Khái niệm hệ thống chính trị, mô hình tổ chức hệ thống chính trị; những yếu tố tác động và quy định mô hình tổ chức của hệ thống chính trị

Khái niệm hệ thống chính trị, mô hình tổ chức hệ thống chính trị; những yếu tố tác động và quy định mô hình tổ chức của hệ thống chính trị

 

I. Khái niệm chung

1. Khái niệm hệ thống chính trị

Hệ thống chính trị là một chỉnh thể các tổ chức chính trị và chính trị-xã hội trong xã hội bao gồm các đảng chính trị, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội hợp pháp được liên kết với nhau trong một hệ thống tổ chức nhằm tác động vào các quá trình của đời sống xã hội, để củng cố, duy trì và phát triển chế độ đương thời phù hợp với lợi ích của chủ thể giai cấp cầm quyền.

Hệ thống chính trị xuất hiện cùng với sự thống trị của giai cấp, nhà nước và thực hiện đường lối chính trị của giai cấp cầm quyền, do đó hệ thống chính trị mang bản chất giai cấp của giai cấp cầm quyền.

Ở nước ta, giai cấp công nhân và nhân dân lao động là chủ thể của quyền lực. Bởi vậy, hệ thống chính trị ở nước ta là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội hợp pháp khác của nhân dân được thành lập, hoạt động trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện và đảm bảo đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.

 Hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay có những đặc điểm cơ bản sau:

Một là, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta đều lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Các quan điểm và nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đều được tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta vận dụng, ghi rõ trong hoạt động của từng tổ chức.

Hai là, hệ thống chính trị ở nước ta đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng là một tổ chức trong hệ thống chính trị nhưng có vai trò lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong điều kiện cụ thể ở nước ta, do những phẩm chất của mình – Đảng là đại biểu cho ý chí và lợi ích thống nhất của các dân tộc; do truyền thống lịch sử mang lại và do những thành tựu rất to lớn đạt được trong hoạt động thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng… làm cho Đảng ta trở thành Đảng chính trị duy nhất có khả năng tập hợp quần chúng lao động đông đảo để thực hiện lý tưởng của Đảng, nhân dân tự nguyện đi theo Đảng, thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực tế. Đây là đặc trưng cơ bản của hệ thống chính trị ở nước ta.

Ba là, hệ thống chính trị ở nước ta được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc này được tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta thực hiện.

Việc quán triệt và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là nhân tố cơ bản đảm bảo cho hệ thống chính trị có được sự thống nhất về tổ chức và hành động nhằm phát huy sức mạnh đồng bộ của toàn hệ thống cũng như của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị.

Bốn là, hệ thống chính trị bảo đảm sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân và tính nhân dân, tính dân tộc rộng rãi.

Đây là đặc điểm khác biệt căn bản của hệ thống chính trị ở nước ta với hệ thống chính trị của các nước tư bản chủ nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự thống nhất lợi ích giữa giai cấp công nhân, nhân dân lao động cũng như cả dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Khái niệm mô hình tổ chức hệ thống chính trị

(1) Mô hình tổ chức

Mô hình là khái niệm được dùng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, do đó, khái niệm mô hình được được tiếp cận từ nhiều góc độ, cấp độ khác nhau.

Theo Từ điển Tiếng Việt, mô hình có 2 nghĩa: 1) Vật cùng hình dạng nhưng được làm thu nhỏ lại hoặc phóng to lên, mô phỏng cấu tạo và hoạt động của vật thật để tiện trình bày, nghiên cứu. Mô hình máy bay; Mô hình khu đô thị mới. 2) Hình thức diễn đạt hết sức gọn theo một ngôn ngữ nào đó các đặc trưng chủ yếu của một đối tượng, để nghiên cứu đối tượng ấy. Mô hình của câu đơn[1].

Cũng có ý kiến cho rằng mô hình là một bản thiết kế, một sự mô phỏng (phỏng theo) về một khách thể (một sự vật, hiện tượng, quá trình) đã, đang, sẽ hoặc có thể hiện hữu.

Trong nghiên cứu, mô hình (model) là sự đơn giản hóa hiện thực một cách có chủ định.Nó cho phép nhà nghiên cứu bỏ qua các mặt thứ yếu để tập trung vào phương diện chủ yếu, có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề nghiên cứu.

 Trong hoạt động xã hội, các chủ thể hành động tương tác với nhau để trao đổi vật chất, năng lượng, thông tin, tạo ra những mối liên hệ và quan hệ xã hội. Những tương tác xã hội lặp đi lặp lại cố kết con người lại với nhau, có quy tắc nhất định, ít tự phát hơn, có cơ cấu đoán trước được, hình thành những mô hình xã hội (mô hình làng văn hóa; mô hình nông thôn mới).Như vậy, mô hình xã hội lại là một khách thể sống động, có tính điển hình.

Từ những cách tiếp cận và quan niệm khác nhau nêu trên, cho thấy: Mô hình là sự mô phỏng về một khách thể (một sự vật, hiện tượng, quá trình) đã, đang, sẽ hoặc có thể hiện hữu, nhưng cũng có thể là một khách thể hiện hữu có tính điển hình.

Trong đời sống xã hội có rất nhiều loại mô hình được xây dựng bằng những chất liệu khác nhau (vật chất, hình ảnh, sơ đồ, ngôn ngữ, số, ký hiệu…), như: mô hình vật lý, mô hình hóa học, mô hình toán học, mô hình kinh doanh; mô hình nghiên cứu, mô hình trưng bày, mô hình thu nhỏ, mô hình phóng to, mô hình thực, mô hình ảo…

Tổ chức là hình thức liên kết cụ thể giữa con người với con người để thực hiện một nhiệm vụ chung hoặc nhằm đạt được mục tiêu nhất định. Tập hợp người trong tổ chức không phải là một tập hợp hỗn độn mà là một tập hợp có trật tự, theo những nguyên tắc nhất định, có cơ cấu tổ chức, có sự bố trí, sắp xếp, phân công, phối hợp.

Mỗi lĩnh vực, mỗi khoa học lại có cách tiếp cận riêng về tổ chức, nên đến nay có nhiều quan niệm khác nhau về tổ chức. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, tổ chức được hiểu phổ biến theo hai nghĩa:  Thứ nhất, tổ chức là một hoạt động – hoạt động liên hiệp nhiều người lại để thực hiện một nhiệm vụ, mục tiêu nhất định. Thứ hai, tổ chức là một tập hợp người có trật tự để thực hiện một nhiệm vụ chung hoặc nhằm đạt được mục tiêu nhất định.

Tổ chức gắn liền với cơ cấu tổ chức, trong đó các nguồn lực được sắp xếp, hoạt động được phân chia, con người và các bộ phận được phối hợp nhằm thi mục tiêu của tổ chức. Là hình thức cấu tạo bên trong của tổ chức, cơ cấu tổ chức thể hiện mối quan hệ giữa những con người trong tổ chức, đồng thời thể hiện mô hình của tổ chức.Cơ cấu tổ chức thể hiện hình thức cấu tạo của tổ chức, bao gồm sự phân chia tổng thể tổ chức thành các bộ phận có tính độc lập tương đối để thực hiện các hoạt động nhất định và mối quan hệ giữa các bộ phận trong tổng thể.Tổ chức nào cũng có một mô hình cơ cấu tổ chức và để xây dựng, điều khiển một tổ chức bao giờ cũng cần một thiết kế mô hình tổ chức của tổ chức đó.

Vậy, mô hình tổ chức là loại mô hình xã hội, là cơ cấu tổ chức của một tổ chức hiện hữu có tính điển hình hay là thiết kế cơ cấu tổ chức của một tổ chức dự định sẽ xây dựng.

Mô hình tổ chức thường được thể hiện bằng sơ đồ, bản vẽ, hình ảnh, ngôn ngữ để mô tả cơ cấu, mối quan hệ giữa các bộ phận trong cơ cấu tổ chức.

(2)  Mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị

Tổng thể là tập hợp nhiều sự vật có quan hệ chặt chẽ với nhau, làm thành một thể thống nhất có những đặc trưng riêng (như: tổng thể kiến trúc, tổng thể nền kinh tế quốc dân). Theo nghĩa tính từ, là có tính chất tổng thể (như: quy hoạch tổng thể; có cái nhìn tổng thể).

Mô hình tổ chức tổng thể là mô hình tổ chức của tất cả các bộ phận của tổ chức trong một thể thống nhất, bao quát.

Mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị là cơ cấu tổ chức tổng thể hệ thống chính trị hiện hữu hay là thiết kế cơ cấu tổ chức của hệ thống chính trị dự định sẽ xây dựng.

Khái niệm mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị hàm nghĩa là mô hình có có tính bao quát, tính khung, là “đường viền lớn” của hệ thống chính trị, có sự phân biệt với mô hình tổ chức bộ máy chi tiết, cụ thể của một tổ chức, một bộ phận trong hệ thống chính trị.

Các loại mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị

Tùy theo cách tiếp cận có thể chia mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị (gọi tắt là mô hình tổ chức hệ thống chính trị) ra những loại khác nhau, như:

+ Theo chế độ xã hội (phương thức sản xuất):

– Mô hình tổ chức hệ thống chính trị phong kiến; Mô hình tổ chức hệ thống chính trị TBCN;  Mô hình tổ chức hệ thống chính trị XHCN;

+ Theo thể chế đảng cầm quyền

– Mô hình tổ chức hệ thống chính trị đa đảng cầm quyền;  Mô hình tổ chức hệ thống chính trị một đảng cầm quyền nổi trội; Mô hình tổ chức hệ thống chính trị hai đảng thay nhau cầm quyền; Mô hình tổ chức hệ thống chính trị nhất nguyên đa đảng; Mô hình tổ chức hệ thống chính trị nhất nguyên một đảng duy nhất cầm quyền…

+ Theo tính chất phát triển

– Mô hình tổ chức hệ thống chính trị phát triển; Mô hình tổ chức hệ thống chính trị đang chuyển đổi;

+ Theo thể chế Nhà nước

– Mô hình tổ chức hệ thống chính trị tam quyền phân lập; Mô hình tổ chức hệ thống chính trị tập quyền; Mô hình tổ chức hệ thống chính trị dân chủ; Mô hình tổ chức hệ thống chính trị quân chủ; Mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị hỗn hợp…

3. Khái niệm mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị Việt Nam

Từ quan niệm về mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị nói chung nêu trên có thể thấy: Mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị Việt Nam là khái niệm chỉ cơ cấu tổ chức tổng thể hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay hay là thiết kế cơ cấu tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam dự định sẽ xây dựng.

Các thành tố chủ yếu trong mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay cần thể hiện gồm:

– Cơ cấu tổ chức tổng thể hệ thống chính trị Việt Nam; Cơ cấu tổ chức tổng thể của Đảng Cộng sản Việt Nam; Cơ cấu tổ chức tổng thể của Nhà nước CHXHCN Việt Nam; Cơ cấu tổ chức tổng thể của các tổ chức chính trị – xã hội.

4.Vai trò của mô hình tổ chức của hệ thống chính trị

Trong đời sống xã hội,mô hình có tầm quan trọng rất lớn. Có những lĩnh vực, có những hoạt động trong đó việc xác định đúng hay sai mô hình hoạt động có tính quyết định thành bại, như mô hình tổ chức tập hợp quần chúng; mô hình kinh doanh…

Từ thực tế xây dựng hệ thống chính trị trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị có những vai trò nổi bật sau:

– Xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ, cơ chế vận hành giữa các bộ phận trong hệ thống chính trị, do đó quy định sự phân chia, bố trí hợp lý hay không hợp lý các tổ chức bộ phận trong hệ thống chính trị.

– Là một bộ phận thuộc phương thức lãnh đạo của Đảng, phương thức cầm quyền của Đảng.

– Ảnh hưởng lớn đến tập hợp, phát huy các nguồn lực của đất nước.

– Giúp người lãnh đạo, quản lý nắm bắt rõ ràng tổ chức của hệ thống chính trị để lãnh đạo, quản lý đúng đắn, hiệu quả và định hướng kiện toàn tổ chức, tối ưu hóa tổ chức, nhân sự, phương thức hoạt động của hệ thống chính trị.

– Giúp việc nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị.

Với vai trò nêu trên cho thấy mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay, do đó quan hệ đến phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng; đến sự phát triển, ổn định và bền vững của chế độ, đất nước.

II. Những yếu tố tác động và quy định mô hình tổ chức của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay

1. Yếu tố khách quan

(1) Bản chất giai cấp của Đảng cầm quyền, Nhà nước xã hội chủ nghĩa

Mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam phải phù hợp với việc Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do Nhân dân, vì nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. 

(2) Thể chế đảng cầm quyền và nhà nước: Mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay dù đổi mới cách gì cũng phải phù hợp với thể chế một đảng cầm quyền duy nhất và quyền lực Nhà nước là thống nhất, đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

(3) Lịch sử hình thành, phát triển hệ thống chính trị:  Mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị Việt Nam được hình thành từ Cách mạng giành chính quyền tháng Tám năm 1945, được phát triển, thử thách trong quá trình cách mạng Việt Nam hơn 70 năm và đã được khẳng định bởi những tác dụng, đóng góp to lớn cho sự nghiêp cách mạng.  Hiện nay, hệ thống chính trị Việt Nam đã phát triển thành hệ thống tổ chức to lớn, tinh vi, nhiều tầng nấc, bao trùm toàn bộ xã hội, gắn với việc làm, lợi ích của hàng chục vạn cán bộ, công chức.

(4) Cơ cấu giai cấp, giai tầng xã hội; so sánh lực lượng; vai trò, sự đóng góp về chính trị, kinh tế, xã hội của các giai tầng: Khi thiết lập, đổi mới mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị bắt buộc phải tính đến, phản ánh được yếu tố cơ cấu giai cấp, giai tầng xã hội; so sánh lực lượng; vai trò, sự đóng góp về chính trị, kinh tế, xã hội của các giai tầng.

(5) Yêu cầu phát triển đất nước:  Đây là mệnh lệnh tối cao đối với mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị, đồng thời cũng là tiêu chí cao nhất đánh giá tính hợp lý của hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị

(6) Trình độ phát triển của đất nước, quốc gia:  Mô hình tổ chức hệ thống chính trị không thể tách rời trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, quốc gia.

(7) Trình độ dân trí, dân chủ: Trình độ dân trí, dân chủ của nhân dân, xã hội phát triển đến đâu thì mô hình tổ chức hệ thống chính trị phải phát triển phù hợp.

(8) Quốc tế:Trong điều kiện, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, khi xây dựng, đổi mới mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị Việt Nam phải tính đến hiện trạng và xu hướng phát triển mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên thế giới và những kinh nghiệm xây dựng, vận hành của mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên thế giới.

2. Yếu tố chủ quan:

(1) Đường lối chính trị của Đảng:  Đây là yếu tố quyết định mô hình tổ chức hệ thống chính trị. Mô hình tổ chức hệ thống chính trị phải đáp ứng, phục vụ thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng.

(2) Trình độ nhận thức, kinh nghiệm của đảng

 Trình độ nhận thức lý luận của Đảng là cơ sở cho xác lập, đổi mới mô hình tổ chức hệ thống chính trị. Kinh nghiệm chính trị và xây dựng mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị Việt Nam của Đảng cũng là những cơ sở dữ liệu rất quan trọng cho đổi mới mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị Việt Nam

(3) Bản lĩnh, ý chí chính trị của lãnh đạo Đảng: Đổi mới mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị là việc rất lớn, rất hệ trọng, ảnh hưởng tới xu hướng phát triển, sinh mệnh của đảng cầm quyền nên không dễ, phụ thuộc rất trực tiếp vào bản lĩnh, ý chí chính trị của lãnh đạo Đảng./.

 

PGS. TS. Nguyễn Văn Giang,

Học viện CTQG Hồ Chí Minh

 

 


 

 


[1] Trung tâm từ điển học: Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2010, tr.819.