Khái niệm, đặc điểm của tiền lương theo Bộ luật lao động năm 2019 có những gì nổi bật?
Một trong các vấn đề quan trọng nhất mà người lao động quan tâm là tiền lương. Vậy tiền lương là gì và các đặc điểm của tiền lương như thế nào? Bộ luật lao động năm 2019 định nghĩa tiền lương như thế nào?
Mục Lục
1. Khái niệm tiền lương
Theo Khoản 1 Điều 90 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:
“Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.”
Theo đó, tiền lương là tổng số tiền người lao động nhận được khi thực hiện công việc theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Số tiền này bao gồm 03 thành phần là mức lương theo công việc, chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, cụ thể:
a. Mức lương theo công việc và chức danh là số tiền lương cơ bản mà người lao động có thể nhận được khi tham gia vào quan hệ lao động, được thỏa thuận dựa trên năng lực, năng suất làm việc của người lao động và công việc, chức danh mà người lao động thực hiện. Ví dụ mức lương của người công nhân được quy định trong hợp đồng lao động, dựa trên công việc của người công nhân đó làm. Mức lương cho chức danh tổng giám đốc của công ty, được quy định rõ trong hợp đồng lao động. Mức lương dựa trên công việc và chức danh được tính dựa trên bảng lương, thang lương rõ ràng do người sử dụng lao động xây dựng hoặc nếu là lương khoán thì dựa trên sản phẩm hoặc lương khoán theo thời gian các bên đã thỏa thuận. (Theo Điểm a, Khoản 5, Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020).
b. Phụ cấp lương là khoản tiền bổ sung vào tiền lương cơ bản nhằm bù đắp các yếu tố không ổn định về điều kiện lao động mà khi xác định tiền lương cơ bản chưa tính được. Nói cách khác, phụ cấp lương được sinh ra không phải để hỗ trợ thêm cho người lao động mà để người lao động được hưởng những lợi ích đúng với những gì mình bỏ ra trong quá trình lao động, gắn liền với công việc của người lao động đó. Do vậy, phụ cấp lương không bao gồm thưởng, phụ cấp xăng xe, đi lại, tiền ăn giữa ca,… do đây là các khoản tiền hỗ trợ, ưu đãi thêm dành cho người lao động. Theo điều 10 Bộ luật lao động năm 2019, phụ cấp lương cũng được các bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các quy định khác của người sử dụng lao động.
c. Các khoản bổ sung khác: Các khoản bổ sung khác theo Điểm c Khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH bao gồm: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể, cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng và các khoản bổ sung không được xác định mức tiền cụ thể cùng với mức lương trong hợp đồng lao động. Các khoản bổ sung này nếu không xác định được mức tiền cụ thể và được trả thường xuyên thì không được tính vào lương để đóng bảo hiểm xã hội, tương tự như trợ cấp đi lại hay trợ cấp tiền ăn giữa các ca làm.
Như vậy, quy định của Bộ luật lao động năm 2019 về định nghĩa tiền lương không có nhiều thay đổi so với Bộ luật lao động năm 2012. Tuy nhiên, Bộ luật lao động năm 2019 không còn quy định “Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc” bởi trên thực tế, tiền lương được thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, người sử dụng lao động mới là người cân nhắc nên dựa vào yếu tố nào để trả tiền lương cho người lao động. Việc loại bỏ quy định này thể hiện Bộ luật lao động năm 2019 giảm thiểu sự áp đặt của nhà nước lên quan hệ lao động.
2. Đặc điểm của tiền lương
2.1. Chủ thể có trách nhiệm trả lương: Người sử dụng lao động
Người sử dụng lao động là một trong hai chủ thể của hợp đồng lao động. Người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ trả lương cho người lao động khi người lao động thực hiện các công việc được quy định trong hợp đồng lao động và pháp luật. Tuy nhiên, ở vị trí chủ thể có tiền và trả tiền cho người lao động, người sở hữu lao động luôn có nhiều ưu thế hơn trong quan hệ lao động, do đó pháp luật phải có nhiều quy định để hạn chế ưu thế của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động nói chung và vấn đề tiền lương nói riêng. Người sử dụng lao động phải trả lương theo nguyên tắc nhất quán, công khai, minh bạch, rõ ràng, thể hiện qua bảng lương, thang lương. Đồng thời người sử dụng lao động phải tuân thủ hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, mức lương tối thiểu theo quy định của pháp luật, được ghi rõ trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động.
2.2. Chủ thể nhận lương: Người lao động
Người lao động là một trong hai chủ thể của hợp đồng lao động. Thực hiện các công việc để được lợi ích chính là tiền lương theo hợp đồng lao động. Khoản tiền lương này người lao động dùng để tri trả cho hoạt động sống của bản thân và gia đình. Chính vì điều đó, tiền lương đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống xã hội, nếu người lao động không nhận được tiền lương đúng thời hạn, không chỉ chính họ không thể duy trì cuộc sống, xã hội cũng không thể duy trì cân bằng. Mối quan hệ lao động tồn tại lâu dài, nên người lao động cần phải được trả lương theo kỳ, theo giai đoạn hoặc vào thời điểm đúng mà người lao động cho rằng có thể đủ để họ trang trải cho bản thân và gia đình. Điều đó dẫn đến sự khác biệt giữa tiền lương và các khoản tiền giao dịch khác.
2.3. Tiền lương được thể hiện bằng tiền
Việc trả công lao động tồn tại nhiều hình thức, nếu theo dân sự thì bên trả công có thể trả bằng hiện vật, đổi công, tiền mặt. Tuy nhiên, người sử dụng lao động chỉ có thể trả công bằng tiền lương, dưới hình thức tiền mặt. Theo điều 95 Bộ luật lao động năm 2019, tiền lương được trả cho người lao động được xác định là Việt Nam Đồng và có thể là ngoại tệ trong trường hợp người lao động là người nước ngoài. Do đó, đối với công dân Việt Nam, tiền lương không thể là ngoại tệ.
Trước đây, khi chưa có sự phát triển về công nghệ, hình thức thanh toán duy nhất là tiền mặt, nhưng ngày nay khi dịch vụ thanh toán trở nên phổ biến, có hai hình thức thanh toán là tiền mặt và qua tài khoản cá nhân, điều này được quy định tại cả Bộ luật lao động năm 2012 và Bộ luật lao động năm 2019.
2.4. Tiền lương trong quan hệ lao động chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật
Như đã nêu trên, tiền lương là mấu chốt trong quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, đây là một vấn đề dễ xảy ra tranh chấp và bất đồng giữa các chủ thể trong quan hệ lao động. Vì vậy, pháp luật các nước luôn phải quy định về tiền lương từ rất sớm. Tại Việt Nam, từ thời Gia Long đã có điều luật: “Thuê mướn nhân công, trả tiền công trong hạn năm” (Điều 283 Hoàng Việt luật lệ). Ngày nay, pháp luật quy định về tiền lương tương đối chặt chẽ, Bộ luật lao động 2019 và các văn bản liên quan quy định về khái niệm, mức lương hợp lý, nguyên tắc trả lương, thời hạn trả lương, hình thức trả lương, khấu trừ lương,… Ngoài ra, còn một số văn bản do địa phương ban hành quy định mức lương tối thiểu vùng (Hiện nay Bộ luật lao động năm 2019 không quy định mức lương tối thiểu ngành).
Như vậy, khái niệm và đặc điểm của tiền lương quy định tại Bộ luật lao động năm 2019 không có nhiều thay đổi so với Bộ luật lao động năm 2012. Điều này thể hiện một phần sự ổn định của pháp luật lao động Việt Nam trong việc định nghĩa tiền lương.
Luật Hoàng Anh