Khái niệm dự án đầu tư và dự án đầu tư xây dựng – Quản lý dự án xây dựng

Cập nhật tháng 07 năm 2021

 

Dự án đầu tư xây dựng (DAĐTXD) đóng vai trò quan trọng trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội của đất nước.

Đối với chủ đầu tư, DAĐTXD là một cơ sở quan trọng nhất, chứng minh sự cần thiết, mục tiêu, hiệu quả đầu tư của dự án, để nhà đầu tư quyết định có nên tiến hành đầu tư dự án hay không; là công cụ, phương tiện để tìm đối tác bỏ vốn đầu tư cho dự án và thuyết phục các tổ chức tài chính tiền tệ tài trợ hoặc cho vay vốn. DAĐTXD cũng là cơ sở để xây dựng kế hoạch thực hiện đầu tư, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra quá trình thực hiện dự án. Đồng thời DAĐTXD là căn cứ quan trọng để theo dõi đánh giá và có điều chỉnh kịp thời những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện và khai thác dự án và để soạn thảo hợp đồng liên doanh cũng như để giải quyết các mối quan hệ tranh chấp giữa các đối tác trong quá trình thực hiện dự án.

Đối với nhà tài trợ và cho vay vốn, DAĐTXD là căn cứ quan trọng để các cơ quan này xem xét tính khả thi của dự án, từ đó sẽ đưa ra quyết định có nên tài trợ cho dự án hay không và nếu tài trợ thì tài trợ đến mức độ nào để đảm bảo rủi ro ít nhất.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, DAĐTXD là tài liệu quan trọng để các cấp có thẩm quyền xét duyệt, cấp giấy phép đầu tư; và là căn cứ pháp lý để toà án xem xét, giải quyết khi có sự tranh chấp giữa các bên tham gia đầu tư trong quá trình thực hiện dự án sau này.

Có nhiều khái niệm về dự án và dự án đầu tư (DAĐT):

  • Dự án là một lĩnh vực hoạt động đặc thù, một nhiệm vụ cần phải thực hiện với phương pháp riêng, nguồn lực riêng và theo một kế hoạch tiến độ nhằm tạo ra một thực thể mới [1].

  • DAĐT là tổng thể các hoạt động và chi phí cần thiết, được bố trí theo một kế hoạch chặt chẽ với lịch thời gian và địa điểm xác định để tạo mới, mở rộng hoặc cải tạo những cơ sở vật chất nhất định nhằm thực hiện những mục tiêu nhất định trong tương lai [2].

  • Theo Điều 3 Luật đầu tư 61/2020/QH14: DAĐT là là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định [3].

  • DAĐT là bản luận chứng tổng hợp phản ánh toàn bộ các vấn đề: thị trường, kinh tế kỹ thuật, công nghệ, xây dựng, tổ chức sản xuất, khả năng thu hồi vốn. Trên cơ sở tập hợp các luận chứng riêng biệt, cụ thể những hoạt động có hệ thống về các mặt kinh tế, kỹ thuật, xã hội sẽ thực hiện trong một thời gian nhất định, nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhất định [4].

  • DAĐTXD, theo Điều 3 Luật xây dựng, là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc sử dụng vốn để tiến hành hoạt động xây dựng để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng nhằm phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ trong thời hạn và chi phí xác định. Ở giai đoạn chuẩn bị DAĐTXD, dự án được thể hiện thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng [5].

  • DAĐTXD khu đô thị là dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở hoặc công trình xây dựng khác theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị [6].

Như vậy, tuy có nhiều khái niệm về DAĐT nói chung và DAĐTXD nói riêng nhưng đều bao gồm các thành phần chính sau:

  • mục tiêu kinh tế xã hội rõ ràng: đối với chủ đầu tư đó là mục đích thu hồi vốn, tạo lợi nhuận và vị thế phát triển mới của doanh nghiệp; đối với xã hội đó là việc phù hợp với quy hoạch định hướng phát triển, kinh tế, tạo thêm việc làm và sản phẩm, dịch vụ cho xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái;

  • Có các nguồn lực: vốn, lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu… giới hạn nhất định;

  • Có một hệ thống các giải pháp đồng bộ, để thực hiện các mục tiêu, tạo ra các kết quả cụ thể;

  • Có các kết quả: đó là những kết quả cụ thể, có thể định lượng được tạo ra từ các hoạt động khác nhau của dự án.

Trên đây mình đã trình bày về vai trò của dự án đầu tư xây dựng đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội của đất nước, các khái niệm về dự án và các khái niệm, thành phần của dự án đầu tư xây dựng.

>>> Video Khái niệm dự án đầu tư và dự án đầu tư xây dựng:

———

[1]. Từ Quang Phương (2005), Giáo trình Quản lý dự án đầu tư, NXB Lao động – Xã hội

[2]. Nguyễn Bạch Nguyệt (2012), Giáo trình Lập dự án đầu tư, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội

[3]. Quốc hội (2020), Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/06/2020

[4]. Thái Bá Cẩn (2009), Giáo trình Phân tích và quản lý dự án đầu tư, NXB Giáo dục

[5]. Quốc hội (2014), Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014

[6]. Quốc hội (2020), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 ngày 17/06/2020

 

Cảm ơn các bạn đã theo dõi!

 

 

Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời Quản lý dự án xây dựng chấm Nét một ly cà phê nhé!

Bạn hãy chia sẻ nhé: