Khái niệm, đặc điểm và vai trò của công chứng nhà nước là gì ?

Hoạt động công chứng là một trong các hoạt động bổ trợ tư pháp theo quy định của pháp luât. Kể từ khi được pháp luật ghi nhận đến nay pháp luật về hoạt động công chứng đã có nhiều điểm thay đổi phù hợp hơn với tình hình kinh tế xã hội.

Vậy, Công chứng là gì ? công chứng nhà nước có đặc điểm, vai trò như thế nào ?

Khái niệm công chứng

Ở Việt nam có hai loại hình công chứng là công chứng tư và công chứng công. Tổ chức công chứng và người thực hiện hành vi công chứng được nhà nước ra quyết định công nhận và cho phép hoạt động nhằm đảm bảo tính xác thực trong giao dịch và các quan hệ khác theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của công dân, tổ chức được thể hiện bằng các hình thức Nhà nước trực tiếp thực hiện( công chứng nhà nước) hay Nhà nước ủy quyền( công chứng tư). Khi có tranh chấp xảy ra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa vào hình thức chứng nhận trên để giải quyết tranh chấp. Như vậy công chứng tư có thể được hiểu là những văn tự độc lập do các cá nhân công dân thực hiện và có người thứ ba làm chứng với tư cách cá nhân.

Đối với hình thức công chứng nhà nước, Nhà nước tổ chức và thực hiện công chứng chứ không ủy quyền cho tổ chức và cá nhân thực hiện. Là loại hình công chứng được tổ chức chặt chẽ và hoạt động chuyên nghiệp bằng kinh phí của nhà nước.Tổ chức công chứng là cơ quan nhà nước, nằm trong bộ máy hành pháp.

Công chứng xuất hiện ở nước ta từ những năm 1930, do tình hình lịch sử và điều kiện kinh tế, xã hội nên nước ta không thành lập tổ chức công chứng. Năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định 45/HĐBT về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên nước ta sử dụng thuật ngữ công chứng nhà nước: Công chứng nhà nước là việc chứng nhận tính xác thực của hợp đồng và giấy tờ theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội (sau đây gọi chung là các tổ chức), góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Các hợp đồng và giấy tờ đã được công chứng có giá trị chứng cứ.

Theo Luật Công chứng năm 2006, Quốc hội quy định công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Theo Luật Công chứng năm 2014, Quốc hội quy định bổ sung về khái niệm công chứng như sau: Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Đặc điểm của công chứng nhà nước

Công chứng nhà nước là hoạt động mang tính chất công, do công chứng viên thực hiện. Hoạt động công chứng ở nước ta do nhà nước quản lý về tổ chức, hoạt động công chứng là hoạt động dịch vụ công, công chứng có nhiệm vụ giúp công dân, tổ chức thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ bằng các biện pháp pháp lý.

So với hoạt động của cơ quan tư pháp với chức năng thực thi công quyền thì hoạt động công chứng là hoạt động hỗ trợ tư pháp, cung cấp chứng cứ cho hoạt động tư pháp. Công chứng ở nước ta có điểm giống nhau so với công chứng của các nước trên thế giới, là do tổ chức công chứng và công chứng viên thực hiện, hoạt động công chứng được xem là một trong số các nghề tư pháp, công chứng viên là một chức danh do nhà nước quy định về tiêu chuẩn chuyên môn, đạo đức.

Công chứng viên (Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng) là người được giao nhiệm vụ chứng nhận các hợp đồng, giao dịch của công dân và tổ chức, nhằm tạo ra một chứng cứ xác thực có giá trị pháp lý cao ngoại trừ quyết định của tòa án, tạo sự tin tưởng cho các bên tham gia.

Công chứng viên, nếu là công chức nhà nước hoạt động chuyên trách được hưởng lương theo nghạch bậc công chứng viên, lệ phí thu được phải nộp vào ngân sáchnhà nước. Khi công chứng viên gây thiệt hại đối với đương sự thì tổ chức công chứng chịu trách nhiệm dân sự đối với đương sự.

Đến năm 2006, Luật công chứng ra đời thì công chứng viên được lựa chọn nơi hành nghề công chứng, trừ công chứng viên của Phòng công chứng. Đây được xem là bước phát triển mới trong tổ chức và hoạt động công chứng ở nước ta.

Với những đặc điểm trên, công chứng nhà nước ở nước ta là hoạt động dịch vụ mang tính chất công, hoạt động theo nguyên tắc tự hạch toán hoặc tự trang trải. Công chứng nhà nước còn là một khâu trong quá trình quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động giao dịch. Mục đích là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, cung cấp tài liệu có giá trị chứng cứ khi cần thiết để phục vụ việc giải quyết các tranh chấp, củng cố trật tự pháp luật.

Vai trò của công chứng nhà nước

Đối với nước ta việc luật công chứng ra đời là phù với điều kiện phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, dưới sự quản lý của Nhà nước, thực hiện đổi mới kinh tế, xã hội phù hợp với chủ trương của nhà nước phát triển cơ cấu kinh tế nhiều thành phần với hình thức sản xuất kinh doanh đa dạng, trong đó sở hữu toàn dân và tập thể là nền tảng, kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo. Chính cơ sở kinh tế này đã quyết định đến việc xây dựng hệ thống công chứng và xác định vai trò, chức năng, nhiệm vụ công chứng ở nước ta.

Hoạt động chứng nhận của cơ quan thực hiện công chứng nhằm bảo đảm an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, kinh tế và các quan hệ xã hội khác, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan nhà nước, có tác dụng phòng ngừa các tranh chấp và vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó là giá trị thi hành đối với các bên giao kết, sự hiện diện của công chứng viên, người có trình độ chuyên môn hiểu biết pháp luật chứng nhận các bên đưa ra những điều khoản đúng pháp luật đã giúp cho hiệu lực của văn bản công chứng có giá trị cao. Văn bản công chứng buộc công dân, tổ chức phải tự nguyện thi hành những nghĩa vụ và giúp họ được hưởng những quyền lợi mà văn bản công chứng xác nhận mà không cần phải thông qua phán xét của Tòa án.

Hoạt động công chứng nhà nước là hoạt động dịch vụ công, tuy không phải là hoạt động quản lý nhà nước nhưng nó góp phần hỗ trợ tích cực để Nhà nước thực hiện quản lý các hoạt động giao dịch. Khi nói đến hoạt động công chứng tức là đến việc yêu cầu chứng nhận và việc chứng nhận. Quá trình chứng nhận là quá trình diễn ra giữa các chủ thể yêu cầu chứng nhận và chủ thể chứng nhận cùng hoạt động chung nhằm mục đích phản ánh chính xác nội dung sự việc.

Luật Hoàng Anh