Khái niệm dịch vụ thanh toán, các hình thức thanh toán và quy định của pháp luật về mở tài khoản thanh toán.
Dịch vụ thanh toán được hiểu: Là việc cung ứng phương tiện thanh toán, thực hiện giao dịch thanh toán trong nước và quốc tế, thực hiện thu hộ, chi hộ và các loại dịch vụ khác do Ngân hàng Nhà nước quy định của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Mục Lục
1. Khái niệm dịch vụ thanh toán
Trong hoạt động kinh tế, các chủ thể tham gia quan hệ kinh tế thường xuyên phải thanh toán các nghĩa vụ tài chính phát sinh trong hoạt động kinh doanh. Xuất phát từ tính đa dạng, đan xen của các quan hệ kinh doanh cộng với giá trị thanh toán cho các giao dịch kinh tế ngày càng lớn cũng như yêu cầu thanh toán nhanh chóng, an toàn là những tiền đề kinh tế quan trọng cho việc đáp ứng nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế.
Từ trên có thể hiểu thanh toán: Là việc chi trả để giải quyết xong một khoản nợ. Việc thanh toán phát sinh từ nhiều loại quan hệ xã hội như quan hệ dân sự, quan hệ nộp phạt, nộp thuế, quan hệ kinh doanh và được thực hiện trực tiếp giữa người thụ hưởng với người chi trả hoặc thông qua tổ chức trung gian được nhà nước cho phép cung ứng dịch vụ thanh toán.
Dịch vụ thanh toán được hiểu: Là việc cung ứng phương tiện thanh toán, thực hiện giao dịch thanh toán trong nước và quốc tế, thực hiện thu hộ, chi hộ và các loại dịch vụ khác do Ngân hàng Nhà nước quy định của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán.
2. Các hình thức thanh toán
Thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt: Là hình thức thanh toán mà người có nghĩa vụ chi trả người mua hàng hóa, người nhận cung ứng dịch vụ, sử dụng tiền mặt để chi trả cho người thụ hưởng người bán hàng hóa, người cung ứng dịch vụ. Hình thức thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt ra đời gắn liền với sự xuất hiện của tiền tệ trong đời sống xã hội.
Thanh toán qua tổ chức thanh toán cung ứng dịch vụ : là hình thức thanh toán trong nền kinh tế nhằm thực hiện nghĩa vụ trả tiền hoặc chuyển tiền của người có nghĩa vụ cho người thụ hưởng thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán bằng phương tiện thanh toán không phải là tiền mặt.
Thanh toán không bằng tiền mặt có nhiều ưu điểm:
Thứ nhất, thanh toán không bằng tiền mặt hạn chế được những rủi ro trong việc vận chuyển, kiểm đếm bảo quản tiền mặt trong quá trình thanh toán.
Thứ hai, thanh toán không bằng tiền mặt là phương thức thanh toán hiện đại, nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian và chi phí cũng như đảm bảo sự tin tưởng giữa các bên trong quá trình thanh toán do có sự tham gia của tổ chức tín dụng có khả năng tài chính và uy tín.
Thứ ba, về phía nhà nước, thanh toán không bằng tiền mặt giúp kiểm soát tốt hơn quá trình thanh toán của các chủ thể trong nền kinh tế do có sự kiểm soát từ phía tổ chức tín dụng. Nhà nước cũng giảm được một lượng chi phí rất lớn trong việc in, đúc, bao quản và lưu hành tiền mặt trong nền kinh tế.
3. Đặc điểm của tài khoản thanh toán
- Là loại tài khoản tiền gửi không kỳ hạn.
- Mục đích của tài khoản thanh toán là để sử dụng dịch vụ thanh toán do Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và một số tổ chức.
- Chủ thể có quyền mở tài khoản thanh toán cho khách là Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và một số tổ chức.
- Chủ thể tham gia vào quan hệ mở tài khoản thanh toán bao gồm: Chủ thể quản lý tài khoản: Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô và một số tổ chức.
- Chủ tài khoản: là người đứng tên mở tài khoản. Đối với tài khoản của cá nhân, chủ tài khoản là cá nhân đứng tên mở tài khoản. Đối với tài khoản của tổ chức, chủ tài khoản là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của tổ chức mở tài khoản.
- Người thụ hưởng: là các tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán khi chủ tài khoản sử dụng tài khoản thanh toán của mình để thanh toán cho người thụ hưởng.
Nội dung quan hệ sử dụng tài khoản thanh toán:
- Quan hệ bảo vệ tài khoản cho chủ tài khoản: Các quan hệ về mở tài khoản, quản lý kiểm tra và giám sát tài khoản.
- Quan hệ bảo đảm khả năng chi trả khi chủ tài khoản yêu cầu: Các quan hệ về cung ứng dịch vụ thanh toán, giao dịch trong nước hay quốc tế…
Quan hệ thanh toán đối với chủ tài khoản độc lập với quan hệ mua bán và cung ứng dịch vụ làm phát sinh thanh toán.
Lãi suất trên số dư tài khoản thanh toán: Số dư tài khoản thanh toán luôn trong tình trạng sẵn sàng để thực hiện hoạt động chi trả của chủ tài khoản.
4. Quy định của pháp luật về mở và sử dụng tài khoản thanh toán
Thứ nhất, mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản thanh toán cho Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản thanh toán cho ngân hàng trung ương các nước, các ngân hàng nước ngoài, tổ chức tiền tệ quốc tế, ngân hàng quốc tế theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.
Trong trường hợp Việt Nam chưa phải là thành viên tham gia, việc mở tài khoản thanh toán thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng trung ương các nước, mở tài khoản thanh toán và thực hiện giao dịch thanh toán ở nước ngoài theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.
Thứ hai, việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán giữa các tổ chức tín dụng phải thực hiện theo đúng quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. Tài khoản thanh toán mở giữa các tổ chức tín dụng chỉ phục vụ cho mục đích thanh toán, không được sử dụng cho mục đích khác.
Thứ ba, việc mở tài khoản thanh toán cho cá nhân và tổ chức không phải là tổ chức tín dụng được quy định theo luật ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán cho khách hàng phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Người mở tài khoản thanh toán là cá nhân phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng.
Đối với người chưa thành niên, khi mở tài khoản thanh toán phải có người giám hộ theo quy định của pháp luật. Tài khoản thanh toán chung là tài khoản thanh toán có ít nhất hai chủ thể trở lên cùng đứng tên mở tài khoản.
Chủ tài khoản có nghĩa vụ tuân thủ các quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và phải đảm bảo có đủ tiền trên tài khoản thanh toán để thực hiện lệnh thanh toán đã lập, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời lệnh thanh toán hợp lệ của chủ tài khoản. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có quyền từ chối thực hiện lệnh thanh toán không hợp lệ của chủ tài khoản, hoặc khi trên tài khoản thanh toán không đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
5. Chế độ pháp lý về thanh toán qua ngân hàng
Thứ nhất là quy phạm pháp luật quy định về các chủ thể tham gia quan hệ thanh toán người trả tiền, người nhận tiền và các chủ thể là các tổ chức được thực hiện dịch vụ thanh toán và phạm vi áp dụng cho các hoạt động thanh toán qua các tổ chức được thực hiện dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật.
Thứ hai là các quy phạm pháp luật quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán như điều kiện, thủ tục, việc sử dụng và thực hiện các dịch vụ thanh toán nội dung các dịch vụ thanh toán, phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán.
Thứ ba bao gồm các quy phạm pháp luật quy định về tổ chứcvà tham gia các hệ thống thanh toán nội bộ, liên ngân hàng, tham gia hoạt động thanh toán quốc tế.
Thứ tư là quy phạm pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ thanh toán người sử dụng dịch vụ thanh toán, tổ chức thực hiện dịch vụ thanh toán, trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán và kỷ luật thanh toán.
Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định dịch vụ thanh toán bao gồm:
Một là, dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng, bao gồm:
- Cung ứng phương tiện thanh toán;
- Thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ;
- Các dịch vụ thanh toán khác.
Hai là, dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng, bao gồm:
– Dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử;
– Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán;
– Các dịch vụ trung gian thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Các tổ chức không phải là ngân hàng muốn cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện sau:
-) Điều kiện về giấy phép: Các tổ chức không phải là ngân hàng muốn cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có giấy phép thành lập hoặc đăng ký kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, rong đó hoạt dộng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là một trong các hoạt động kinh doanh chính của tổ chức;
-) Điều kiện về phương án kinh doanh: các tổ chức không phải là ngân hàng muốn cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có phương án kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán được phê duyệt theo đúng quy định về thẩm quyền đầu tư tại điều lệ hoạt động của tổ chức;
– Điều kiện về vốn pháp định: các tổ chức không phải là ngân hàng muốn cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỷ đồng;
– Điều kiện về nhân sự: người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc của tổ chức xin phép phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc lĩnh vực phụ trách. Đội ngũ cán bộ thực hiện dịch vụ trung gian thanh toán có trình độ chuyên môn về lĩnh vực đảm nhiệm;
– Điều kiện kỹ thuật, nghiệp vụ gồm: cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và quy định của Ngân hàng Nhà nước; hệ thống kỹ thuật dự phòng độc lập với hệ thống chính đảm bảo cung cấp dịch vụ an toàn và liên tục khi hệ thống chính có sự cố; quy trình kỹ thuật, nghiệp vụ trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo an toàn, bảo mật và phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với dịch vụ trung gian thanh toán trong các giao dịch điện tử theo quy định hiện hành của pháp luật.