Khái niệm kết hôn theo quy định của luật hôn nhân gia đình 2014? Các điều kiện kết hôn?

Hôn nhân là cơ sở hình thành nên gia đình – tế bào của xã hội. Gia đình ra đời, tồn tại và phát triển trước hết là do Nhà nước thừa nhận hôn nhân của đôi nam nữ, đồng thời quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý phát sinh giữa họ khi xác lập quan hệ vợ chồng. Hôn nhân là sự liên kết đặc biệt giữa một người nam và một người nữ, sự liên kết đó được Nhà nước thừa nhận dưới một hình thức pháp lý, đó là “Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn”.

Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình định nghĩa:”Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.” Như vậy, có thể hiểu, kết hôn là cơ sở pháp lý xác lập quan hệ vợ chồng giữa một người nam và một người nữ. Khi xác lập quan hệ vợ chồng, các chủ thể phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện khi kết hôn và đăng ký kết hôn.

Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:

“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”

 

Như vậy, hai bên nam nữ muốn xác lập quan hệ vợ chồng với nhau thông qua việc kết hôn buộc phải đáp ứng các điều kiện do Pháp luật quy định.

Thứ nhất là điều kiện về tuổi đăng ký kết hôn, so với quy định cũ tại Luật Hôn nhân – gia đình năm 2000, quy định này có sự thay đổi, nếu như trước đây, tuổi kết hôn của nam là từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám trở lên, nếu theo quy định này thì không bắt buộc nam phải từ đủ hai mươi tuổi trở lên, nữ phải từ đủ mười tám tuổi trở lên mới được kết hôn; do vậy nam đã bước sang tuổi hai mươi, nữ đã bước sang tuổi mười tám mà kết hôn là không phạm điều kiện về độ tuổi kết hôn. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân gia đình 2014 đã có sự thay đổi, tăng độ tuổi kết hôn để phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của người nam và người nữ.

Thứ hai là phải có sự tự nguyện của hai bên nam nữ khi kết hôn. Sự tự nguyện là việc mỗi bên không bị tác động bởi bên kia hay bởi bất cứ người nào khác khiến họ phải kết hôn trái với nguyện vọng của họ. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo cho hôn nhân, cho mối quan hệ vợ chồng có thể tồn tại lâu dài và bền vững.

Điều kiện thứ ba là không bị mất năng lực hành vi dân sự. Như đã phân tích, kết hôn xuất phát từ sự tự nguyện của hai bên nam nữ. Những người đang mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì không thể thể hiện ý chí của họ một cách đúng đắn khi kết hôn. Mặt khác, Bộ luật dân sự đã quy định rõ về giao dịch dân sự vô hiệu do người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện. Kết hôn là quyền gắn với nhân thân, do vậy không thể do người đại diện của người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện. Và do vậy, người mất năng lực hành vi dân sự không thể kết hôn.

Cuối cùng là việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn. Xuất phát từ  các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình theo Điều 2 Luật Hôn nhân gia đình 2014 như nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc,… Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định các trường hợp cấm kết hôn nhằm đảm bảo hôn nhân được duy trì và bền vững.

Điều 9 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về việc đăng ký kết hôn như sau:

“1.Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

2.Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.”

Việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ý nghĩa quan trọng. Đây là biện pháp để Nhà nước kiểm soát việc tuân theo pháp luật Hôn nhân Gia đình. Việc kết hôn phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước trái thẩm quyền thì mới có giá trị pháp lý, hai bên nam nữ mới phát sinh quyền và nghĩa vụ trong quan hệ vợ chồng.

Như vậy, dưới góc độ pháp lý kết hôn là  một sự kiện pháp lý vô cùng quan trọng nhằm xác lập quan hệ vợ chồng giữa người nam và người nữ. Chính từ sự quan trọng nêu trên, Luật Hôn nhân gia đình đã quy định về các điều kiện kết hôn, những quy định này được quy định chi tiết, rõ ràng, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, bình đẳng.

Luật Hoàng Anh