dụng với một giá trị đơn hàng tối thiểu nhằm giúp đạt được giá trị đặt hàng trung bình.
* Hình thức thứ 3: Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã đăng ký hoặc thông báo. (Điều 9 NĐ 37/2006/NĐ-CP)
Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Mức giảm tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được vượt quá 90 (chín mươi) ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 (bốn mươi lăm) ngày.
Có thể đặt ra một câu hỏi rằng tại sao hình thức bán giá thấp hơn giá bán đã được đăng ký này lại bị quản lý chặt chẽ như vây?
Trước tiên phải nói rằng không chỉ có hình thức này mà tất cả các hình thức khuyến mại khác đều phải đặt dới sự quản lý của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, hình thức bán giá thấp hơn giá bán đã được đăng ký thực sự bị quản lý chặt chẽ hơn các hình thức khác. Bởi lẽ: Hình thức giảm giá bán sản phẩm là một trong những hình thức hữu hiệu nhất để thu hút khách hàng. Có thể thấy những cửa hàng treo biển giảm giá sẽ được đông đảo người tiêu dùng đổ về cửa hàng để mua sắm. Trên thế giới có một ngày gọi là black Friday (ngày thứ 6 đen tối) hầu hết ác cửa hàng đều đồng loạt giảm giá mạnh, đối với người tiêu dùng đây là một cơ hội mua sắm sản phẩm tốt với giá hợp lý hiếm có trong năm. Ở Việt Nam các cửa hàng cũng có nhiều dịp giảm giá sản phẩm tuy nhiên điều này cần được quản lý chặt chẽ bởi lẽ chính từ tính hiệu quả tức thời của phương pháp này có thể sẽ bị lợi dụng để trở thành một phương thức cạnh tranh không lành mạnh. Một doanh nghiệp có thể giảm giá sâu, thậm chí bán phá giá sản phẩm, khiến người tiêu dùng chạy xô sang mua sản phẩm của họ. Việc này khiến cho các công ty đối thủ bị thiệt hại lớn và có thể dẫn đến thua lỗ, phá sản. Điều này là rất nguy hiểm đặc biệt tại Việt Nam khi hầu hết các công ty trong nước là các công ty vừa và nhỏ có số vốn ít.
Chính vì vậy, trong hầu hết các trường hợp sự quản lý của nhà nước khuyến mại giảm giá không được vượt quá 50% giá trị sản phẩm và trong số ngày quy định là cần thiết.
* Hình thứ thứ 4: Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định. (Điều 10 NĐ 37/2006/NĐ-CP)
Giá trị tối đa của phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ được tặng kèm theo một đơn vị hàng hóa được bán, dịch vụ được cung ứng trong thời gian khuyến mại phải tuân thủ quy định hạn mức tối đa về giá trị vật chất dùng để khuyến mại quy định tại Điều 5 Nghị định 37/2006/NĐ-CP.
Các phiếu mua hàng được các cửa hàng tặng cho các khách hàng của mình khi khách hàng mua một mặt hàng sẽ được tặng một phiếu giảm giá mua một sản phẩm khác hay còn được gọi là các voucher quà tặng, voucher sử dụng dịch vụ.
Phương pháp này bản chất là nhà sản xuất mặt hàng B khuyến mại giảm giá nhưng lại dựa vào mặt hàng A. Hình thức này có khả năng định hướng việc mua sắm của người tiêu dùng, chính vì vậy, dù nó đã tồn tại từ lâu nhưng vẫn không thể bị thay thế bởi các hình thức khuyến mại khác và được duy trì hiệu quả. Ví dụ vì mua sản phẩm A được tặng một voucher mua hàng với giá ưu đãi sản phẩm B, rất nhiều khách hàng sẽ chọn mua sản phẩm B mặc dù có thể trước đó đã để ý đến sản phẩm C, D nào đó.
* Hình thứ thứ 5. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (Điều 11 NĐ 37/2006/NĐ-CP)
Nội dung của phiếu dự thi phải bao gồm các thông tin liên quan được quy định tại Điều 97 Luật thương mại 2005.
Nội dung của chương trình thi không được trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Việc tổ chức thi và mở thưởng phải được tổ chức công khai, có sự chứng kiến của đại diện khách hàng và phải được thông báo cho Sở Công Thương nơi tổ chức thi, mở thưởng. Thương nhân thực hiện khuyến mại phải tổ chức thi và trao giải thưởng theo thể lệ và giải thưởng mà thương nhân đã công bố. Hình thứ này đã và đang được sử dụng hiệu quả khi kết hợp với các chiến dịch quảng cáo trên truyền hình.
* Hình thức thứ 6. Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố. (Điều 12 NĐ 37/2006/NĐ- CP)
+ Quy định chung: Việc mở thưởng chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải được tổ chức công khai, theo thể lệ đã công bố, có sự chứng kiến của khách hàng.
Trong trường hợp giá trị giải thưởng từ 100 triệu đồng trở lên, thương nhân phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này (Gửi thông báo bằng văn bản về chương trình khuyến mại đến Sở Công Thương nơi tổ chức khuyến mại chậm nhất 7 (bảy) ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại).
Trong trường hợp việc trúng thưởng được xác định trên cơ sở bằng chứng trúng thưởng kèm theo hàng hóa, thương nhân thực hiện khuyến mại phải thông báo về thời gian và địa điểm thực hiện việc đưa bằng chứng trúng thưởng vào hàng hoá cho cơ quan quản lý nhà nước về thương mại có thẩm quyền.
+ Chương trình khuyến mại mang tính may rủi có phát hành vé số dự thưởng: Vé số dự thưởng phải có hình thức khác với xổ số do Nhà nước độc quyền phát hành và không được sử dụng kết quả xổ số của Nhà nước để làm kết quả xác định trúng thưởng; Vé số dự thưởng phải in đủ các nội dung về số lượng vé số phát hành, số lượng giải thưởng, giá trị từng loại giải thưởng, địa điểm phát thưởng, thời gian, địa điểm mở thưởng. Việc mở thưởng chỉ áp dụng cho các vé số đã được phát hành.
+ Thời gian thực hiện khuyến mại: Tổng thời gian thực hiện khuyến mại không được vượt quá 180 (một trăm tám mươi) ngày trong một năm, một chương trình khuyến mại không được vượt quá 90 (chín mươi) ngày.
+ Trường hợp không có người trúng thưởng: Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày hết thời hạn trao giải thưởng, giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải được trích nộp 50% giá trị đã công bố vào ngân sách nhà nước theo quy đinh.
* Hình thức thứ 7: Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hoá, dịch vụ hoặc các hình thức khác. (Điều 13 NĐ 37/2006/NĐ-CP).
Hình thức này có thể được thực hiện theo các phương thức: Phát hành thẻ khách hàng, thẻ giảm giá, thẻ trả trước,… Hình thức khuyến mại này thường được các nhà bán lẻ lựa chọn để gia tăng sự trung thành của khách hàng. Khi khách hàng mua sắm tại cửa hàng nhiều lần, họ sẽ được tặng một thẻ tích điểm. Số điểm tích được tương ứng với số tiền mà khách hàng thanh toán. Sau một thời gian (thường là 6 tháng hoặc 1 năm) cửa hàng sẽ căn cứ vào số điểm mà khách hàng tích lũy được để xếp hạng thẻ. Tương ứng với mỗi hạng mức thẻ, khách hàng được hưởng một mức ưu đãi khác nhau.
Việc phát hành thẻ khách hàng mang lại lợi ích nhiều mặt cho các doanh nghiệp như: Có thể kích thích khách mua hàng, giữ chân khách hàng cũ, quản lý thông tin khách hàng, quảng cáo cho thương hiệu,…
* Hình thức thứ 8: Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.
Hình thức này chủ yếu cũng đánh vào đối tượng khách hàng cũ. Hình thức này khá giống với các hình thức quảng cáo thông qua việc tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa nghệ thuật doanh nghiệp có thể lồng ghép các sản phẩm, thương hiệu của mình và gửi các thông điệp đến người tham dự. Các công ty bất động sản là một trong những công ty chi mạnh tay cho việc tổ chức các các chương trình nghệ thuật, giải trí có chất lượng cao. Họ thường mời các khách hàng đã từng mua bất động sản của công ty tham dự. Đây là một hình thức chi ân và tạo tâm lý thoải mái cho khách hàng và nâng cao uy tín của công ty.
Tuy nhiên, hiện nay cũng có nhiều công ty tổ chức các sự kiện, chương trình ca nhạc mang tính đại chúng để tất cả mọi người có thể tham dự. Những sự kiện kiểu này thường không giới hạn số lượng, càng đông người tới dự chương trình càng thành công. Hình thức này có thể sẽ không mang lại hiệu quả trông thấy được tức thời xong thực tế nó giúp đánh dấu thương hiệu của doanh nghiệp trong tâm trí của khách hàng khá hiệu quả.
Ngoài ra, còn một số các hình thức khuyến mại khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nên kinh tế thì các công ty, các nhà sản xuất cũng đưa ra rất nhiều những hình thức khuyến mại mới. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng vẫn là thu hút khách hàng, tăng sức mua sản phẩm.