Khái niệm dự án đầu tư? Một số đặc điểm của dự án đầu tư theo Luật đầu tư 2020?
“Đầu tư” là một hoạt động phổ biến đối với mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Chúng ta thường đề cập đến các khái niệm như “đầu tư dự án”, “đầu tư chứng khoán”, “đầu tư bất động sản”,… cùng nhiều khái niệm khác có liên quan đến hoạt động này. Để thực hiện hoạt động đầu tư một cách có hiệu quả, các nhà đầu tư thường hoạch định một kế hoạch đầu tư phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, khả năng thu hồi vốn lớn,… căn cứ vào nhu cầu thực tế của bản thân cũng như các điều kiện khách quan khác như điều kiện kinh tế-xã hội, điều kiện pháp luật,…. Kế hoạch này được biết đến với tên gọi “dự án đầu tư”. Vậy thuật ngữ “dự án đầu tư” là gì, được quy định như thế nào trong Luật Đầu tư 2020 và đặc điểm của chúng ra sao? Cùng Luật Hoàng Anh làm rõ vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.
Về khái niệm “dự án đầu tư”:
Thuật ngữ “dự án” (tiếng Anh là “project”) dùng để chỉ một kế hoạch chi tiết và thận trọng do một chủ thể lập ra để thực hiện công việc nào đó trong khoảng thời gian nhất định nhằm đạt được kết quả mà chủ thể đó mong muốn. Qua định nghĩa trên, có thể thấy, “dự án” có thể xuất hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Ví dụ như: Dự án phát triển giáo dục, đề án xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường,…
Như vậy, có thể rút ra khái niệm về dự án đầu tư, như sau: Dự án đầu tư là dự án được thực hiện lĩnh vực đầu tư, do các nhà đầu tư lên kế hoạch nhằm thực hiện mục đích đầu tư của mình, trong một khoảng thời gian xác định nhằm đạt được kết quả mà nhà đầu tư đó mong muốn.
Về mặt hình thức, dự án đầu tư được thể hiện dưới dạng một loại tài liệu, trong đó, ghi nhận toàn bộ các nội dung có liên quan đến hoạt động đầu tư như thông tin nhà đầu tư, kế hoạch thực hiện dự án, thời gian thực hiện dự án, hiệu suất đầu tư, khả năng thu hồi vốn,…
Về mặt nội dung, có thể hiểu, dự án đầu tư là toàn bộ các hoạt động như cấp phép, xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án đi vào hoạt động,cùng các các chi phí có liên quan,vv… để thực hiện dự án đầu tư.
Định nghĩa về khái niệm “dự án đầu tư” cũng đã được các nhà làm Luật cụ thể hóa, quy định tại khoản 4 điều 3 Luật Đầu tư 2020, như sau: “Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.” Định nghĩa về “dự án đầu tư” theo Luật Đầu tư 2020 kế thừa hoàn toàn cách tiếp cận như định nghĩa “dự án đầu tư” tại các văn bản Luật Đầu tư cũ như Luật Đầu tư 2014 hay Luật Đầu tư 2005. Định nghĩa “dự án đầu tư” đã tiếp cận theo hướng đưa ra các tiêu chí để đánh giá dự án đầu tư, nhằm phân biệt, đánh giá một dự án cụ thể trên thực tế có phải là dự án đầu tư hay không? Có thể khái quát các tiêu chí nêu trên, như sau:
- Thời gian thực hiện dự án;
- Hoạt động của dự án;
- Không gian thực hiện (địa bàn thực hiện) dự án.
Về đặc điểm của “dự án đầu tư”:
Từ khái niệm trên, ta có thể khái quát một số đặc điểm cơ bản của dự án đầu tư, như sau:
Thứ nhất, nội dung của dự án đầu tư chỉ mang tính đề xuất. Dự án đầu tư cũng như các loại dự án khác, đều là các kế hoạch do nhà đầu tư đề ra, có thể thực hiện trong tương lai. Do vậy, điều kiện thực tế, đến từ các nguyên nhân khách quan (như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế,…) hay từ chính bản thân nhà đầu tư (như năng lực tài chính, mong muốn của nhà đầu tư,…) có thể mang lại rủi ro đối với các dự án đầu tư, khiến chúng bị thay đổi, thậm chí là bị hủy bỏ.
Ví dụ: Do đại dịch Covid 19, nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất do hàng hóa không thể xuất khẩu ra nước ngoài. Các nhà đầu tư đã thay đổi kế hoạch đầu tư nhằm phù hợp với tình hình thực tế, thay vì chuyên sản xuất hàng xuất khẩu thì nay, doanh nghiệp dần chuyển đổi sang cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa đảm bảo hiệu quả khi thực hiện dự án đầu tư.
Thứ hai, dự án đầu tư có địa bàn đầu tư cụ thể và khoảng thời gian đầu tư xác định. Đặc điểm này có thể được hiểu là mọi dự án đầu tư (dù có quy mô lớn hay nhỏ) thì đều phải xác định được địa bàn thực hiện dự án và thời gian, tiến độ thực hiện cụ thể. Đây là một yêu cầu bắt buộc khi thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo cho hoạt động đầu tư được hiệu quả cũng như là căn cứ để Nhà nước quản lý các dự án đầu tư (cơ sở thu, truy thu, hoàn thuế, thực hiện thanh kiểm tra đột xuất,…).
Thứ ba, dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn. Đặc điểm này có thể được hiểu là các dự án có bỏ vốn nhưng trong thời gian ngắn, khả năng thu hồi vốn nhanh thì không phải là dự án đầu tư. Điều này gây ra nhiều cách hiểu không thống nhất, ví dụ như các dự án, nhà đầu tư cũng bỏ vốn, tuy nhiên thời gian bỏ dưới 12 tháng thì có được coi là dự án đầu tư hay không? Trên thực tế có rất nhiều dự án do các nhà đầu tư thực hiện trong một thời gian ngắn, mang đầy đủ bản chất của dự án đầu tư nhưng lại không phải là dự án đầu tư vì không thỏa mãn đặc điểm này.
Trên đây là một số phân tích xoay quanh khái niệm, đặc điểm của thuật ngữ “dự án đầu tư” theo quy định Pháp luật hiện hành. Đây có thể được coi là một trong những yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư, nắm rõ khái niệm, bản chất của dự án đầu tư, lường trước các rủi ro đầu tư có thể xảy ra góp phần đảm bảo hiệu quả, lợi ích kinh tế mang lại khi thực hiện hoạt động đầu tư.
Luật Hoàng Anh