Khái niệm, đặc điểm và phân loại quy phạm pháp luật hành chính
Quy phạm pháp luật hành chính là một dạng cụ thể của quy phạm pháp luật, được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước theo mệnh lệnh – đơn phương.
Những nội dung liên quan:
1. Khái niệm quy phạm pháp luật hành chính
a) Quy phạm pháp luật hành chính là gì?
Trong quản lý hành chính nhà nước, các chủ thể quản lý nhà nước cần đến quy phạm pháp luật để định ra các khuôn mẫu xử sự chung cho nhiều cá nhân, tổ chức (đối tượng quản lý) trong những tình huống được dự liệu trước và có thể lặp lại nhiều lần trong thực tiễn. Mặt khác, khi tiến hành các hoạt động quản lý hành chính nhà nước thì giữa chủ thể và đối tượng quản lý đã phát sinh các quan hệ xã hội cần được pháp luật điều chỉnh, đó chính là các quan hệ quản lý hành chính nhà nước.
Do đặc trưng của quan hệ quản lý hành chính nhà nước là quan hệ “quyền lực – phục tùng”, quan hệ có sự bất bình đẳng về ý chí giữa các bên tham gia nên việc điều chỉnh bằng pháp luật đối loại quan hệ này có những điểm riêng biệt cả về phương pháp điều chỉnh và loại quy phạm điều chỉnh.
Những quy phạm pháp luật được dùng để điều chỉnh các quan hệ quản lý hành chính nhà nước là các quy phạm pháp luật hành chính. Do đó, có thể hiểu:
Quy phạm pháp luật hành chính là một dạng cụ thể của quy phạm pháp luật, được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước theo mệnh lệnh – đơn phương.
b) Ví dụ về quy phạm pháp luật hành chính
Ví dụ: Quan hệ thu hồi đất giữa Ủy ban nhân dân xã với bà X, do bà X sử dụng đất trái phép. Phát sinh từ yêu cầu hợp pháp của Ủy ban nhân dân xã trong quản lý đất đai. Quyền của Ủy ban nhân dân xã là thu hồi đất, nghĩa vụ của bà X là chấp hành quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân trong t/h quyết định hợp pháp, quyền của bà X là khiếu nại nếu thấy quyết định ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, nghĩa vụ của Ủy ban nhân dân xã là tiếp nhận nếu có yêu cầu khiếu nại. Ủy ban nhân dân xã là chủ thể đặc biệt sử dụng quyền lực nhà nước, bà X là chủ thể thường. Tranh chấp phát sinh liên quan tới quyết định thu hồi đất sẽ được giải quyết theo thủ tục khiếu nại được quy định tại Luật khiếu nại.
2) Đặc điểm của quy phạm pháp luật hành chính
Quy phạm pháp luật hành chính có các đặt điểm chung và riêng cụ thể như sau:
a) Đặc điểm chung của quy phạm pháp luật hành chính:
- Là quy tắc xử sự chung thể hiện ý chí của nhà nước;
- Được nhà nước bảo đảm thực hiện;
- Là tiêu chuẩn để xác định giới hạn và đánh giá hành vi của con người về tính hợp pháp.
b) Đặc điểm riêng của quy phạm pháp luật hành chính:
- Các quy phạm pháp luật hành chính chủ yếu do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành.
- Các quy phạm pháp luật hành chính có số lượng lớn và có hiệu lực pháp lý khác nhau.
Do phạm vi điều chỉnh của các quy phạm pháp luật hành chính rất rộng và tính chất đa dạng về chủ thể ban hành nên các quy phạm pháp luật hành chính có số lượng lớn. Trong đó có những quy phạm có hiệu lực pháp lý trên phạm vi cả nước và chung cho các ngành, lĩnh vực quản lý nhưng cũng có những quy phạm chỉ có hiệu lực trong phạm vi một ngành, một lĩnh vực quản lý hay trong một địa phương nhất định.
- Các quy phạm pháp luật hành chính hợp thành một hệ thống trên cơ sở các nguyên tắc pháp lý nhất định.
3. Phân loại các quy phạm pháp luật hành chính
Do tính chất đa dạng và phức tạp của các quy phạm pháp luật hành chính nên việc phân loại các quy phạm quy phạm pháp luật hành chính có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn xây dựng cũng như áp dụng pháp luật trong quản lý hành chính nhà nước. Việc phân loại các quy phạm này có thể được thực hiện theo các tiêu chí cơ bản sau:
a) Phân loại các quy phạm pháp luật hành chính căn cứ vào chủ thể ban hành
Căn cứ vào chủ thể ban hành, các quy phạm pháp luật hành chính có thể được phân loại thành các nhóm sau:
- Do các cơ quan quyền lực nhà nước ban hành;
- Do Chủ tịch nước ban hành;
- Do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành;
- Do Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.
b) Phân loại các quy phạm pháp luật hành chính căn cứ vào cách thức ban hành
Căn cứ vào cách thức ban hành, các quy phạm pháp luật hành chính có thể được phân loại thành các nhóm sau:
- Do một cơ quan hay người có thẩm quyền độc lập ban hành;
- Quy phạm pháp luật hành chính liên tịch.
c) Phân loại các quy phạm pháp luật hành chính căn cứ vào vào mối quan hệ được điều chỉnh
Căn cứ vào mối quan hệ được điều chỉnh, các quy phạm pháp luật hành chính có thể được phân loại thành các nhóm sau:
- Quy phạm nội dung: là loại quy phạm được ban hành để quy định nội dung quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước. Các quy phạm này được ban hành chủ yếu để quy định về địa vị pháp lý hành chính của các chủ thể tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước.
Ví dụ : Quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND các cấp.
- Quy phạm thủ tục: là loại quy phạm được ban hành để quy định những trình tự, thủ tục cần thiết mà các bên tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước phải tuân theo khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình do các quy phạm pháp luật nội dung quy định.
Ví dụ : quy định về thủ tục xử phạm vi phạm hành chính, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính,…
Các quy phạm nội dung phải được thực hiện theo những trình tự thủ tục nhất định do quy phạm thủ tục quy định.
d) Phân loại các quy phạm pháp luật hành chính căn cứ vào vào hiệu lực pháp lý về thời gia
Căn cứ vào hiệu lực pháp lý về thời gian, các quy phạm pháp luật hành chính có thể được phân loại thành các nhóm sau:
- Quy phạm áp dụng lâu dài: là loại quy phạm mà trong văn bản ban hành chúng không ghi rõ thời hạn áp dụng. Các quy phạm này chỉ hết hiệu lực khi bị bãi bỏ, thay thế. Các quy phạm này có số lượng rất lớn và có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh lâu dài và ổn định các quan hệ phát sinh trong quản lý hành chính nhà nước.
Ví dụ: Các quy phạm pháp luật hành chính trong Hiến pháp năm 1992 hay trong Luật thanh tra 2004.
- Quy phạm áp dụng có thời hạn: là loại quy phạm được ban hành để điều chỉnh các quan hệ quản lý hành chính nhà nước chỉ phát sinh trong những tình huống đặc biệt hay chỉ tồn tại trong khoảng thời gian nhất định. Khi tình huống đó không còn hay hết thời hạn đó thì quy phạm hết hiệu lực.
Ví dụ: Nghị quyết của Chính phủ số 12/2000/NQ-CP ngày 14/08/2000 về “ Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc là” trong giai đoạn 2000 – 2010.
- Quy phạm tạm thời: là loại quy phạm được ban hành để điều chỉnh một số loại quan hệ quản lý hành chính nhà nước trên một phạm vi, trong khoảng thời gian nhất định làm cơ sở tổng kết để ban hành chính thức.
Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì Pháp lệnh được ban hành để quy định về những vấn đề được Quốc hội giao, sau một thời gian thực hiện trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành thành luật.
e) Phân loại các quy phạm pháp luật hành chính căn cứ vào vào hiệu lực pháp lý về không gian
Căn cứ vào hiệu lực pháp lý về không gian, các quy phạm pháp luật hành chính có thể được phân loại thành các nhóm sau:
- Quy phạm có hiệu lực pháp lý trên cả nước: Các loại quy phạm này do các cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành;
- Quy phạm có hiệu lực pháp lý trên phạm vi từng địa phương nhất định: Các quy phạm này chủ yếu do các có quan ở địa phương ban hành để đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ quản lý hành chính nhà nước phù hợp với đặc thù địa phương mình. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước ở Trung ương có thể ban hành những quy phạm pháp luật hành chính có hiệu lực pháp lý trên phạm vi từng địa phương nhất định để điều chỉnh riêng biệt một số loại quan hệ quản lý hành chính nhà nước quan trọng có tính đặc thù ở địa phương đó.
Ví dụ: Pháp lệnh Thủ đô Hà nội ngày 28/12/2000 là văn bản có nội dung chứa địng các quy phạm pháp luật hành chính chỉ có hiệu lực pháp lý trên phạm vi địa bàn Thành phố Hà nội.
4. Thực hiện quy phạm pháp luật hành chính
Việc thực hiện quy phạm pháp luật hành chính được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng quan trọng nhất chấp hành và áp dụng chúng.
- Chấp hành quy phạm pháp luật hành chính là một hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính, trong đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện những hành vi mà pháp luật hành chính đòi hỏi họ phải thực hiện.
Ví dụ: Thực hiện nghĩa vụ đăng ký tạm trú, tạm vắng theo quy định của pháp luật.
- Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là một hình thức thực hiện quy phạm pháp luật, trong đó các cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền căn cứ vào quy phạm pháp luật hành chính hiện hành để giải quyết các công việc cụ thể phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước.
Khi áp dụng quy phạm pháp luật hành chính, các chủ thể quản lý hành chính nhà nước đơn phương ban hành các quyết định hành chính hay thực hiện các hành vi hành chính để tồ chức việc thực hiện pháp luật một cách trực tiếp đối với các đối tượng quản lý thuộc quyền. Do đó, áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là sự kiện pháp lý trực tiếp làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một số quan hệ pháp luật cụ thể.
Việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải đáp ứng những yêu cầu pháp lý nhất định để đảm bảo hiệu lực quản lý của nhà nước và các quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Những yêu cầu đó là:
- Phải đúng nội dung, mục đích của quy phạm pháp luật được áp dụng;
- Phải được thực hiện bởi các chủ thể có thẩm quyền;
- Phải được thực hiện theo dúng thủ tục do p, quy định;
- Phải được thực hiện trong thời hạn, thời hiệu do pháp luật quy định;
- Kết quả áp dụng phải trả lời công khai, chính thức cho các đối tượng có liên quan và phải được thể hiện bằng văn bản (trừ trường hợp pháp luật quy định khác);
- Quyết định áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải được các đối tượng có liên quan tôn trọng và được bảo đảm thực hiện trên thực tế.
Quan hệ giữa chấp hành và áp dụng quy phạm pháp luật hành chính được thể hiện qua một số khía cạnh chủ yếu sau:
- Trong nhiều trường hợp việc chấp hành quy phạm pháp luật hành chính là tiền đề hoặc là căn cứ cho việc áp quy phạm pháp luật hành chính.
- Trong phần lớn các trường hợp không chấp hành đúng quy phạm pháp luật sẽ dẫn đến việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính.
- Việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính chính là cơ sở cho việc chấp hành các quy phạm pháp luật hành chính của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Quy phạm pháp luật hành chính là gì?
Quy phạm pháp luật hành chính là một dạng cụ thể của quy phạm pháp luật, được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước theo mệnh lệnh – đơn phương.
Ý nghĩa của việc phân loại các quy phạm pháp luật hành chính?
Do tính chất đa dạng và phức tạp của các quy phạm pháp luật hành chính nên việc phân loại các quy phạm pháp luật hành chính có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn xây dựng cũng như áp dụng pháp luật trong quản lý hành chính nhà nước.
3.7/5 – (3 bình chọn)